Theo kế hoạch đã được phê duyệt hồi đầu năm, EU cam kết sẽ cung cấp đạn pháo cho Ukraine trong 12 tháng, bắt đầu từ nguồn cung là các kho dự trữ hiện có, sau đó là các thỏa thuận mua sắm chung và gia tăng sản xuất công nghiệp.
Tính đến nay đã hơn một nửa thời gian của kỳ hạn 12 tháng, nhưng việc cung cấp chỉ mới đạt khối lượng hơn 30% so với mục tiêu. Bên cạnh đó, dựa trên số lượng hợp đồng đã ký cho đến nay, có khả năng mục tiêu này sẽ khó đạt được - Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin từ tài liệu và các nguồn thạo tin cho biết.
Nhiều quốc gia trong khối đã kín đáo yêu cầu bộ phận chính sách của EU xem xét khả năng gia hạn thêm hợp đồng.
Theo một nguồn thạo tin, Mỹ với mục tiêu tăng sản lượng đạn pháo tự sản xuất của nước này lên xấp xỉ 1 triệu quả vào năm 2024, đã kêu gọi sự nỗ lực hơn từ phía EU.
Các quốc gia thành viên EU cũng thận trọng trong việc tiết lộ thông tin chính xác về nguồn lực mà họ đã đóng góp và chi tiết trong hợp đồng của mỗi nước.
Một số nước như Đức, Hà Lan và Ba Lan tiết lộ đã đóng góp xấp xỉ 300.000 - 400.000 quả đạn pháo, chủ yếu dưới danh nghĩa cam kết của EU.
Ngoài ra, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và quốc gia ngoài EU là Na Uy đã cam kết đóng góp 52 triệu euro cho hoạt động sản xuất bắt đầu vào năm tới.
Báo cáo còn đề cập thêm là chi phí cho đạn pháo đã tăng lên kể từ khi EU triển khai cam kết, khả năng là mối nguy cho việc đáp ứng mục tiêu của ngân sách hiện tại.
Tuy nhiên, các số liệu trên vẫn chưa bao gồm hết các lần chuyển giao được thực hiện từ thời điểm đầu của cuộc chiến Nga - Ukraine. Một số quốc gia có thể đã có nguồn cung đạn ngoài EU hoặc không tiết lộ các lần chuyển giao.
NATO cũng kêu gọi các nước thành viên vượt qua khuynh hướng bảo hộ mậu dịch và đạt sự đồng thuận về tiêu chuẩn đạn pháo, qua đó gia tăng hơn nữa năng suất sản xuất.
Cùng lúc đó, có lo ngại rằng tình hình xung đột ở Trung Đông leo thang khiến cuộc chiến tại Ukraine ít được chú ý hơn trong khi các nước phương Tây tập trung vào diễn biến của xung đột Israel - Hamas hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Kiev có thể gặp nhiều thách thức trong việc duy trì nguồn cung vũ khí và sự ủng hộ từ quốc tế.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cảnh báo sẽ tịch thu số tài sản châu Âu, với giá trị cao hơn những tài sản đóng băng của Nga sắp được EU trao cho Ukraine.