Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (trái) và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 30-9 - Ảnh: BNG
Mối quan hệ giữa Anh và Việt Nam đã phát triển tích cực trong nhiều năm gần đây. Trong ngày làm việc chính thức duy nhất ở Việt Nam (30-9), Ngoại trưởng Raab lại có thể sẽ là chứng nhân cho một trong những bước ngoặt đáng chú ý nhất của quan hệ Anh - Việt trong lịch sử, khi hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực đều được nâng lên tầm cao mới.
FTA Việt - Anh dần thành hình
Về chính trị và ngoại giao, Việt Nam và Anh cam kết thúc đẩy đối thoại cấp cao giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Cụ thể sẽ tổ chức đối thoại chiến lược thường niên cấp thứ trưởng, ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và thương mại thường niên cấp thứ trưởng và đối thoại quốc phòng thường niên cấp thứ trưởng.
"Các cuộc họp sẽ được tổ chức luân phiên tại Hà Nội và London. Chúng tôi sẽ thu xếp các chuyến thăm chính thức thường xuyên của các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng của hai nước, các cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế và khu vực", Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh - Định hướng phát triển trong 10 năm tới công bố ngày 30-9 cho biết.
Bên cạnh đó, quan hệ cấp cao Việt - Anh cũng được thể hiện qua cam kết thúc đẩy đối thoại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng Anh cũng như hai quốc hội với nhau trong việc nghiên cứu và xây dựng chính sách chiến lược.
Về kinh tế, ông Raab cũng đã làm rõ hơn thiện chí của Anh trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, thương mại với Việt Nam sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là tiến trình Brexit. Một hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương Việt - Anh, nếu có, sẽ đóng vai trò quan trọng cho Anh trong việc đa dạng hóa thị trường và hợp tác sau Brexit.
Đây cũng là thời điểm thích hợp vì cả Anh lẫn Việt Nam đều hướng tới FTA của hai nước, dựa trên nền tảng các thỏa thuận Việt Nam đã có với EU trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Stewart Paterson, nhà nghiên cứu về thương mại quốc tế tại Hinrich Foundation ở Anh, nhận định: "Tôi cho rằng Vương quốc Anh rất muốn thúc đẩy thương mại với tất cả, vì vậy một FTA với Việt Nam và nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế hai bên sẽ nằm trong chương trình nghị sự".
Can dự ở Biển Đông
Khi quyết định "ly hôn" EU, Anh thực hiện một chiến lược tổng thể "tự định vị" vai trò của mình trên toàn cầu, được nhắc tới với cái tên "Global Britain" (tạm dịch: Nước Anh toàn cầu). Chiến lược này nhắm tới việc đa dạng hóa quan hệ hợp tác của Anh cũng như giữ vai trò và sự hiện diện riêng biệt tại các lĩnh vực hoặc khu vực điểm nóng trên thế giới.
Để tiến sát về Việt Nam và Đông Nam Á, dĩ nhiên Anh không thể bỏ qua câu chuyện Biển Đông. Và trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Raab, Anh một lần nữa thể hiện lập trường thượng tôn luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
UNCLOS 1982 đã xuất hiện trong công hàm Anh (cùng Pháp và Đức) gửi Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trong tháng này, và tiếp tục xuất hiện trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Anh vừa qua: "Chúng tôi tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động cản trở, cải tạo và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc làm leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.
Chúng tôi nhấn mạnh UNCLOS là cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, và UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà tất cả các hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải tuân thủ".
Như vậy, có thể xem Anh đã có một bước tiến mới ở Đông Nam Á thông qua việc thắt chặt quan hệ với Việt Nam. Ngoài chính trị - an ninh, như phía Anh cho biết, sự ủng hộ của Việt Nam là nền tảng tốt cho Anh trong kế hoạch gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như việc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.
Kỳ vọng sự hợp tác Việt - Anh
Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng hiện được xem là một trong những ưu tiên thúc đẩy sự hiện diện của Anh. Việt Nam và ASEAN cũng là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị, chịu ảnh hưởng đáng kể từ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính vì vậy, cách tiếp cận của Anh cũng sẽ phản ánh lập trường của nước này trong cạnh tranh Mỹ - Trung.
TS Paterson nói với Tuổi Trẻ: "Tôi kỳ vọng Anh và Việt Nam sẽ tìm kiếm phương án hai nước có thể hợp tác với những nước khác, vốn chung nỗi lo về việc Trung Quốc sẽ phá vỡ hiện trạng ở châu Á".
TTO - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 30-9 khẳng định UNCLOS 1982 là khung pháp lý điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.
Xem thêm: mth.21905619020010202-a-man-gnod-iat-hna-auc-iom-neit-coub/nv.ertiout