Phía sau khoản lỗ lũy kế gần 4.000 tỉ đồng của Vinachem
Hoàng Thắng
(TBKTSG Online) – Khoản lợi nhuận sau thuế âm 796,8 tỉ đồng được ghi nhận trong sáu tháng đầu năm 2020 đã khiến vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) giảm xuống mức 17.089 tỉ đồng.
Hoạt động sản xuất và kinh doanh của các đơn vị thành viên Vinachem gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: TTXVN. |
Hàng nghìn tỉ đồng nợ quá hạn thanh toán
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2020 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho thấy, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm 14,57% so với cùng kỳ năm 2019 xuống mức 18.128,6 tỉ đồng. Giá vốn hàng bán trong kỳ của doanh nghiệp cũng giảm 11,7% so với cùng kỳ, chỉ còn 15.909 tỉ đồng.
Kết quả, lợi nhuận gộp của Vinachem đạt mức 2.219,6 tỉ đồng, giảm 33%.
Chi phí tài chính phát sinh trong kỳ của Vinachem dù giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn ở mức 1.121,4 tỉ đồng – chủ yếu là chi phí lãi vay với giá trị hơn trong đó 1.000,8 tỉ đồng. Ngoài ra, khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp cũng ghi nhận ở mức 1.217 tỉ đồng và 763 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, khoản doanh thu tài chính giảm tới 41,4%, từ 333,7 tỉ đồng xuống 195,4 tỉ đồng đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinachem âm 689,6 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ dương 362,9 tỉ đồng. Giá trị khoản lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp cũng âm 619 tỉ đồng.
Sau khi trừ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, lợi nhuận sau thuế của Vinachem âm 796,8 tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ âm 859,9 tỉ đồng - khiến vốn chủ sở hữu của Vinachem giảm hơn 156 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 17.089 tỉ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 34.947 tỉ đồng tính tới 30-6-2020, trong đó tổng giá trị các khoản vay và nợ thuê tài chính chiếm tỷ lệ 68,7% - tương ứng 24.021,7 tỉ đồng. Trong đó, một số khoản vay của Vinachem tại MBBank và PVcomBank - có liên quan tới Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem - đều đã quá hạn, phải chịu số tiền lãi và phạt hơn 3.525 tỉ đồng.
Đáng chú ý, các khoản vay của Vinachem cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vay lại để sử dụng cho Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám hiện rơi vào tình trạng không có các khoản nợ, lãi vay dù dự án đã tạm bàn giao và được đưa vào sử dụng.
Theo kiểm toán viên của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (Công ty AASC) cho biết, dư nợ gốc quá hạn của khoản vay này là 1.064 tỉ đồng. Còn lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp là 608,8 tỉ đồng.
Tổng tài sản của Vinachem ở mức 52.037 tỉ đồng tính tới 30-6-2020. Trong đó phần lớn là tài sản cố định với 25.473 tỉ đồng, hàng tồn kho với 8.886 tỉ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn với 6.698 tỉ đồng.
Gánh nặng từ công ty con
Bên cạnh thông tin về các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán, Công ty AASC cũng đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của Vinachem.
Theo đó, tthời điểm 30-6-2020, một số dự án của Vinachem gồm: Dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, Lào, hợp đồng với các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý; Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn mỗi năm, dự án Xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và dự án Mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả.
Cùng với đó, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công thương. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.
Tại thời điểm 30-6-2020, báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc phản ánh Nợ ngắn hạn đã vượt quá Tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu.
Những sự kiện này, cùng với một số vấn đề khác, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc.
"Chúng tôi không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về kế hoạch dòng tiền cho 12 tháng tới cũng như các bằng chứng cho thấy các đơn vị nêu trên có khả năng trả nợ cho các khoản nợ đến hạn và đã quá hạn hay không”, kiểm toán viên của Công ty AASC nhấn mạnh.
Báo cáo kiểm toán của Vinachem cho biết thêm, đến hết tháng 6-2020, dự án muối mỏ tại Lào đang ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang 1.652 tỉ đồng.
Cùng thời điểm, Công ty TNHH Đạm Ninh Bình - đơn vị sở hữu dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm - có nợ ngắn hạn 9.560 tỉ đồng, tài sản ngắn hạn 1.129 tỉ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2020, Đạm Ninh Bình đã lỗ 780 tỉ đồng – đưa số lỗ lũy kế lên mức 6.506 tỉ đồng, vượt vốn chủ sở hữu 4.192 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cũng trong tình trạng khó khăn khi tổng nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 4.410 tỉ đồng. Lỗ lũy kế hiện ở mức 3.979 tỉ đồng, lớn hơn nhiều vốn chủ sở hữu 1.209 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp vào giữa tháng 9-2020, ông Phùng Quang Hiệp - Tổng giám đốc Vinachem - cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh ghiệp. Cụ thể, các đơn vị thuộc Đề án 1468 về xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương - gặp nhiều khó khăn với chi phí lãi vay do phải hạch toán lãi phạt trên lãi chậm trả. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu mức lãi suất vay vốn lưu động cao hơn mặt bằng thị trường từ 1% đến 2,5%. Thêm vào đó, nguồn cung cấp nguyên vật liệu, máy móc thiết bị chậm tiến độ hoặc phải mua giá cao, ngay cả khi đã có hợp đồng đối với các vật tư, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu có nguồn gốc nhập khẩu. Cuố cùng, hoạt động nhập khẩu các nguyên liệu chính cho sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do các nhà máy dừng sản xuất và chính sách hạn chế mở cửa biên giới của hầu hết các nước, giá các loại nguyên vật liệu đều tăng do nguồn cung thiếu và chỉ phí vận chuyển tăng cao. |
Xem thêm: lmth.mehcaniv-auc-gnod-it-0004-nag-ek-yul-ol-naohk-uas-aihp/888803/nv.semitnogiaseht.www