Nhà giáo Trần Chút (giữa) trong dịp bộ môn Ngôn ngữ học tổ chức lễ hội "Ngày về" kỷ niệm 60 năm thành lập Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM 1957 – 2017) và kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: HCMUSSH
Gần hai mươi năm, từ khi tôi được gặp thầy lần đầu tiên cho đến trước ngày thầy ra đi vĩnh viễn, lúc nào thầy cũng hiện ra với dáng vẻ thân thuộc, dường như không thay đổi theo thời gian: mái tóc bạc cắt ngắn trên vầng trán cao, khuôn mặt vuông, gầy guộc, dáng người dong dỏng cao trong bộ quần áo giản dị màu tối.
Thầy nói chuyện chậm rãi, từng từ từng từ một với chất giọng Quảng Trị thanh thanh, lúc nào cũng lôi cuốn, ý vị, hóm hỉnh và sâu sắc. Thầy là người ít nói, nhưng khi nói ra điều gì thì người ta không dễ dàng quên ngay được.
Cứ mỗi lần thấy miệng thầy tủm tỉm một nụ cười, bàn tay có những ngón thon dài và gầy guộc đưa ra, là chúng tôi lại xúm xít quanh thầy, chờ đợi một câu chuyện thú vị của người nghệ sĩ tài hoa.
Lứa chúng tôi không có duyên may được học thầy trên bục giảng, nhưng lại được thầy truyền thụ kiến thức, thái độ sống trong những lần gặp gỡ thầy.
Tôi hay gọi đùa, em là học trò thời hưu trí của thầy. Mười mấy năm về hưu, năm nào thầy cũng đều đặn về khoa vào dịp 20-11, Tết Nguyên đán, hội thảo liên quan đến vấn đề ngôn ngữ học và dịp đi chơi hè.
Mỗi lần thầy bước đến khoa và đẩy cửa vào, tôi luôn có cảm giác đôi mắt thầy sáng lên một niềm vui nồng ấm, như một người trở về mái nhà thân quý của mình.
Bao giờ thầy cũng nhìn chúng tôi bằng ánh mắt hiền từ, bao dung, chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm buồn vui của người cả đời gắn bó với nghề giáo. Ở bên thầy, chưa bao giờ tôi có cảm giác về khoảng cách thế hệ và thấy dường như, chuyện gì cũng có thể tâm tình được với thầy.
Nhờ thầy, chúng tôi có thể hình dung ra ngôi trường của mình vào thập niên 1980, khi chúng tôi còn chưa ra đời; biết được chuyện đời, chuyện nghề của các thầy cô thuộc thế hệ trước và trở nên gắn bó với nơi mình làm việc hơn.
Tôi học được ở thầy tình yêu nghề, yêu đến tận tụy, đằm thắm, bền chặt. Tôi học được ở thầy niềm tin vào con người, niềm tin vào đồng nghiệp và học trò. Mỗi khi gặp khó khăn khiến mình nản chí, tôi lại nghĩ đến thầy, đến những tiền nhân đã trọn đời cống hiến cho mái trường này, và kéo tay mình đứng dậy để tự bước đi tiếp.
Cách đây mấy năm, nghe tin thầy mắc phải căn bệnh nan y, chúng tôi lo lắng, hốt hoảng đến thăm thầy. Nhưng khi gặp thầy, thì dường như chúng tôi lại trở thành những người được quan tâm, an ủi, vỗ về. Thầy gầy hơn trước, vẫn từ tốn, chậm rãi, cầm tay tôi rồi bảo thầy không sao đâu, thầy vẫn khỏe, em đừng lo.
Thầy vẫn mỉm một nụ cười hiền lành, đôn hậu, như thể cuộc đời này không có một vết trầy xước nào. Trong những năm tháng chống chọi với căn bệnh quái ác, thầy vẫn đều đặn ủng hộ quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của khoa Văn. Mỗi lần nhận món quà gửi cho sinh viên từ thầy, chạm vào những ngón tay gầy nồng ấm, chúng tôi đều xúc động và biết ơn thầy.
Thầy chưa bao giờ là một người sôi nổi, chưa bao giờ nói lớn tiếng, nhưng thầy làm điều gì cũng quyết liệt, đến cùng, tin vào lẽ phải và sự chính trực của mình. Thầy yêu thương cũng quyết liệt, đến cùng. Và những gì thuộc về thầy, sẽ mãi mãi ở lại trong chúng tôi, dáng hình ấy, giọng nói ấy, nụ cười ấy, bàn tay xương xương thường đưa lên mỗi khi kể chuyện ấy.
Chúng tôi không hề biết mình đã có hai ngày hè quý giá cuối cùng, được đi cạnh thầy, khẽ chạm vào vạt áo thầy bay bay trong gió biển. Tôi không hề biết đó là lần cuối cùng, tôi được cầm lấy bàn tay gầy guộc, hỏi thầy ơi thầy khỏe không, nghe thầy cười thật hiền: "Ừ, thầy khỏe!".
Tết năm sau, hè năm sau, Khoa chúng tôi vắng bóng một dáng hình quen thuộc, dong dỏng và hiền lành. Tôi ước gì mình cứ mãi được là đứa học trò nhỏ, ngồi cạnh thầy, nghe thầy kể chuyện cười giữa tiếng sóng biển Hà Tiên, như lần đầu tôi được gặp thầy trong chuyến đi dài cách đây mười sáu năm.
Giờ thầy đang đi chuyến đi dài nhất của cuộc đời mình. Tôi tin thầy luôn thanh thản, nhẹ nhàng như thầy vốn vẫn vậy. Và tôi tin, bóng dáng thầy sẽ luôn ở cùng ngôi trường của chúng tôi, hơi thở thầy vẫn ấm nồng trong chúng tôi, để chúng tôi bước tiếp con đường đời bằng niềm tin, tình yêu như người thầy đáng kính của mình.
TTO - Nhà giáo ưu tú Trần Chút - phó trưởng khoa văn đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM - vừa qua đời tối 1-10 sau thời gian bệnh nặng, hưởng thọ 81 tuổi.
Xem thêm: mth.50501514120010202-nat-tab-ma-oht-ioh-tom-tuhc-nart-yaht/nv.ertiout