Khó khăn của doanh nghiệp, nợ xấu xu hướng tăng và lo ngại vốn lại rót vào lĩnh vực rủi ro được các đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận kinh tế xã hội, chiều 31/10.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ & môi trường) dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tăng chậm lại, trong khi nợ xấu gia tăng. Đến 11/10, tín dụng đạt 6,29% so với 2022, thấp hơn trên 4,8% so với cùng kỳ 2022. Nợ xấu nội bảng tới cuối tháng 6 là 3,36%, cao hơn mục tiêu dưới 3%.
Điều khiến ông băn khoăn là báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực. "Trường hợp tín dụng tập trung lĩnh vực bất động sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu, khi nguồn cung bất động sản dư thừa, thị trường đang trầm lắng và niềm tin của người dân vào thị trường này sụt giảm", ông nhận xét.
Tương tự, ông Trần Chí Cường (Phó trưởng đoàn đại biểu TP Đà Nẵng) cũng lo ngại khi tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ đạt 5,91% so với cuối năm 2022; nhích lên 6,9% vào cuối tháng 9, rồi lại giảm về 6,29% vào 11/10. Dữ liệu này cho thấy, kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ, dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành.
"Sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, và hấp thụ vốn của doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định", ông đánh giá.
Thực trạng doanh nghiệp kinh doanh khó khăn tiếp cận vốn, gánh nặng thuế và giá cả biến động cũng được ông Dương Văn Phước (Chánh văn phòng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam) phản ánh.
Rào cản lớn trong tiếp cận vốn vay được ông Phước nêu là ngân hàng không chấp nhận hàng tồn kho là tài sản đảm bảo, trong khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, đơn hàng giảm. Vì thế, hầu hết doanh nghiệp chỉ tiếp cận khoản vay ngắn hạn, còn điều kiện vay trung, dài hạn ngặt nghèo, thủ tục phức tạp.
Trong khi đó, chính sách thuế lại chưa đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ông ví dụ, tại Quảng Nam, một doanh nghiệp kinh doanh sân golf, diện tích hơn 60 ha, doanh thu mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng, nhưng số thuế phải đóng tới 45 tỷ đồng. Doanh nghiệp gặp khó khăn, kiến nghị nhiều lần vì cách tính thuế bất cập.
"Cách tính hiện nay khi áp thuế là áp ngay cả tuyến đường chính và diện tích 60 ha, nên doanh nghiệp không chịu đựng nổi", ông nói, và đề nghị Chính phủ quan tâm tới khó khăn của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực.
Bối cảnh kinh tế, doanh nghiệp thiếu tiền nhưng khó hấp thụ vốn, ông Phước cho rằng cần thiết kế gói tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khơi thông vốn ngân hàng, hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay vốn.
"Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo ngân hàng thương mại sớm hạ tiêu chuẩn đánh giá lịch sử trả nợ, cơ cấu khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi", ông góp ý.
Ông Nguyễn Hồng Sơn thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay và cân nhắc nới lỏng điều kiện vay. Nhà chức trách cũng cần đưa ra giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng và kiểm soát tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội ghi nhận nỗ lực điều hành của Chính phủ trong bối cảnh "khó cả bên trong, bên ngoài". Theo đó, kinh tế 2023 phục hồi tích cực, bội chi, nợ công trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, các đại biểu lo ngại 3 động lực tăng trưởng chính, gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đang suy giảm.
Theo số liệu của Chính phủ, giải ngân đầu tư công tới hết tháng 9 đạt gần 51,4% cải thiện nhưng chưa đạt kỳ vọng. Ủy ban Tài chính ngân sách khi thẩm tra dữ liệu này đánh giá tỷ lệ giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm cải thiện so với các năm trước, cao hơn 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022 về số tuyệt đối.
Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương chậm và khó giải ngân hết. Chẳng hạn, 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng khi đầu tư công chưa nhiều đột phá, đầu tư nước ngoài tăng thấp (3,9% trong 9 tháng), đầu tư tư nhân là trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nhưng khu vực này chỉ bằng 1/6 so với 2019, với mức tăng 2,3%. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa vững chắc và xu hướng chậm lại, như quý I tăng 13,9% và giảm về 7,3% vào quý III. Cùng đó, xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 466 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ. Dự báo xuất khẩu năm nay tăng trưởng âm, lần đầu từ năm 2019.
Những chỉ dấu này khiến ông Sơn lo lắng, và đề nghị Chính phủ có lộ trình giải pháp cụ thể hơn trên cơ sở xem xét tình hình khó khăn thực tế.
Đầu tư công là vốn mồi cho nền kinh tế, nên cần giải pháp để "bung" nguồn lực này mạnh mẽ hơn, giúp tăng tổng cầu kinh tế, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. Cùng đó, ông lưu ý, để vốn đầu tư công giải ngân nhanh hơn, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân và có chế tài xác định rõ quyền, nghĩa vụ của cơ quan giám sát, tránh tình trạng vốn chảy vào dự án không hiệu quả.
Ở khía cạnh này, ông Nguyễn Đại Thắng (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên) kiến nghị Chính phủ có giải pháp ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án, nhất là dự án giao thông.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận kinh tế xã hội, ngân sách trong ngày làm việc 1/11.
Anh Minh