vĐồng tin tức tài chính 365

Từ vụ con trai 14 tuổi đầu độc cha và bà nội đến vấn nạn trẻ hóa tội phạm

2023-10-28 07:56

Thời gian qua, nhiều vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, mà hung thủ, nghi phạm lại là trẻ em, thanh thiếu niên, người trẻ tuổi. Cá biệt, ngày 25/10, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam P.M.Q. (14 tuổi) về tội Giết người.

Thiếu niên này được xác định đã bị "kích động hận thù" và đầu độc cha cùng bà nội bằng bả chó. Q. đã lên mạng tìm hiểu cách gây án, sau đó lên kế hoạch sát hại người thân. Cả 2 nạn nhân đều đã tử vong.

Trước tình trạng trên, trao đổi với phóng viên báo Dân trí, Thượng tá Đào Trung Hiếu, tiến sĩ tội phạm học, cho rằng, hiện tượng người thân sát hại nhau không còn cá biệt, phản ánh điều bất thường trong xã hội nhưng những vụ việc vừa qua đã thể hiện vấn nạn "trẻ hóa tội phạm".

Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì?

Nhận định về vụ án tại Tiền Giang, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, động cơ gây án của hung thủ đối với người thân đều xuất phát từ những mâu thuẫn trong đời sống chung.

"Điều này phản ánh qua lời khai của cậu bé ở Tiền Giang về lý do giết bố là do những bức xúc, ức chế với việc người cha thường xuyên rượu chè, không chịu khó làm ăn…", ông Hiếu chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Hiếu không loại trừ khả năng "bên trong" hung thủ chịu sự tác động của hội chứng rối loạn tâm lý tuổi mới lớn, khi cơ thể phát triển (dậy thì) kéo theo những biến đổi tâm lý thất thường.

Vị thượng tá phân tích, ở độ tuổi dậy thì, cái mới (sự chín chắn, trưởng thành trong suy nghĩ) mới bắt đầu, đang định hình; cái cũ (tâm lý tuổi thơ) đang mất đi nhưng chưa chấm dứt, khiến trẻ chênh chao, dao động, cảm xúc trồi sụt theo biến động của hoàn cảnh.

Từ vụ con trai 14 tuổi đầu độc cha và bà nội đến vấn nạn trẻ hóa tội phạm - 1

Hai nạn nhân tử vong trong vụ án tại Tiền Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo ông Hiếu, trẻ khi gặp các tác động bất lợi từ môi trường sống, sẽ không biết ứng xử ra sao. Lúc này, nếu bản thân đã tiếp cận quá nhiều với phim ảnh, trò chơi bạo lực, rất dễ vô thức hành động theo những hình ảnh, cách xử sự đã được nhìn thấy.

"Ở độ tuổi thiếu niên, các đối tượng đã có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Khi quyết định bỏ thuốc độc vào đồ uống của bố, hung thủ đều biết rõ hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng", tiến sĩ tội phạm học nhận định.

Trong vụ án tại Tiền Giang, Thượng tá Hiếu nhấn mạnh hành vi nói dối của Q. khi xin bả chó. Điều này chứng tỏ Q. biết rõ công năng, tác hại của loại chất độc này đối với động vật, đó là có thể tước đoạt tính mạng nếu ăn phải.

Cha mẹ là nhân, con cái là quả

"Nguyên nhân trực tiếp khiến hung thủ quyết định sát hại người thân mình có thể xuất phát từ mong muốn giải tỏa các bức xúc, ức chế tâm lý tại thời điểm đó, hoặc những ức chế đã tích tụ lâu ngày", ông Hiếu nói.

Dù vậy, vị thượng tá còn đề cập đến nguyên nhân sâu xa, đó là sự sa sút về đạo đức lối sống. Điều này phản ánh trong nhân cách các đối tượng chứa đựng những đặc điểm tiêu cực.

Cụ thể, đó là sự hỗn hào, vô ơn, coi thường các giá trị chuẩn mực đạo đức, hoặc không được giáo dục để biết đến các giá trị này. Bên cạnh đó là thói quen sống phóng túng, hoặc ích kỷ, hưởng thụ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, thói quen đòi hỏi vô lối.

Về tính cách, hung thủ đã bị tiêm nhiễm từ môi trường sống xung quanh, về thói quen ứng xử bạo lực, thiếu kiên nhẫn, thích thể hiện cái tôi…

Từ vụ con trai 14 tuổi đầu độc cha và bà nội đến vấn nạn trẻ hóa tội phạm - 2

Hung thủ vụ án tại Tiền Giang là một thiếu niên 14 tuổi (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Với một nhân cách đã chứa đựng những phẩm chất lệch lạc như trên, khi gặp phải các tình huống bất như ý, dễ làm các đối tượng cảm thấy bị tổn thương, kích động, biến thành cơn giận dữ bên trong và nhu cầu giải tỏa bức xúc bằng các biện pháp bạo lực, gây hại cho đối tượng được cho là nguyên nhân dẫn đến ức chế của mình mà không suy nghĩ nhiều đến hậu quả của hành vi", Thượng tá Đào Trung Hiếu đưa ra quan điểm.

