Trump đóng vai khách mời, chỉ đường cho cậu bé trong Ở nhà một mình - Ảnh: 20TH CENTURY FOX
Richard Aquila, chuyên gia về lịch sử và văn hóa xã hội Mỹ, từng gọi ông Donald Trump là "tổng thống văn hóa đại chúng" đầu tiên của nước Mỹ.
Trên trang The Hill, Aquila so sánh ông Trump với các tổng thống khác trong lịch sử. Ông Ronald Reagan từng là ngôi sao màn bạc, nhưng giàu kinh nghiệm chính trị trước khi thành tổng thống. Ông John F. Kennedy và ông Bill Clinton rất nổi tiếng với đại chúng nhưng đều là sau khi trở thành tổng thống.
Chỉ riêng ông Donald Trump là biểu tượng văn hóa giải trí Mỹ trước khi đến với Nhà Trắng.
13 phim điện ảnh, 20 show truyền hình, 3 giải Mâm Xôi Vàng
Sự nghiệp phim ảnh và truyền hình không quá ấn tượng nhưng về số lượng thì khó ai qua được ông. Là diễn viên không chuyên, ông Trump đóng đến 13 phim điện ảnh, 20 phim và chương trình truyền hình từ thập niên 1980 đến nay. Hầu hết, ông đóng chính mình và chỉ xuất hiện vài giây.
Hình ảnh ông Trump trong Home Alone 2: Lost in New York quen thuộc với khán giả. Thập niên 1990, Home Alone (Ở nhà một mình) là bộ phim của mọi gia đình. Để có vai khách mời, ông Trump đã cho phép đoàn phim quay ở khách sạn Plaza (New York) do ông làm chủ.
Trong phim truyền hình ăn khách Sex and the City, ông Trump ngồi trò chuyện với đối tác trong một quán cà phê ở New York. Nhìn cảnh này, nhân vật chính Carrie cảm thán về Donald Trump như một nhân vật biểu tượng của thành phố này: "không thể nào New York hơn được nữa".
Ông Trump ngồi cà phê và được coi là biểu tượng của đời sống đô thị New York trong Sex and the City - Ảnh: HBO
Có nhiều vai diễn nhưng sự nghiệp phim ảnh của ông Trump khó có thể gọi là nở rộ. Lý do là ông toàn đóng vai chính mình, ít có thử thách về diễn xuất. Các vai diễn lại chỉ lướt qua màn hình với số lượng thoại ít ỏi.
Phim hài thiếu nhi The Little Rascals (1994) là lần hiếm hoi ông Trump không đóng chính mình nhưng nhân vật vẫn là một người đàn ông giàu có với tạo hình không khác gì Donald Trump cả.
Đặc biệt, ông Trump còn giành 3 giải Mâm Xôi Vàng vào các năm 1991 và 2019. Năm 1991, ông giành giải Nam diễn viên phụ tệ nhất cho vai diễn trong phim Ghosts Can't Do It.
Trump trong phim Ghosts Can't Do It - Ảnh: TRIUMPH RELEASING
Năm 2019, ông Trump thậm chí còn nhận 2 Mâm Xôi Vàng.
Một là giải Nam diễn viên chính tệ nhất trong cả hai phim tài liệu Death of a Nation và Fahrenheit 11/9, đều là vai chính mình. Hai là giải Sự kết hợp màn ảnh tệ nhất cũng cho cả hai phim này.
'Gia đình Simpson' không hề dự báo cái chết của ông Trump
Điểm lại những lần diễn xuất của ông Trump có vẻ không thú vị bằng những lần ông được người khác khắc họa trong phim ảnh, chương trình truyền hình. Với hình tượng đa diện, ông Trump là nhân vật được đóng giả, bắt chước, giễu nhại khắp các chương trình truyền hình.
