Đây được xem là cách Mỹ “bù đắp” cho hải sản của Nhật, vốn bị Trung Quốc đặt lệnh cấm nhập khẩu vì vụ xả nước thải Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Nhật Bản và Trung Quốc tranh luận về hậu quả của việc này. Tokyo khẳng định chất lượng và độ an toàn của hải sản không bị ảnh hưởng, còn Bắc Kinh bày tỏ lo ngại.
Trả lời Hãng tin Reuters hôm 30-10, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel tiết lộ Washington đang tìm hiểu thêm về sáng kiến mới của họ có thể bù đắp cho Nhật. Ông cũng khẳng định Trung Quốc đang triển khai “chiến tranh kinh tế”.
"Đây sẽ là một hợp đồng dài hạn giữa lực lượng vũ trang Mỹ với các ngư trường và công ty đánh bắt hải sản Nhật Bản", ông Emanuel nói.
Trong lần mua hải sản Nhật Bản đầu tiên của Mỹ theo chương trình trên, Washington sẽ chỉ mua 1 tấn sò điệp. Con số này chỉ là một phần rất nhỏ so với con số 100.000 tấn sò điệp mà Nhật Bản từng xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm ngoái.
Theo Đại sứ Emanuel, số lượng hải sản được Mỹ mua từ Nhật Bản để cung cấp cho binh sĩ nước này tại các doanh trại và trên tàu quân đội, cũng như được bán trong cửa hàng và nhà hàng ở các căn cứ quân sự. Số lượng mua sẽ tăng dần theo thời gian.
Cũng theo ông Emanuel, binh sĩ Mỹ chưa từng mua hải sản địa phương của Nhật Bản.
Ngoài ra, ông Emmanuel cho hay Washington có thể xem xét việc nhập khẩu cá nói chung từ Nhật Bản và Trung Quốc. Mỹ đang đàm phán với chính quyền Nhật Bản để giúp đưa sò điệp được đánh bắt tại địa phương đến các nhà chế biến thực phẩm đã đăng ký tại Mỹ.
Trong khi đó, khi được hỏi về thông tin mà ông Emanuel đưa ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân bình luận: "Trách nhiệm của các nhà ngoại giao là thúc đẩy tình hữu nghị giữa các quốc gia, thay vì bôi nhọ những quốc gia khác và gây ra rắc rối".
Bộ trưởng thương mại các nước thuộc nhóm cường quốc kinh tế G7 hôm 29-10 cũng kêu gọi bãi bỏ ngay lệnh cấm đối với thực phẩm từ Nhật Bản.
Ông Emanuel, người từng giữ chức chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, liên tục đưa ra loạt tuyên bố thẳng thừng về nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, bao gồm cả các chính sách kinh tế, cách đưa ra những quyết định thiếu minh bạch và cách đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio yêu cầu Bộ trưởng thủy sản Tetsuro Nomura xin lỗi và rút lại phát ngôn cho rằng nước ở Fukushima "ô nhiễm".