Nợ xấu tiềm ẩn đang tăng?
LƯU HẢO
(TBKTSG) - Quí 3-2020 đã kết thúc và nền kinh tế chuẩn bị bước vào quí cuối cùng của năm thường được xem như thời điểm tăng tốc để đạt các chỉ tiêu vĩ mô. Tuy nhiên, năm nay, mọi bất ngờ đều có thể xảy ra do đại dịch Covid-19. Theo ý kiến của nhiều ngân hàng, tác động của đại dịch với ngành này đang lớn hơn hẳn so với dự kiến, đặc biệt là vấn đề nợ xấu.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa cho biết, nếu năm nay duy trì được tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ bằng năm ngoái đã là một thành công đáng ghi nhận. Trước dịch Covid-19, chất lượng tài sản của ngân hàng ông đang làm việc đã được cải thiện khá tốt, nhưng đến nay lại xấu hơn do nhiều khoản nợ không có khả năng thu hồi đúng hạn, một số khoản phải chuyển nhóm nợ, gây áp lực cho bộ phận quản lý rủi ro. Mặc dù đã tăng trích lập dự phòng rủi ro hơn 50% so với mức cùng kỳ, giá trị trích lập tăng thêm không bù đắp được giá trị tuyệt đối nợ xấu phình ra.
Trong một báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh trong vòng bảy năm, từ 2012-2020, hệ thống ngân hàng đã xử lý được 1,114 triệu tỉ đồng nợ xấu, trong đó riêng năm ngoái đã giải quyết 160.000 tỉ đồng và bảy tháng đầu năm nay tháo gỡ được gần 64.000 tỉ đồng. Số nợ xấu xử lý cả năm nay nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm 2019 và mức trung bình của bảy năm qua.
Ngay từ đầu năm, cơ quan quản lý đã chủ động yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng mức trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục không cho phép các ngân hàng cổ phần chia cổ tức bằng tiền mặt (chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu), đồng thời nhắc nhở không hạ chuẩn cho vay, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, dự án BOT giao thông.
Theo NHNN, tính đến đầu tháng 8-2020, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn có thể ở mức 4,48%, làm cho mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3% trong toàn hệ thống trở nên khó thực hiện trong năm nay.
Hãy thử xem xét bức tranh nợ xấu tiềm năng vào cuối năm nay. Trên trang web của NHNN, tổng dư nợ tín dụng đến tháng 7-2020 là 8,527 triệu tỉ đồng, tăng 4,05% so với cùng kỳ. Một tháng rưỡi sau đó, tín dụng chỉ tăng thêm 0,76%. Tỷ lệ dư nợ/tổng tiền gửi của cả hệ thống đã tụt về mức thấp nhất nhiều năm qua, còn 72,8%. Giả sử quí 4 tín dụng bứt phá, tăng 3 điểm phần trăm nữa, thì cả năm tín dụng cũng chỉ tăng tầm 8%.
Con số giả sử 8% so với chỉ tiêu đặt ra là thấp, tuy nhiên so với tình hình thực tế thì lại cao bởi hai lý do: khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang chậm và yếu hơn các năm trước; các ngân hàng đã tái cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi tổng cộng hơn 1 triệu tỉ đồng nợ các kỳ hạn cho doanh nghiệp và cá nhân.
Các đợt hạ lãi suất điều hành và việc duy trì thanh khoản tiền đồng dồi dào trên thị trường đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong năm lĩnh vực ưu tiên tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Chưa bao giờ lãi suất tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức 0,1-0,3%/năm nhiều tháng liền như hiện nay. Ngoài ra, do nguồn cung ngoại tệ về nhiều, tỷ giá ổn định, thậm chí tiền đồng đang trong tình trạng có khả năng lên giá so với đô la Mỹ, hiện tượng đầu cơ ngoại tệ đã gần như không có chỗ đứng. Tiền đồng đang đóng vai trò thống lĩnh trong các giao dịch tiền tệ.
Luôn có những tiếng nói trên thị trường đề xuất hạ mặt bằng lãi suất xuống ngang bằng các nước trong khu vực châu Á, nhưng câu chuyện của tín dụng ở Việt Nam hiện tại không nằm ở lãi suất mà chủ yếu ở năng lực cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận của các chủ thể vay vốn. Lãi suất huy động từ dân cư của các ngân hàng đang giảm rất mạnh. Nếu mặt bằng lãi suất giảm thêm, nguồn huy động đầu vào của các ngân hàng về lâu dài có thể bị ảnh hưởng.
Nếu căn cứ vào tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn là 4,48% và tổng dư nợ tín dụng 8,527 triệu tỉ đồng, con số nợ xấu tiềm ẩn tuyệt đối ước khoảng 382.000 tỉ đồng, tương đương 16,5 tỉ đô la Mỹ. Cả tỷ lệ và số tuyệt đối nợ xấu này đều thấp hơn mức 11% và khoảng 600.000 tỉ đồng, vốn được các định chế tài chính quốc tế cảnh báo ở thời điểm 7-8 năm trước.
Điều đó liệu có chỉ ra rằng về nội lực, các ngân hàng Việt Nam đã mạnh và vững vàng hơn trước? Tất nhiên là có. Tuy vậy, trong toàn hệ thống, vẫn có những điểm lồi lõm, đó là các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng đang tái cơ cấu.
Xem thêm: lmth.gnat-gnad-na-meit-uax-on/338803/nv.semitnogiaseht.www