Nhiều doanh nghiệp ngành thép công bố báo cáo tài chính quý 3-2023. Trong khi một số tập đoàn thị phần lớn "ngược dòng" báo lãi trở lại, một số đơn vị khác vẫn chật vật...
Vướng nợ khó đòi từ công ty bất động sản
Công ty cổ phần đầu tư thương mại SMC (mã CK: SMC) - một hãng thép 35 tuổi tại TP.HCM - ghi nhận doanh thu thuần 3.141 tỉ đồng trong quý 3-2023, giảm gần 45% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán đạt 3.182 tỉ đồng, cao hơn doanh thu, SMC ghi nhận lỗ gộp hơn 41 tỉ đồng. Điểm "gỡ" lại trong kỳ là chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm.
Kết quả, quý 3-2023 SMC lỗ sau thuế 178 tỉ đồng. Dù đã giảm so với mức lỗ 219 tỉ đồng quý 3-2023, nhưng gộp 9 tháng năm 2023, hãng thép lỗ 585 tỉ đồng, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ.
Ngoài chuyện kinh doanh dưới giá vốn, việc phải trích lập dự phòng đẩy bức tranh tài chính của doanh nghiệp này thêm khó khăn.
Tại thời điểm 30-9-2023, báo cáo tài chính thể hiện SMC đã trích lập dự phòng 272 tỉ đồng cho hơn 1.300 tỉ đồng nợ xấu.
Danh sách nợ xấu công ty thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (440 tỉ đồng), Công ty TNHH bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỉ đồng), Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (63 tỉ đồng), Công ty TNHH The Forest City (131 tỉ đồng)…
Thời gian tới, nếu công nợ vẫn chưa thể thu hồi được, SMC phải tiếp tục trích lập dự phòng thêm theo quy định.
Để duy trì hoạt động, ngày 18-10, hội đồng quản trị SMC đã thống nhất thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.
Giải trình về tình hình kinh doanh, ban lãnh đạo SMC cho biết quý 3 là mùa thấp điểm tiêu thụ ngành thép, đặc biệt năm nay sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bất động sản đóng băng, thị trường dân dụng sức mua yếu, giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nên nhu cầu thép trong nước giảm sút đáng kể.
Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do phải trích lập các khoản dự phòng… Công ty sẽ đề xuất những giải pháp tích cực để thu hồi các khoản nợ còn tồn đọng.
Nhiều nơi "đua" báo lỗ, "đại gia" lại báo lãi ngàn tỉ
"Câu lạc bộ" lỗ lớn ngành thép còn có Tổng công ty Thép Việt Nam - VNSteel. Quý 3-2023, VNSteel ghi nhận 7.947 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh hơn với 74%, chỉ còn 72 tỉ đồng. Trong kỳ, VNSteel cũng ghi nhận -118 tỉ đồng ở công ty liên doanh liên kết, giảm đáng kể so với khoản lỗ 292 tỉ đồng quý 3 năm trước.
Kết quả, quý 3 năm nay, VNSteel báo lỗ sau thuế hơn 171 tỉ đồng, thu hẹp so với mức -542 tỉ đồng cùng kỳ. Nhưng tính chung cả 9 tháng, VNSteel có doanh thu hơn 23.000 tỉ đồng, giảm 24% và lợi nhuận sau thuế âm 453 tỉ đồng, cao hơn mức lỗ 411 tỉ đồng cùng kỳ.
Gang thép Thái Nguyên (TIS), Thép Nhà Bè - VNSteel (TNB), Inox Kim Vĩ (KVC)… cũng đều có kết quả kinh doanh với lợi nhuận âm.
Điểm sáng trong bức tranh ngành thép nằm ở một số tập đoàn lớn như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỉ phú Trần Đình Long hay Hoa Sen (HSG) của "đại gia" Lê Phước Vũ…
Quý 3-2023, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 28.766 tỉ đồng, giảm 16% so với quý 3-2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 2.000 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ còn lỗ hơn 1.700 tỉ đồng.
Tại báo cáo tổng quan tình hình kinh doanh quý 3-2023, đại diện Hòa Phát cho biết vẫn giữ vị trí dẫn đầu thị trường thép nội địa với thị phần 33% về thép xây dựng và 27% đối với ống thép.
Trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành kinh doanh dưới giá vốn thì theo Hòa Phát, giá thành sản xuất là điểm sáng lớn nhất giúp nâng cao biên lợi nhuận quý này.
Còn tại báo cáo tài chính quý 4 niên độ 2022 - 2023 (từ 1-7 đến 30-9-2023), Tập đoàn Hoa Sen cho biết lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 438 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ còn lỗ hơn 886 tỉ đồng.
Lũy kế năm tài chính 2022 - 2023 (từ ngày 1-10-2022 đến 30-9-2023), HSG có lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 28 tỉ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được Hoa Sen lý giải là do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 228 tỉ đồng.
Ngành thép Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nguy cơ bị bóp nghẹt bởi thép nhập khẩu, nhất là lượng thép Trung Quốc đang ngày càng nhiều.