Bác sĩ Trí thăm khám cho chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (quê An Giang) - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM chuyên ngành về tai mũi họng, sau đó bác sĩ Lê Viết Trí học ngành khác là tạo hình thẩm mỹ tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), rồi tiếp tục học nâng cao về tạo hình mũi ở Hàn Quốc, Canada. Hiện anh làm việc tại Viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn.
Vì sống là sẻ chia
Trẻ em bị dị tật sứt môi - hở hàm ếch thường được các tổ chức từ thiện hỗ trợ việc vá. Từ sau 16 tuổi là thời điểm phù hợp cho việc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ một lần nữa thì lại ít có tổ chức từ thiện nào thực hiện. Nguyên nhân do việc phẫu thuật mũi ở lứa tuổi trưởng thành khó hơn nên ít cơ sở thẩm mỹ nhận làm, đồng thời chi phí phẫu thuật khá cao khiến nhiều người sống chung với chiếc mũi bị lệch.
Đồng cảm với những hoàn cảnh không may này, bác sĩ Lê Viết Trí đã thực hiện chương trình Vì sống là sẻ chia. Theo đó, anh chỉnh sửa miễn phí 100% cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hoặc giảm đến 80% cho các trường hợp khác, hoặc trả phí tùy theo khả năng tài chính của từng người.
Bác sĩ Trí cho biết: "Chi phí tối đa cho mỗi trường hợp phẫu thuật hoàn thiện là 50 triệu đồng, thấp hơn một nửa so với thị trường. Ngoài ra, còn tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mọi người mà đóng phí thấp hơn".
Tính đến nay, anh đã phẫu thuật cho gần 1.000 trường hợp bị sứt môi - hở hàm ếch, mang đến cuộc sống mới cho họ, giúp họ như được tái sinh.
Mang đến nụ cười hạnh phúc
Nguyễn Trần Bảo Nghi (14 tuổi, quê TP Cần Thơ) lúc nào cũng thấy mặc cảm với bạn bè và những người xung quanh. Khi giao tiếp, Nghi không thích người khác nhìn thẳng vào mặt mình. Năm học lớp 6, Nghi được gia đình đưa đi phẫu thuật nhưng không như mong muốn càng khiến em thất vọng về bản thân.
Nghi cho biết: "Sợ em buồn nên mẹ không bao giờ hỏi thăm, mà chỉ biết dồn hết tình thương dành cho em bằng hành động. Em biết, nhưng em cũng chỉ để trong lòng".
Hay như trường hợp của chị Phạm Thị Nga (24 tuổi, quê Sóc Trăng) cảm thấy mắc cỡ, ngại đối diện với người khác. "Bản thân mình chưa bao giờ dám nghĩ đến việc có bạn bè hay người yêu gì cả. Dù tốt nghiệp ĐH nhưng mình rất khó xin việc làm do diện mạo không ưa nhìn. Nhờ quen biết, một công ty chịu nhận vào làm nhưng chỉ phân công làm công tác văn thư. Bản thân cảm giác không được tôn trọng khi mọi người nói xấu về mình" - Nga chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (34 tuổi, quê An Giang) cũng bị sứt môi - hở hàm ếch, bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, phải sống nhờ tình thương của gia đình người nhận nuôi. Học hết lớp 4, Tuyền mặc cảm, nghỉ học, lao vào mưu sinh. Lớn một chút, Tuyền đi bán vé số, mua phế liệu và mướn phòng trọ ở riêng.
Chị Tuyền gặp một người đàn ông từ địa phương khác đến và có cảm tình nên quyết định "góp gạo thổi cơm chung". Những tưởng cuộc đời côi cút sẽ có một điểm tựa, nhưng nào ngờ sau khi chị Tuyền sinh con thì người đàn ông này bỏ đi biền biệt.
Chị Tuyền lại một thân một mình làm đủ mọi công việc để nuôi con. Sau đó, một anh thợ hồ đem lòng yêu thương, cưu mang mẹ con chị. Nhưng hạnh phúc nhỏ nhoi ấy chưa được bao lâu, anh thợ hồ này vừa mất vì bệnh tật. Tuyền lại một lần nữa bơ vơ.
"Ra đường, mình luôn đeo khẩu trang, sợ người ta cười, mình không dám nhìn ai hết, khiến cuộc sống không còn màu sắc, ý nghĩa gì" - chị Tuyền cho biết.
Đó là những trường hợp đã được bác sĩ Trí phẫu thuật. Theo bác sĩ Trí, cánh mũi của người bị sứt môi - hở hàm ếch thông thường một bên gãy, một bên phình, nên khi chỉnh sửa cần phải chỉnh từ trong ra ngoài. Bên trong chỉnh sửa cho xương thẳng, sau đó chỉnh sửa cấu trúc bên ngoài kèm theo sụn, cánh mũi sao cho cân đối.
"Về phần môi, lúc sinh ra các em được vá nhưng chỉ thực hiện chức năng chính là để ăn uống, nói chuyện được. Còn về thẩm mỹ thì đa số viền môi không đều, sẹo rất lớn. Chính vì vậy, các em khó khăn trong giao tiếp, không hòa nhập được trong xã hội sau này. Bản thân mình học tạo hình mũi, mong muốn đem đến những điều tốt cho mọi người, giúp người bị dị tật sứt môi - hở hàm ếch tự tin hơn trong cuộc sống" - bác sĩ Trí chia sẻ.
Tự tin hơn rất nhiều
Nhờ phẫu thuật, chị Phạm Thị Nga giờ là nhân viên bộ phận sale của một hệ thống khách sạn lớn tại TP.HCM. Chị Nga cho biết: "Sau phẫu thuật nhiều người thân không nhận ra, giờ chỉ có một đường chỉ nhỏ, khi trang điểm là không thấy. Mình cảm thấy rất tự tin với diện mạo mới".
Còn Nguyễn Trần Bảo Nghi đã không còn đăng status Facebook chỉ có dòng trạng thái nữa, Nghi đã tự tin chụp ảnh selfie đăng kèm. "Thấy dung mạo em thay đổi, mẹ vui mừng lắm" - Nghi xúc động kể lại.
Anh Trần Hồng Sum (41 tuổi, quê Phú Yên) là nhân viên sửa cửa cuốn. Anh cũng bị dị tật, tự ti về mọi thứ, ít tiếp xúc với bạn bè. Trong một lần tình cờ đến nhà bác sĩ Trí sửa cửa, anh được tư vấn, thẩm mỹ lại môi và mũi. Giờ đây anh cảm thấy tự tin hơn, cuộc sống đã có màu hồng.
TTO - Đây là hoạt động hằng năm tại Việt Nam do Quỹ vì trẻ em khuyết tật phối hợp với Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ tổ chức.
Xem thêm: mth.84492940150010202-iod-gnort-nit-ut-iom-tus-iougn-puig/nv.ertiout