vĐồng tin tức tài chính 365

'Siêu' phố đi bộ ngay trung tâm TP.HCM có gây kẹt xe?

2020-10-03 06:35
Siêu phố đi bộ ngay trung tâm TP.HCM có gây kẹt xe? - Ảnh 1.

Đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM nằm trong phương án lập “siêu” phố đi bộ thời gian tới - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi các ban, ngành về việc góp ý báo cáo cuối kỳ đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ mới ở khu vực trung tâm TP.HCM, với số đường nhiều hơn, như một 'siêu' phố đi bộ.

Sở Giao thông vận tải cho biết đề án này là nghiên cứu để tiến hành đi bộ hóa một số tuyến đường khu trung tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu (930ha).

7 tiểu khu đặc trưng trên "siêu" phố đi bộ

Khu vực nghiên cứu tập trung trong phạm vi các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão, quận 1.

Sau một thời gian dài triển khai khảo sát, nghiên cứu, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM đưa ra ba phương án tổ chức phố đi bộ mới. Trong đó phương án 2 - phố đi bộ bố trí ở 5 tuyến đường là Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. 

Dù đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số xe đi lại vào các ngày trong tuần, cấm xe trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho biết sở dĩ chọn phạm vi nêu trên để nghiên cứu vì mạng lưới giao thông tại khu vực này có hình vuông đặc trưng, các mô hình kinh doanh chủ yếu là hỗn hợp bán lẻ, cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng, chợ truyền thống và hiện đại. 

Ngoài ra, qua khảo sát ý kiến, nhu cầu đi bộ tại khu vực này của người dân rất cao, khả năng liên kết với bến xe buýt, nhà ga metro cũng dễ dàng.

Vậy "siêu" phố đi bộ này có gì? Theo TS Vũ Anh Tuấn - đơn vị thực hiện nghiên cứu là Công ty Tư vấn Giao thông vận tải và đô thị - TUC, phố đi bộ mới khi hoàn tất sẽ kết nối vào hai phố đi bộ hiện hữu, hình thành một mạng lưới đi bộ ngay trong trung tâm TP.HCM. Mạng lưới này chia thành 7 tiểu khu rõ rệt phù hợp đặc trưng từng tuyến đường như mua sắm, lịch sử văn hóa, ẩm thực...

Cụ thể hơn, các khu này bao gồm: khu văn hóa thanh niên (Công trường Quốc tế và Phạm Ngọc Thạch từ hồ Con Rùa tới đường Lê Duẩn), khu lịch sử - văn hóa (cụm công trình Công xã Paris gồm nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Đường sách, tòa nhà Metropolitan), khu thương mại - mua sắm (trục đường Đồng Khởi từ Công xã Paris đến Tôn Đức Thắng, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thiệp...), khu biểu diễn nghệ thuật (Công trường Lam Sơn và Nhà hát TP với quảng trường trước nhà hát bao quanh các khách sạn 4 - 5 sao)...

Lo ngại giao thông rối ren

Tuy nhiên, với phương án này, nhiều chuyên gia và một số người dân cho rằng nếu không bố trí hợp lý thì tình trạng kẹt xe cục bộ có thể hình thành. Anh Nguyễn Minh Luân - một người dân thường xuyên ra vào khu vực trung tâm - cho rằng nếu chọn 5 tuyến đường trên làm phố đi bộ thì người dân gặp khó khăn khi đi lại. Trong đó, các tuyến như Đồng Khởi hiện là đường một chiều với lượng xe đông, xung quanh không có bãi đậu xe và thường xuyên kẹt xe giờ tan tầm. 

Do đó anh Luân cho rằng Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị phải lên phương án xử lý giao thông cụ thể tại khu vực này nói chung, toàn bộ mạng lưới phố đi bộ trong tương lai nói riêng ngay từ bây giờ. Đồng thời xem xét bổ sung tuyến đường Tôn Đức Thắng vào phố đi bộ mới để khai thác được tiềm năng của bến Bạch Đằng cho du lịch.

TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM - cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng thêm phố đi bộ, là xu hướng phát triển đô thị hiện nay của thế giới. Mạng lưới phố đi bộ cũng là biện pháp nhằm giảm bớt xe cá nhân ra vào các tuyến đường trung tâm trong giờ cao điểm và ngày cuối tuần, hướng đến giảm kẹt xe. 

Thực tế ở TP.HCM cũng đã có 2 phố đi bộ là Nguyễn Huệ, Bùi Viện và từ kinh nghiệm xây dựng, vận hành, quản lý 2 phố đi bộ này, các đơn vị phải tổ chức "siêu" phố đi bộ sao cho phù hợp với thực trạng, nhu cầu người dân, đặc biệt là không ảnh hưởng tới việc đi lại. Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải xem xét các mặt hạn chế tồn tại ở 2 phố đi bộ Bùi Viện và Nguyễn Huệ, chú trọng đảm bảo an ninh, trật tự cho người dân.

"Về việc người dân, chuyên gia đề xuất đảm bảo an ninh trật tự, quản lý sát sao, chúng tôi sẽ có đề xuất triển khai gắn camera ở khu vực này, tăng cường lực lượng chức năng để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân, du khách tham quan", vị đại diện này nói.

TS Vũ Anh Tuấn cũng cho biết thêm trong khu vực phố đi bộ mới còn có quy định khu vực đậu xe cho người dân, du khách. Điều này càng góp phần ổn định giao thông trong khu vực trung tâm, hạn chế tình trạng đậu xe trái quy định gây ùn tắc.

Hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến giao thông

Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM cho biết quá trình tổ chức phố đi bộ sẽ tổ chức theo từng giai đoạn.

Từ năm 2021 - 2022 mở rộng đi về phía hồ Con Rùa, giai đoạn 2 là từ năm 2023 - 2024 mở rộng về tuyến Hàm Nghi và Đồng Khởi, Lê Lợi.

Giai đoạn 3 sẽ thực hiện đến năm 2025 mở rộng ra đường Thi Sách, Mạc Thị Bưởi. Việc tổ chức theo giai đoạn, tái phân luồng dựa trên đặc trưng giao thông nên sẽ hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến giao thông.

Đề xuất mở thêm phố đi bộ ở khu vực trung tâm TP.HCMĐề xuất mở thêm phố đi bộ ở khu vực trung tâm TP.HCM

TTO - Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi các ban ngành về việc góp ý báo cáo cuối kỳ đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP.HCM.

Xem thêm: mth.62611432220010202-ex-tek-yag-oc-mch-pt-mat-gnurt-yagn-ob-id-ohp-ueis/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Siêu' phố đi bộ ngay trung tâm TP.HCM có gây kẹt xe?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools