Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan và định hình lại nền kinh tế và thương mại quốc tế. Từ hạn hán kéo dài làm chậm tàu thuyền ở kênh đào Panama cho đến lũ lụt làm ngừng hoạt động sản xuất công nghiệp ở Nhật Bản, đó là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất mà nhiệt độ tăng đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp.
Khắp nơi trên thế giới đều nhộn nhịp hoạt động giao dịch nước bởi đây là đầu vào cần thiết để tạo ra hầu hết mọi nguyên liệu thô và sản phẩm mà con người tiêu thụ. Sự khan hiếm ngày càng trầm trọng đã buộc các thành phố, quốc gia và công ty phải mua nhiều nước hơn từ những nơi xa hơn trước. Giao dịch nước đang là ngành công nghiệp phát triển. Những xe tải chở đầy nước đã mang lại sự sống cho nhiều quốc gia đang phải hứng chịu hạn hán kéo dài. Đồng thời, các thị trường mua bán quyền sử dụng nước đã trở nên bất ổn hơn ở một số vùng của Australia, Chile, Tây Ban Nha và Mỹ.
Tony Allan, một nhà địa lý người Anh, đã đặt ra thuật ngữ “nước ảo” vào những năm 1990 để mô tả giao dịch vô hình diễn ra hàng ngày - trái ngược với “nước vật lý” được mua và bán thông qua đường ống, chai và hợp đồng. Ông lập luận rằng nhập khẩu thực phẩm đóng vai trò như dấu hiệu của quy mô thâm hụt nước trong một nền kinh tế. Mức độ nhập khẩu lương thực cao cho thấy một quốc gia không có đủ nước để tự trồng lương thực, và ngược lại.
Nhận thức ban đầu về buôn bán nước ảo xuất hiện vào thời điểm dân số và phương tiện di chuyển còn hạn chế. Giao dịch hàng hóa đường thủy đã tăng gấp đôi từ năm 1986 đến năm 2007 khi dân số toàn cầu tăng và vận chuyển quốc tế đa dạng hơn. Theo một bài báo tháng 9 về tương lai của hoạt động kinh doanh nước ảo của các nhà khoa học tại Đại học Maryland, những xu hướng này - cùng với sự gia tăng GDP ở một số nền kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ tiếp tục trong suốt thế kỷ này .
Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng thị trường nước ảo ngày nay sẽ mở rộng gấp 5 lần vào năm 2100. Giao dịch hiệu quả hơn có thể giúp giảm nhu cầu về nước, với khả năng tiết kiệm được 6 nghìn tỷ mét khối nước cho đến cuối thế kỷ này, tương đương với gần 2 tỷ bể bơi Olympic và có thể tích lớn hơn hồ Michigan.
Phải mất gần ba thập kỷ, các nhà khoa học mới tìm ra cách lập bản đồ hoạt động buôn bán nước ảo. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Turin ở Italia đã làm như vậy bằng cách phân tích hàng triệu điểm dữ liệu về trao đổi nông nghiệp trong năm 2016, được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc ghi lại.
Marta Tuninetti, đồng tác giả của nghiên cứu ở Turin, cho biết: “Nước ảo đã trở thành phương tiện giúp chúng ta hiểu cách các quốc gia kết nối với nhau từ quan điểm địa chính trị. Chúng tôi sử dụng các chỉ số này để hiểu những tác động đối với mạng lưới thương mại nếu một cuộc khủng hoảng khí hậu hoặc địa chính trị xảy ra ở một quốc gia."
Có rất nhiều ví dụ gần đây, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra làn sóng bất ổn trên thị trường ngũ cốc. Theo CWASI, cơ sở dữ liệu do các nhà nghiên cứu Turin quản lý, trung bình mỗi tấn lúa mì cần khoảng 1.500 mét khối nước trên toàn cầu. Lũ lụt ở California đã cuốn trôi những cánh đồng hạnh nhân (5.356 mét khối nước/tấn), trong khi hạn hán ở lưu vực sông Colorado đã làm ảnh hưởng đến sản lượng bông cải xanh (224 mét khối nước/tấn).
Trở thành một nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu lớn không nhất thiết khiến một quốc gia trở thành người thắng hay kẻ thua trong trò chơi nước. Một câu hỏi quan trọng là lượng tài nguyên nước tự nhiên của một quốc gia còn lại cho cộng đồng và hệ sinh thái là bao nhiêu. Xếp hạng theo từng quốc gia về lượng nước có sẵn cho mỗi người, so với lượng xuất khẩu - thực tế và ảo - làm sáng tỏ cách thức nó thực sự được giao dịch trên toàn thế giới.
Giao dịch nước ảo vượt xa thực phẩm
Nông nghiệp chiếm 80%-90% tổng lượng nước tiêu thụ của nhân loại. Vì vậy hầu hết nỗ lực tìm hiểu hoạt động kinh doanh nước ảo đều tập trung vào thực phẩm. Nhưng mối quan tâm ngày càng tăng trong việc kiểm tra lượng nước được đưa vào tất cả các sản phẩm khác mà con người giao dịch.
Theo nghiên cứu do tổ chức môi trường Friends of the Earth, cần 3,9 mét khối nước để làm ra một chiếc áo phông cotton. Một đôi bốt da có thể cần tới 14,5 mét khối nước, một chiếc điện thoại thông minh cần khoảng 12,7 mét khối. Nước cũng được sử dụng để chiết xuất và tinh chế dầu, một mặt hàng quan trọng khác của thế giới. Theo công ty phân tích thương mại Kpler, dầu thô được chở trên các tàu chứa khoảng 0,15% nước, nghĩa là khoảng 22 triệu thùng nước được xuất khẩu bằng tàu hàng năm.
