Ngân hàng Nhà nước thông tin việc người dân không vay tiền vẫn mắc nợ
Hoàng Thắng
(TBKTSG Online) - Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - khẳng định việc khách hàng không vay tiền nhưng mắc nợ chắc chắn là do bị lừa đảo, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng sự sơ hở của ngân hàng thương mại để lừa đảo.
Hình thức vay tiền trực tuyến đã trở nên phố biến trong những năm gần đây. (Ảnh: TTXVN). |
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, tình trạng người dân không vay tiền nhưng vẫn bị mắc nợ đã được các phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí nêu ra.
Phản hồi vấn đề này, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - khẳng định: “Khách hàng không vay tiền nhưng mắc nợ chắc chắn là bị lừa đảo, hoặc lợi dụng sơ hở của ngân hàng thương mại để lừa đảo”.
Theo ông, nhiều vụ việc liên quan tới các tổ chức chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã xảy ra trong thời gian qua. Vì vậy các cơ quan chức năng đã và sẽ vào cuộc để xác minh, điều tra, xử lý.
Trước đó, cơ quan này đã nhiều lần cảnh báo các tổ chức tín dụng về những hoạt động dễ bị lợi dụng, lừa đảo.
Cũng tại buổi họp báo, ông Tú cho biết hiện cả nước có 37 tổ chức tham gia vào cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, không bao gồm các ngân hàng. Trong đó, có 33 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Nhằm bảo đảm pháp lý cho hoạt động này, Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã quy định các tổ chức này phải giữ bí mật thông tin khách hàng, tuân thủ các nguyên tắc rủi ro trong dịch vụ ngân hàng điện tử.
Nhưng để tăng cường quản lý với các tổ chức trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành xây dựng Thông tư mới - thay thế Thông tư 23/2014/TT-NHNN - để ban hành trong tháng 10-2020. Theo đó, sẽ có quy định cụ thể lưu trữ thông tin định danh của công dân, đảm bảo giải pháp về mặt công nghệ.
“Hiện hành lang pháp lý với hoạt động này đang trong quá trình hoàn thiện theo hướng quản lý chặt chẽ hơn, tránh việc lợi dụng ứng dụng công nghệ để lừa đảo”, ông Tú cho biết.