Nguyên nhân dẫn đến những lệch lạc, tiêu cực trong nhân cách nêu trên, theo ông Hiếu, không phải tự nhiên mà có.

Đó là kết quả của quá trình "xã hội hóa cá nhân", tức là các tác động bất lợi từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội trong sự tương tác với các phẩm chất mang tính cá nhân bên trong đối tượng.

Vị tiến sĩ cho rằng, giới trẻ hiện nay đang bị "bủa vây" từ các yếu tố bất lợi trong môi trường sống, đặc biệt là tác động tiêu cực từ trò chơi game bạo lực, ấn phẩm bạo lực phản văn hóa đầy rẫy trên không gian mạng, cùng phim ảnh nước ngoài.

"Điều này tác động sâu sắc đến định hướng giá trị, thẩm mỹ, phong cách ứng xử", ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, môi trường gia đình hiện nay cũng có quá nhiều vấn đề tác động đến người trẻ.

Từ vụ con trai 14 tuổi đầu độc cha và bà nội đến vấn nạn trẻ hóa tội phạm - 3

Thượng tá Đào Trung Hiếu (Ảnh: Hải Nam).

Theo vị thượng tá, áp lực cuộc sống, bươn chải mưu sinh khiến nhiều bậc phụ huynh không có thời gian để quan tâm đến con cái; đời sống xã hội với nhiều cám dỗ, cuốn các thành viên chạy theo danh lợi, tiền bạc, khiến sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, gia đình Việt đang đứng trước cơn đại dịch có tên "ly hôn".

Trong hoàn cảnh gia đình ấy, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng sự bảo ban, giám sát, quan tâm, uốn nắn kịp thời của người lớn.

Cũng có trẻ lớn lên trong môi trường gia đình thiếu hòa khí, bố mẹ nghi kỵ, cãi cọ, đánh nhau, hoặc cách giáo dục con bằng bạo lực, ép uổng học hành quá mức để đạt thành tích cao, để lại những vết hằn trong tâm lý.

"Cha mẹ là nhân, con cái là quả. Trẻ ở các gia đình này có xu hướng dùng bạo lực giải quyết các bức xúc tâm lý theo đúng cách mà chúng nhìn thấy ở bố mẹ mình. Đồng thời, khi không được tôn trọng, chăm sóc giáo dịch đúng cách, trẻ thất vọng về gia đình, về cha mẹ, nảy sinh suy nghĩ chán ghét, thậm chí căm thù người sinh thành ra mình", ông Hiếu nói.

Vị tiến sĩ nhận định, trẻ em trong hoàn cảnh "lời ru chia đôi" phải theo mẹ hoặc cha, phải ở với người mới, rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm, hoặc chính chúng do buồn chán, thất vọng, hụt hẫng và bị dẫn dụ vào các việc làm vi phạm pháp luật.

Giáo dục con người, thay vì chỉ trang bị kiến thức

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng trẻ hóa tội phạm, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, giải pháp căn cơ nhất là giáo dục.

Ông Hiếu cho rằng, triết lý giáo dục cần phải thay đổi hướng đến việc bồi dưỡng nhân cách con người, dạy con người hướng vào trong để quản trị được chính bản thân mình, thay vì nhồi nhét kiến thức.

"Nếu thiếu vắng đi việc dạy làm người, sản phẩm đầu ra sẽ chỉ là những con rô bốt "chạy bằng cơm" ", vị tiến sĩ nói.

Đưa ra quan điểm, ông Hiếu cho biết, ngay từ nhỏ, gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo cho trẻ môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách tích cực, tiến bộ, nhân văn. Cần phát huy truyền thống đạo đức của gia đình Việt Nam, duy trì gia phong, gia đạo, ông bà cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền…

Nhà trường cần tăng cường trang bị kỹ năng sống cho học sinh, nhấn mạnh chức năng giáo dục con người, thay vì chỉ đào tạo, trang bị kiến thức.

"Ở bình diện xã hội, các ngành chức năng cần tích cực triển khai các giải pháp làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa, đấu tranh mạnh mẽ với những yếu tố tiêu cực xã hội trên không gian mạng, trò chơi, phim ảnh bạo lực, đồi trụy; xây dựng những cộng đồng dân cư an toàn, văn minh, phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.

Xem thêm: mth.63114045172013202-mahp-iot-aoh-ert-nan-nav-ned-ion-ab-av-ahc-cod-uad-iout-41-iart-noc-uv-ut/taul-pahp/nv.moc.irtnad

Comments:0 | Tags:Pháp luật

“Từ vụ con trai 14 tuổi đầu độc cha và bà nội đến vấn nạn trẻ hóa tội phạm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools