PV: Nghị định 117 do Chính phủ ban hành có đề cập đến nội dung xử phạt từ 1-3 triệu đồng cho hành vi lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia, ông ý kiến như thế nào về nội dung này?
TS.Nguyễn Văn Vịnh: Người Việt, đặc biệt là các dân tộc vùng cao có thói quen sử dụng rượu từ lâu đời. Ở góc độ văn hóa - tín ngưỡng dân gian, miếng trầu là đầu câu chuyện thì chén rượu là đầu cuộc vui nên việc mời rượu trong một bữa tiệc, một cuộc họp mặt được hiểu là cùng chung vui. Việc uống bia rượu làm sao cho văn minh, lịch sự để tránh những hậu quả đáng tiếc mới là điều quan trọng.
Việc uống rượu bia chứa đựng yếu tố văn hóa. Nét văn hóa trong uống rượu là thể hiện sự thịnh tình, mời chào nhau. Nhiều người dù không uống được rượu bia nhưng vì nghi lễ, phong tục, họ vẫn nâng cốc lên giữ phép lịch sự. Tuy nhiên, với những người có trạng thái lạm dụng rượu vì nghiện “ma men” thì chúng ta không bàn đến vì đó là những người có bệnh lý. Nhưng trên thực tế, hiện nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang lạm dụng bia, rượu và có câu chuyện ép buộc, cưỡng bức và gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Có điều, nếu chúng ta không làm rõ được khái niệm thế nào là “ép buộc, xúi giục” thì khó có thể xử phạt và quy định vẫn chỉ… nằm trên giấy.
Theo tôi, khi ban hành luật hay một quy định dưới luật, điều quan trọng nhất là phải định nghĩa rõ khái niệm. Với quy định trên, dư luận băn khoăn như thế nào là ép buộc, xúi giục người khác uống bia, rượu. Ép buộc là mang tính cưỡng bức, ép buộc còn có một trạng thái khác là thách thức, vì vậy cần quy định chi tiết để người dân hiểu.
PV: Như ông vừa nói, uống rượu cũng là một nét văn hóa nhưng trên thực tế, không ít người đã lạm dụng bia rượu và nảy sinh hệ lụy như tai nạn giao thông, bạo hành gia đình… Liệu quy định trên có xóa bỏ “lệ” ép bia rượu ở nhiều nơi, thưa ông?
Nguyễn Văn Vịnh: Như tôi vừa nói, khi đưa ra một quy định nào đó thì cần đảm bảo cả tính bao quát lẫn yếu tố chi tiết, cụ thể. Nếu cứ cấm và quy định mức xử phạt song lại không ai phạt cả thì sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật và như thế chắc chắn sẽ không hiệu quả.
Theo tôi, quy định trên mang tính khuyến cáo, “thức tỉnh” người dân trước tác hại của rượu bia. Để quy định đi vào sống, cần sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia, giúp người dân sẽ tiết chế được việc ứng xử khi tham gia những “cuộc vui”, tự giác thực hiện nghiêm quy định trên. Phải đánh vào ý thức của người dân để họ thấy rằng nếu có lái xe, tham gia giao thông hoặc đang ở những nơi cấm uống rượu, bia thì phải tuân thủ chấp hành quy định. Chứ đừng mang chuyện bị ép ra đổ lỗi cho hành vi sai của mình.
PV: Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của quy định trên?
TS.Nguyễn Văn Vịnh: Quay lại câu chuyện văn hóa uống rượu và tục lệ ở nhiều nơi, điển hình ở vùng cao, người dân quan niệm say mới vui, cách ép rượu không mang tính cưỡng bức mà có sự dẫn dụ khác. Theo tôi, quy định xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia bị phạt tiền khó khả thi. Bản thân nghị định đó mang tính khuyến cáo nhiều hơn là “hình phạt”.
Nghị định là văn bản dưới luật, có lẽ mọi người cũng nên tiếp nhận ở góc độ những khuyến cáo, giống như một hành vi mang tính giáo dục. Các hệ thống chính quyền cần có những khuyến cáo tốt hơn nữa cho người dân trong các hoạt động sinh hoạt xã hội. Khi nhìn nhận quy định trên là những khuyến cáo và tự giác không có hành vi xúi giục, ép buộc sẽ tốt hơn về mặt văn hóa.
Những người ép buộc xúi giục người khác uống bia, rượu theo tôi là những người có vấn đề về mặt văn hóa. Hành vi lệch chuẩn xã hội có thể cũng do khi uống rượu không làm chủ bản thân, không được khuyến cáo mà gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Một lần nữa tôi nhấn mạnh về vai trò của truyền thông ở đây, góp phần thay đổi nhận thức của người dân và đó điều rất cần thiết.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo của bộ Y tế, việc sử dụng rượu, bia là một trong những yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm và ngành Y tế cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khác đẩy mạnh việc thực hiện phòng chống tác hại của rượu, bia. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên khoảng 80% đối với nam và 36% đối với nữ. Đặc biệt, có tới hơn 40% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại, tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên.
Báo cáo của WHO trước đó cũng chỉ rõ, rượu, bia đồ uống có cồn là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới, độ tuổi từ 15 đến 49. Chưa hết, chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% tổng thu nhập quốc dân GDP.
Hương Lan (Thực hiện)