Trong 10 năm qua, các chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm tình trạng trốn thuế xuyên biên giới. Nghiên cứu do Tổ chức Quan sát thuế châu Âu vừa công bố chỉ ra mức độ hiệu quả của cơ chế liên thông dữ liệu thuế giữa các quốc gia.
Cất giấu tài sản ở nước ngoài không còn dễ kể từ khi thuế vụ các nước chia sẻ với nhau thông tin về tài sản cá nhân.
Tờ Thời báo Thụy Sĩ nhận xét: "Cuộc chiến chống trốn thuế đã tỏ ra hiệu quả. Trong vòng 10 năm qua, hành vi trốn thuế xuyên quốc gia đã giảm 2/3, nhờ cơ chế tự động liên thông dữ liệu thuế".
Nghiên cứu mới công bố cho biết, tỷ lệ tự giác khai báo đã lên tới 75%, vượt xa so với cách đây 10 năm, hồi đó giá trị tài sản cất giấu ở nước ngoài được những gia đình giàu có tự giác khai báo chỉ có 5%.
10 năm qua, cơ chế tự động trao đổi thông tin ngân hàng đã được hơn 100 quốc gia hưởng ứng. Tờ Le Figaro của Pháp viết: "Kể từ năm 2017 - 2018, hầu hết các trung tâm tài chính quốc tế đều gửi thông tin tài khoản lưu trữ trên máy chủ của mình cho cơ quan thuế của quốc gia nơi chủ tài khoản cư trú. Trong năm 2022, các quốc gia đã chia sẻ với nhau dữ liệu của hơn 12.000 tỷ USD tài sản ngoài lãnh thổ. Một bước chuyển căn bản so với trước đây, khi bí mật ngân hàng còn là chuyện tất yếu.
Trong 10 năm qua, hành vi trốn thuế xuyên quốc gia đã giảm 2/3, nhờ cơ chế tự động liên thông dữ liệu thuế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Hàng năm, mọi gia đình châu Âu đều phải khai thuế, khai chi tiết tài sản tại thời điểm ngày cuối cùng của năm sát trước.
Tờ Mặt trời 24h liệt kê những gì người Italy phải khai báo. Ngoài thu nhập và tài sản đang có trong nước, phải khai báo là chuyện tất nhiên, còn có những đầu mục về tài sản ở nước ngoài, bất động sản kể cả khi chỉ sở hữu một phần, đồ vật giá trị, tác phẩm nghệ thuật, du thuyền và xe ô tô đăng ký biển số tại nước khác. Mọi tài sản đều phải khai báo, kể cả khi được đặt trong két sắt an toàn của một ngân hàng nước ngoài.
Theo tờ báo Italy, người Italy còn phải khai báo mọi sản phẩm tài chính đang sở hữu ở nước ngoài, bao gồm: cổ phần bằng tiền hoặc bằng tài sản, trái phiếu, ngoại tệ, tiền gửi trong ngân hàng cùng số tài khoản. Các khoản thu nhập như tiền lương hay đền bù bảo hiểm, hợp đồng phái sinh, kim loại quý, kể cả hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại nước ngoài cũng phải khai báo.
Cái khó đối với người khai thuế là không ai biết thuế vụ nước mình đã được chia sẻ những thông tin nào, đã biết những gì về tài sản của mình ở nước ngoài.
Tờ Il Fatto Quotidiano cho biết Tổ chức Quan sát thuế châu Âu còn kêu gọi cần phải minh bạch dữ liệu về hợp đồng ủy thác đầu tư, hoạt động tài chính và sở hữu bất động sản, nhằm tạo dựng một cơ sở dữ liệu toàn cầu về tài sản cá nhân, phục vụ cho công cuộc chống trốn thuế cũng như chống tài trợ khủng bố.
VTV.vn - Tổng cục Thuế cho biết, các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, đúng hạn về thông tin cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.17292114103013202-euht-nort-iv-hnah-maig-mal-ueil-ud-gnoht-neil/et-hnik/nv.vtv