Một nguyên liệu thô tốn nhiều nước khác là đồng. Kim loại này được sử dụng để chế tạo xe điện và dây cáp, dùng để vận chuyển năng lượng sạch. Hai sản phẩm trên dự kiến sẽ có nhu cầu tăng vọt khi thế giới đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Các phương pháp công nghiệp khác nhau được sử dụng để chế biến quặng ở Chile đòi hỏi lượng nước rất lớn. Theo Francisco Acuna, cố vấn chính tại CRU, sản xuất một tấn đồng tinh chế ở vùng Antofagasta tiêu thụ khoảng 70-120 mét khối nước. Con số thực tế có thể cao hơn.
Các công ty khai thác mỏ ở sa mạc Atacama của Chile, khu vực khai thác nhiều đồng nhất thế giới, đã chi hàng tỷ USD để xây dựng các nhà máy khử muối tiêu tốn nhiều năng lượng vì phần lớn nước ngọt đã cạn kiệt sau đợt siêu hạn hán kéo dài 13 năm. Cochilco, một cơ quan chính phủ, ước tính lượng nước sử dụng để sản xuất đồng sẽ tăng khoảng 2% mỗi năm cho đến năm 2033. Trong vòng một thập kỷ, 71% lượng nước mà các thợ mỏ đồng ở Chile sử dụng có thể được khử muối.
Một nền công nghiệp được hình thành từ nước
Các công ty ở Chile đã được hưởng lợi từ hệ thống duy nhất trên thế giới, trao quyền sử dụng nước vĩnh viễn cho tư nhân. Việc khai thác mỏ và nông nghiệp đã sử dụng nước không kiểm soát từ những năm 1980 tới nay. Hiện tại, Chile đang có một cuộc tranh luận để khắc phục điều đó.
Hàng triệu người tuần hành trên đường phố Chile vào năm 2019 để yêu cầu được tiếp cận nguồn nước một cách công bằng. Dự luật nước mới của đất nước này được phê duyệt năm ngoái giới hạn quyền sử dụng nước tối đa là 30 năm và cho phép chính quyền tạm dừng cấp giấy phép mới nếu nguồn cung cấp gặp rủi ro.
Một số thành viên của quốc hội soạn thảo hiến pháp mới đã ủng hộ một điều khoản coi nước là một quyền con người . Họ muốn loại bỏ thị trường quyền sử dụng nước và chuyển sang hệ thống do nhà nước kiểm soát để cấp giấy phép tương tự như châu Âu và các khu vực khác của châu Mỹ Latinh.
Christian Valenzuela, người sáng lập Agua, một nền tảng giao dịch quyền nước trực tuyến, cho biết: "Chúng tôi không thể trao cho thị trường trách nhiệm quản lý nước". Tuy nhiên, ông lo ngại có thể đã quá muộn để cải cách: “Không có hệ thống pháp luật nào có thể giải quyết những căng thẳng do biến đổi khí hậu gây ra".
Khủng hoảng vì thiếu... nước
Con người đang phải đối diện với tình trạng nguồn cung cấp nước bị hạn chế. Ngày nay, 3,6 tỷ người không được tiếp cận đủ nước ít nhất một tháng mỗi năm. Tổ chức Khí tượng Thế giới dự kiến con số này sẽ tăng lên hơn 5 tỷ vào năm 2050 .
Theo báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới, 25 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao, khi họ đang sử dụng 80% nguồn cung cấp nước tự nhiên cho nhu cầu tưới tiêu, chăn nuôi, công nghiệp hoặc sinh hoạt. Điều đó có nghĩa là ngay cả những đợt hạn hán ngắn hạn cũng có thể nhanh chóng khiến những nơi này có nguy cơ cạn nước, một kịch bản đã từng xảy ra ở Ấn Độ, Iran, Mexico, Nam Phi và Vương quốc Anh.
Hai phần ba lượng nước ngọt của thế giới chảy qua biên giới quốc gia, tuy nhiên chỉ có năm tầng chứa nước xuyên biên giới trong số hơn 300 tầng ngậm nước trên toàn cầu có chính phủ ký các thỏa thuận điều chỉnh việc sử dụng nước. Tại Nam Mỹ, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đang khôi phục nỗ lực kêu gọi 8 quốc gia có chung lưu vực sông Amazon bảo vệ nó. Nhưng ở những nơi khác đã có xung đột gia tăng. Ở Trung Á, Afghanistan và Iran do Taliban lãnh đạo đã trao đổi tối hậu thư khi các cuộc giao tranh nổ ra ở biên giới. Dọc theo sông Nile, được chia sẻ bởi hơn 10 quốc gia, con đập trị giá 5 tỷ USD do Ethiopia xây dựng đã khiến các nước láng giềng khó chịu.
Nghiên cứu của Đại học Maryland dự đoán rằng trong tương lai hầu hết lượng nước ảo xuất khẩu trên thế giới sẽ đến từ lưu vực sông Amazon, miền Trung Mỹ, miền Bắc Ấn Độ và một phần miền Nam Canada và Nga. Tuy nhiên, không thể dự đoán những xu hướng thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ địa chính trị và cuộc sống của người dân sống dọc theo các tuyến đường thủy quan trọng.
Neal Graham, một trong những tác giả của bài báo của Đại học Maryland, cho biết: “Có nhiều sự đánh đổi khi dịch chuyển nguồn nước đến từ đâu và ai sẽ sử dụng nguồn nước để trồng cây nào. Đó sẽ vẫn là vấn đề cần tranh luận".
Xem thêm: nhc.741506502030132881-uac-naot-coun-nab-noub-gnod-taoh-yad-cuht-uah-ihk-iod-neib/nv.fefac