Chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham gia giải trình trước Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
"Tôi chia sẻ với các địa phương"
Theo ông Hoan, hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh là xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu, do sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế.
"Thiết kế và quản trị một chương trình đã rất phức tạp trong điều kiện nguồn nhân lực hạn chế, huống chi cùng một lúc làm 3 chương trình. Tôi chia sẻ với các địa phương", ông Hoan nói.
Do đó, bộ trưởng nhận định còn nhiều việc phải làm để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương cùng tháo gỡ.
Ông cho rằng đề xuất xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn, cho cấp huyện là một giải pháp khả thi, đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân, cũng phải đảm bảo được tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu đưa ra, để có được nông thôn mới phát triển bền vững.
Theo ông Hoan, những kết quả đạt được hôm nay có thể chậm, chưa đạt được mục tiêu, nhưng vẫn là cố gắng rất lớn của các địa phương khi nguồn lực hỗ trợ từ trung ương giảm gần một nửa mà mục tiêu không thay đổi. Sự cố gắng ấy đến thời điểm hiện nay đã bắt đầu "đuối" vì sự căng kéo.
"Cấu trúc của 3 chương trình cũng có độ lỏng lẻo, bên này buông thì bên kia lại chưa nhận vào. Ở đây bị áp lực kép, một bên mong muốn tất cả các xã lên nông thôn mới để hoàn thành đúng chỉ tiêu đại hội của địa phương. Bên lại có nhiều xã không mong muốn lên nông thôn mới sẽ bị giới hạn lại một số nguồn lực hỗ trợ.
Cũng giống như tư duy giằng co giữa thoát nghèo và nghèo, nghĩa là thiết kế chính sách hình như chưa ổn...", ông Hoan nói và nhận trách nhiệm trong thiết kế chính sách này.
Bộ trưởng cho rằng phải làm sao những chính sách hỗ trợ tạo ra một năng lực cụ thể cho địa phương. Không thể mỗi giai đoạn ngân sách nhà nước lại đầu tư, bởi không có nguồn lực nào đầu tư được, trong khi chưa phát huy hết nội lực của cộng đồng.
Ngoài ra, do rào cản quản lý giữa các ngành, cấu trúc bộ máy của 3 chương trình và năng lực tiếp nhận của cán bộ địa phương, nhất là cán bộ cấp xã thay đổi liên tục, cũng là một phần hạn chế. Bộ trưởng Hoan nói thời gian tới sẽ chú trọng hơn đào tạo cán bộ.
Sẽ điều chỉnh chính sách
Cùng giải trình sau đó, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói thực tế ghi nhận là có vấn đề không muốn đạt chuẩn, hay đạt chuẩn sẽ mất đi nguồn lực, hay thoát nghèo là bị mất chính sách...
Ông Quang nói Chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách để sau khi thụ hưởng chương trình, người dân có được động lực để có thể tự vươn lên.
"Nhưng cũng mong chính quyền địa phương vận động bà con, những người được thụ hưởng dự án chương trình này, có một tâm thế mới hơn, tích cực hơn để vượt qua sự ỷ lại, mới có được kết quả tốt đẹp", phó thủ tướng nói.
Ông cũng nhắc nhở các địa phương, sau khi một số đại biểu nêu việc có văn bản hướng dẫn nhưng đọc không hiểu, không biết đường nào làm, rằng "đã lập Zalo để mọi người trao đổi nhưng rất hiếm khi mọi người vào", hay cung cấp đường dây nóng thì cán bộ Văn phòng Chính phủ báo cáo hiện nay là "ế", bởi "không ai điện"...
'Rừng văn bản' cho đúng thủ tục là một trong bốn vấn đề của các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc miền núi, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.