Ông Nail Maganov, Giám đốc điều hành của Tập đoàn năng lượng Tatneft, cho rằng việc tăng thuế đối với sản xuất và lọc dầu, cùng với sự kiểm soát giá cả của nhà nước, đã khiến lợi nhuận kinh doanh bán lẻ giảm mạnh.
Ông cho rằng kết quả là lĩnh vực này đang trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Theo đại diện tập đoàn năng lượng Tatneft, với giá xăng hiện nay, gánh nặng thuế lên tới hơn 77% đối với dầu diesel.
Chính vì vậy, nếu tính cả chi phí vận chuyển thì gánh nặng thuế lên tới 85,7%. Tatneft cho biết công ty này hiện có lợi nhuận âm từ việc sản xuất và bán nhiên liệu trên thị trường nội địa.
Còn theo đại diện của công ty dầu khí Surgutneftegaz, hiện tại họ không còn đủ tiền để trang trải toàn bộ mức thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Vấn đề thuế tăng cao được đặt ra trong bối cảnh giá nhiên liệu bán buôn tăng vọt được ghi nhận vào tháng 9 và các biện pháp quyết liệt của chính quyền Nga nhằm kiềm chế đà tăng nhiên liệu.
Khi đó, Moscow đã đưa ra lệnh cấm tạm thời đối với xuất khẩu dầu diesel và xăng. Các hạn chế liên quan đến dầu diesel sau đó đã được dỡ bỏ, nhưng lệnh cấm vận chuyển xăng ra khỏi đất nước vẫn được áp dụng.
Chính phủ Nga đã tăng thuế dầu mỏ từ năm 2018, nhằm giảm dần thuế xuất khẩu dầu, đồng thời tăng thuế khai thác khoáng sản.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị phần của Nga và các nước thuộc OPEC trên thị trường dầu mỏ sẽ tăng trong những năm tới và có thể vượt 50% vào năm 2050.
Các nhà phân tích của cơ quan này tin rằng tỷ lệ cung cấp dầu toàn cầu của OPEC và Nga vẫn ở mức 45-48% cho đến năm 2030 nhưng sẽ tăng trên 50% vào năm 2050 khi Arab Saudi tăng sản lượng.
Sản lượng dầu ở Mỹ năm 2022 đạt tổng cộng 7,5 triệu thùng/ngày. Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, sản lượng dầu tại đây sẽ tăng lên gần 10 triệu thùng/ngày, nhưng đến năm 2050 có thể lại giảm xuống chỉ còn 8,5 triệu thùng/ngày.
Xem thêm: mth.75330749172013202-oac-auq-euht-pa-ib-iv-ohk-pag-agn-om-uad-nol-gno-cac/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad