Đàn bò tót lai trong tình trạng ốm đói - Ảnh: M.TRÂN
Đàn bò tót lai 11 con này là tài sản từ dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đang được nuôi nhốt tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) trong tình trạng ốm đói, suy kiệt.
Bò tót cha đã chết
Từ năm 2009 đến đầu năm 2015, tại thôn Bạc Rây 2, vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình, có một con bò tót đực thường xuyên xuất hiện vào mùa mưa (tháng 6 đến tháng 9). Bò tót đực này nhập vào đàn bò nhà của nông dân và kiếm ăn chung trên cánh đồng cỏ ven rừng. Bò tót đực này cao khoảng 1,7m, dài hơn 2m, nặng khoảng 1 tấn.
Ông Nguyễn Văn Chuẩn, người dân sống trong vùng có nhiều bò là con lai bò tót và bò nhà, kể lại: "Con bò tót đi khoan thai trên đồng cỏ, tiếp cận bò cái nhẹ nhàng và tất cả bò cái trở thành bạn tình. Bò đực trong vùng không dám bén mảng đến nơi bò tót đã biến thành địa phận của mình. Mỗi khi bò tót nổi máu phi ầm ầm tông toạc hàng rào tạo nên một thứ âm thanh gây hoảng sợ cho thú nuôi của những nhà sống gần đồng cỏ. Tôi có con bò đực trêu ngươi con bò tót này và bị húc lủng ngực".
Trước khi chết vì già vào đầu năm 2015, bò tót đực này được các nhà khoa học xác định đã giao phối với 20 bò cái, sinh ra 20 hậu duệ bò lai (F1) gồm cả đực và cái.
Đầu năm 2012, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa thống nhất mua lại 10 con bò tót lai (5 con đực, 5 con cái) của người dân và tạo vùng chăn nuôi với môi trường sống của bò tót để thực hiện đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai giữa bò tót và bò nhà (F1).
Nhiệm vụ của đề tài là nhằm phát triển đàn bò lai giữa bò tót và bò nhà, tạo nền để có thể hình thành một giống bò mới có giá trị cao trong ngành chăn nuôi.
Các nhà khoa học thực hiện công trình nghiên cứu cấp nhà nước "Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa". Công trình này do Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng chủ trì, ông Lê Xuân Thám (nguyên giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng) làm chủ nhiệm đề tài. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa rút khỏi dự án.
Nhóm nghiên cứu xác định con bò tót cha thuộc nhóm bò tót Đông Nam Á (Bos gaurus), rất hung dữ. Độ hung hãn chỉ đứng sau loài hổ. Trong quá trình nuôi nghiên cứu, đàn bò lai F1 sinh ra được 1 con lai F2 là con cái. Khi dự án kết thúc vào tháng 11-2019, cả 11 con bò tót lai được Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng thuê ông Nguyễn Văn Vinh tiếp tục nuôi giữ cho đến nay.
Kết thúc dự án, đàn bò trơ xương
Ông Vinh cho biết đã được thuê nuôi đàn bò tót hơn 2 năm, mỗi tháng nhận tiền công 4 triệu đồng. Công việc hằng ngày của ông là bỏ 8 bó rơm khô và bơm nước cho bò tót ăn uống. Trước đây dự án có thuê 2ha đất làm đồng cỏ và chuồng trại kiểu không gian mở để đàn bò đi lại nhưng sau này dân lấy lại đất, chỉ còn mượn được 500m2 để làm chuồng nhốt.
Ông Vinh cho biết do bị nuôi nhốt lâu ngày nên đàn bò yếu chân, lười di chuyển, cơ đã teo lại. So với vẻ mập mạp, cao lớn, gân guốc của đàn bò mà chúng tôi chứng kiến đầu năm 2017 thì những con bò tót lai hiện nay giống "xác sống". "Tôi cũng muốn thả bọn nó ra ngoài cho đi rông như bò nhà cho bọn nó khỏe, được ăn cỏ tươi nhưng lỡ nó bị sao thì tôi không biết đường nào mà chịu". Ông Vinh kể thêm mỗi tháng ngoài việc gửi số tiền ít hơn để mua cỏ, cũng ít có người của dự án về thăm những con bò quý hiếm này.
