Ngày 30.10, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án "vi phạm quy định về và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" do bị cáo Phan Minh Tân (cựu Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cùng 5 đồng phạm thực hiện.
6 bị cáo trong vụ án được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong khi chờ tòa xét xử. Tuy nhiên bị cáo Khuất Duy Vĩnh Long (nguyên trưởng Phòng quản lý công nghệ) đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
Đồng thời, bị cáo Nguyễn Quốc Thái (cựu Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ) đã đơn xin xét xử vắng mặt do đang điều trị tại bệnh viện.
Theo cáo trạng, Quỹ phát triển KH-CN TP.HCM do UBND TP.HCM thành lập ngày 16.5.2007 để tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ của TP.HCM. Bộ máy quản lý và điều hành gồm 6 thành viên do ông Phan Minh Tân làm Chủ tịch. Cơ quan điều hành của quỹ là Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP.HCM (HIFU).
Từ tháng 8 - 11.2009, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ông Tân và đồng phạm làm trái quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng đầu tư công trong xét duyệt vay và hỗ trợ cho Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ Huy Hoàng (gọi tắt: Công ty Huy Hoàng, chuyên sản xuất chip) thực hiện 2 dự án không đúng quy định, gây thiệt hại hơn 22,6 tỉ đồng của ngân sách nhà nước.
Cấp kinh phí đề tài khoa học, không phải cấp tín dụng
Trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Phan Minh Tân trình bày, việc cấp tiền không phải là cho vay, mà cấp kinh phí thực hiện dự án, đề tài khoa học, theo quy chế quản lý đề tài khoa học trên địa bàn TP.HCM.
Theo bị cáo Tân khai, tiêu chí cấp kinh phí cho đề tài khoa học là sự cần thiết, cấp thiết phải thực hiện dự án đó; đầu tư nghiên cứu; sản phẩm tạo ra có gì; tổ chức thực hiện của cơ quan chủ trì...
Bị cáo Tân Khai, đối với dự án 1, kinh phí được cấp là 4,9 tỉ đồng, trong khi thẩm quyền của Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM phê duyệt các dự án nghiên cứu khoa học ngoài kế hoạch do UBND TP.HCM giao tối đa là 600 triệu đồng. Nói cách khác, để có kinh phí thực hiện dự án, Công ty Huy Hoàng phải đáp ứng đủ các điều kiện và phải được UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt theo đúng Quy chế đã ban hành.
Vì vậy, việc cấp kinh phí dự án 1 để Công ty Huy Hoàng bắt tay thực hiện dự án là thực hiện đúng theo quy định, quy trình, không sai phạm. Việc Công ty Huy Hoàng không thực hiện được dự án chỉ là nguyên nhân khách quan, là rủi ro khi thực hiện các công trình nghiên cứu đề tài, dự án khoa học. Hành vi cấp kinh phí đúng trình tự, không sai phạm, Công ty Huy Hoàng không thực hiện được dự án chỉ là nguyên nhân khách quan, là rủi ro khi thực hiện các công trình nghiên cứu đề tài, dự án khoa học.
Cho vay từ Thư hứa cấp tín dụng của ngân hàng
Đối với thẩm định và cho Công ty Huy Hoàng vay 10 tỉ đồng để thực hiện dự án 2, cáo trạng xác định Công ty Huy Hoàng không có khả năng về tài chính, không đủ điều kiện được duyệt vay, bởi thực chất tổng vốn tự có của Công ty Huy Hoàng chỉ khoảng gần 142 triệu đồng, tức 0,46% so với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 30 tỉ đồng - dưới 30%, là không đủ điều kiện cho vay theo quy định.
Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Tân cho rằng vốn tự có của Công ty Huy Hoàng là có, thể hiện ở các tài liệu: Biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty Huy Hoàng cam kết đóng góp 9.5 tỉ đồng kèm 6 phiếu thu, thu được 8.8 tỉ đồng từ các cổ đông và "khả năng huy động vốn" thể hiện tại Thư hứa cấp tín dụng của Ngân hàng Nam Á sẽ cho Công ty Huy Hoàng vay 10,8 tỉ đồng để thực hiện Dự án nếu Công ty Huy Hoàng được Quỹ xét duyệt cho vay. Như vậy, khả năng tài chính của Công ty Huy Hoàng đã đạt 19,6 tỉ đồng, vượt mức 30% giá trị dự toán theo quy chế cho vay.
Tuy nhiên, chủ tọa cũng nêu Thư hứa cấp tín dụng của Ngân hàng Nam Á chỉ là hứa cấp tín dụng nếu Công ty Huy Hoàng đảm bảo đủ các điều kiện, không phải là quyết định cấp tín dụng hay đứng ra bảo lãnh cho Công ty Huy Hoàng. Bị cáo Tân trình bày, nhận thức của bị cáo tại thời điểm đó cho rằng dựa vào các tài liệu Công ty Huy Hoàng cung cấp thì công ty này đủ điều kiện để được cấp kinh phí.
Về thiệt hại cáo trạng xác định hơn 22,6 tỉ đồng, bị cáo Phan Minh Tân không đồng ý, vì cho rằng bị cáo không hưởng lợi vật chất trong vụ án này, việc dự án không hoàn thành là trách nhiệm của Công ty Huy Hoàng. "Bị cáo không dám nói là mình oan sai, nhưng nhận thức của bị cáo là mình cấp kinh phí khi Công ty Huy Hoàng đủ điều kiện và theo đúng trình tự, quy định pháp luật", bị cáo Tân trình bày và cho rằng mình vẫn có trách nhiệm liên đới đến thiệt hại nên đã đóng 2,2 tỉ đồng để khắc phục.
HĐXX tiếp tục thẩm vấn 3 đồng phạm khác trong vụ án. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 2 ngày.
Bị cáo Nguyễn Quốc Thái thở khí dung, được xét xử vắng mặt
Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Quốc Thái (cựu phó trưởng phòng Quản lý công nghệ) cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang phải điều trị bệnh trong bệnh viện.
Đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa cho hay qua xác minh tại bệnh viện, bị cáo Thái chỉ chữa trị ngoại trú. Các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng đã được hưởng chính sách khoan hồng là tại ngoại. Vì vậy, để đảm bảo sự công bằng giữa các bị cáo thì viện kiểm sát đề nghị HĐXX buộc bị cáo Thái cần có mặt tại tòa.
Chiều cùng ngày, bị cáo Thái đã đến tòa. Song vợ bị cáo Thái trình bày bản thân bị cáo Thái không ngồi được lâu do sức khỏe yếu, phải thở khí dung. Đồng thời, trả lời HĐXX, bị cáo Thái trình bày giữ nguyên lời khai trong quá trình điều tra, không thay đổi.
Sau khi hội ý, HĐXX thông báo xét tình trạng sức khỏe của bị cáo nên HĐXX chấp nhận đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo, cho bị cáo ra về. Luật sư bào chữa cho bị cáo sẽ tiếp tục phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.