Chương trình The Late Show with Stephen Colbert dựng nên một nhân vật khách mời là ông Trump phiên bản hoạt hình để trò chuyện với MC và khiến khán giả cười lăn cười bò vì tính trào phúng.
'Donald Trump hoạt hình' làm khách mời trong The Late Show with Stephen Colbert - Ảnh: CBS
Năm 2016, trong lần đầu nhân vật hoạt hình lên ghế khách mời, Stephen Colbert giới thiệu hài hước: "Chúng tôi đã mời Donald Trump đến bàn luận, nhưng ông ấy quá bận vì phải xuất hiện trên mọi kênh truyền hình khác. Do đó, chúng tôi mời đến đây phiên bản hoạt hình của ông ấy".
Hình tượng ông Trump trên truyền hình mang tính châm biếm sâu cay, thường hướng vào các thói hư tật xấu, đời sống gia đình, những phát ngôn, tranh cãi ồn ào. Điều này được thể hiện hài hước, mang lại cho khán giả những tràng cười sảng khoái.
Gia đình Simpson, phim hoạt hình nổi tiếng khắp nước Mỹ, từng gây sửng sốt khi tiên đoán ông Trump làm tổng thống Mỹ trong một tập phim năm 2000. Nguyên nhân của tiên đoán này cũng rất châm biếm.
Năm 2000, tập phim Bart to the Future của Gia đình Simpson tiên đoán ông Trump làm tổng thống - Ảnh: FOX
Đó là khi biên kịch Dan Greaney muốn nhân vật Lisa tiếp quản vai trò tổng thống khi "nước Mỹ đang trong tình trạng tệ hại nhất, và để nước Mỹ chạm đáy thì chỉ có thể là Donald Trump làm tổng thống trước đó". Tất nhiên, điều này chỉ phản ánh quan điểm chính trị của biên kịch.
Sự nổi tiếng quá mức của Gia đình Simpson và ông Trump cũng dẫn đến nhiều tin giả. Mới đây nhất, dân mạng truyền nhau bức ảnh ông Trump nằm quan tài với tạo hình giống trong Gia đình Simpson và cho rằng phim này dự báo ông sẽ chết vào ngày 27-9-2020.
Nhưng đây là tin giả. Gia đình Simpson không hề đưa ra lời tiên đoán như vậy.
Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ và trong kỳ bầu cử lần này, cái tên Donald Trump tiếp tục là tâm điểm của truyền thông Mỹ và thế giới. Trong tương lai, sẽ có nhiều sản phẩm văn hóa giải trí lấy cảm hứng từ ông.
Mái tóc và màu da của ông Trump trong tạo hình của phim hoạt hình Family Guy (2019) - Ảnh: FOX
Mái tóc và màu da cũng là nhân vật giải trí
Một nhân vật nổi tiếng thường có những đặc điểm cơ thể đặc trưng để công chúng nhớ đến. Mái tóc vểnh lên khá kỳ quặc và làn da "màu cam bất thường" của ông Trump nổi tiếng đến mức cứ khắc họa ông là người ta nhấn mạnh hai đặc điểm này, nhiều khi đi quá xa dẫn đến miệt thị cơ thể.
Donald Trump's Hair là tên bài hát và album của ca sĩ Kacey Jones năm 2009. Năm 2018, một đoạn clip quay mái tóc của Trump bay tứ tung khi ông lên chiếc Air Force One cũng trở nên "viral".
Dân mạng còn so sánh khoảnh khắc này với màn tốc váy biểu tượng của Marilyn Monroe trong phim The Seven Year Itch.
Năm 2016, người tiền nhiệm Barack Obama đùa trong chương trình Tonight Show with Jimmy Fallon: "Cam không phải là màu đen mới". "Cam" là Trump còn "đen" là Obama. Câu đùa nhai theo tên phim Orange is the New Black.
TTO - Nam diễn viên Brendan Gleeson được hóa trang với kiểu tóc, làn da và có dáng điệu rất giống Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phim 'The Comey Rule'.