Ông Nguyễn Như Chương - giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng - thừa nhận đàn bò gầy đi rất nhiều so với thời điểm thực hiện nghiên cứu.
Ông Chương lý giải: "Sau khi công trình kết thúc, ngoài việc nghiệm thu đúng quy trình, chúng tôi thực hiện các thủ tục bàn giao. UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương giao lại đàn bò cho UBND tỉnh Ninh Thuận quản lý, khai thác, tiếp tục nghiên cứu. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng có văn bản đồng ý. Tuy nhiên, sau một năm UBND tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận chưa thực hiện bàn giao.
Trong thời gian chờ đợi, dù không được cấp kinh phí, chúng tôi đã trích nguồn tiền tiết kiệm hạn hẹp của trung tâm để tiếp tục chăm nuôi đàn bò. Mỗi tháng chúng tôi thuê người nuôi và mua rơm hết 10 triệu, gồm 200 bó rơm. Cách đây 1 tháng khi nhận được thông tin đàn bò bị gầy đói, chính tôi lái xe chở cám xuống để cho đàn bò được ăn bổ sung".
Ông Chương nói thêm: "Chúng tôi nhận trách nhiệm về việc quản lý không đạt hiệu quả, lơi lỏng khiến đàn bò bị gầy đi thấy rõ trong giai đoạn chấm dứt nghiên cứu, chờ bàn giao cho cơ quan khác quản lý theo quy định".
Tinh hoàn bò tót rừng vẫn còn
Theo Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, con bò tót rừng vào khu vực dân cư sinh sống, giao phối với hàng loạt con bò nhà và tạo ra hậu duệ thế hệ F1 đã chết vào năm 2015. Khi con bò tót rừng này chết, hai tinh hoàn đã được tách lưu giữ trong điều kiện thuận lợi ở hai cơ sở khoa học khác nhau, có thể sử dụng thụ tinh nhân tạo hoặc phát triển tiếp các nghiên cứu về bò tót Việt Nam sau này.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngoài 10 con dự án mua để nghiên cứu, số bò tót lai F1 còn lại người dân đã bán đi nhiều nơi cho thương lái. Gia đình ông Nguyễn Văn Chuẩn giữ lại 2 con đực - cái, 2 con này giao phối với bò nhà cho ra 2 con bò tót lai F2 gồm 1 đực và 1 cái. Hiện nay, thế hệ bò tót lai F3 đã xuất hiện tại nhà ông Chuẩn, là 1 bò đực.
"Vỗ béo" trước khi chuyển giao cho vườn quốc gia
Cùng ngày, ông Nguyễn Như Chương cho biết đã quay lại Bạc Rây 2 để khảo sát, phục hồi sức khỏe cho đàn bò để tiến hành bàn giao cho Vườn quốc gia Phước Bình theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Đàn bò sẽ được chăm sóc trước khi bàn giao cho Vườn quốc gia Phước Bình - Ảnh: MINH TRÂN
Theo thông tin từ những người nghiên cứu đề tài, để đảm bảo đàn bò được phát triển khỏe mạnh, tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo, cần nuôi theo chuẩn với đầy đủ thức ăn thô, tinh, có thú y chăm sóc và được vận động mỗi ngày. Chế độ này đòi hỏi tốn 50 triệu đồng/tháng.
TTO - Đàn bò tót gầy trơ xương khiến nhiều người thương xót có tổng cộng 11 con. Đây là những con bò tót lai F1, F2 được sinh ra trong quá trình Bộ Khoa học và công nghệ nghiên cứu phát triển đàn bò lai giữa bò tót và bò nhà.