"Bích ơi, Bích ơi, ôi Bích ơi…"
Tiếng hét đến khản cổ của HLV Vũ Ngọc Lợi vang vọng cả một góc sân vận động New Clark City. Ở phía trong, Đinh Thị Bích băng băng về đích với những sải chân nhanh thoăn thoắt.
Trước khi cuộc đua bắt đầu, không ai nghĩ VĐV người Nam Định này lại có thể về nhất. Kỳ vọng đoạt HCV ở cự ly đó vốn dành cho Khuất Phương Anh, người đồng đội được đánh giá cao hơn. Không mấy ai chú ý đến Đinh Thị Bích.
Để rồi khi tất cả đảo chiều chỉ trong ít giây ngắn ngủi, Bích băng băng vượt lên với cú nước rút ngoạn mục ở hơn 100m cuối, có bình luận viên thậm chí còn chưa nhớ được tên người dẫn đầu, chỉ biết rằng đó cũng là một VĐV người Việt Nam.
Tất cả với Bích như một giấc mơ trở thành sự thật, sau suốt một quãng thời gian dài phải chịu đựng biết bao tủi hờn.
CHIẾC HUY CHƯƠNG VÀNG KHÔNG NGỜ TỚI
"Năm vừa rồi chắc mọi người cũng khá ngạc nhiên khi em về nhất. Khi xem lại phần thi đấu em cũng thấy bình luận viên chú ý và nhắc tên Khuất Phương Anh nhiều hơn chứ không biết em là ai cả. Về đến đích rồi người ta cũng vẫn chưa biết tên em là gì.
Bảng điện tử hiện tên lên rồi mọi người lại đi tìm vì không biết mặt, nhận ra em có khi chỉ vì đang mặc bộ quần áo thể thao. Cũng may tên em dễ đọc nên không bị đọc nhầm (cười)", Đinh Thị Bích - nhà vô địch cự ly chạy 800m nữ tại SEA Games 30 – bắt đầu kể lại câu chuyện của mình với nhiều cảm xúc đan xen.
Ít ai biết rằng không lâu trước ngày lên đỉnh Đông Nam Á, mục tiêu của Bích vẫn rất khiêm tốn, khi chỉ dám hi vọng sẽ được dự SEA Games 31 tại Việt Nam (năm 2021) để thỏa ước mơ. Ở tuổi 22 và vẫn chỉ là một VĐV thuộc biên chế tỉnh Nam Định chứ chưa được gọi lên đội tuyển, SEA Games 30 là điều mà Bích chưa dám nghĩ tới.
Nhưng rồi quyết định táo bạo của Liên đoàn điền kinh Việt Nam đã thay đổi tất cả. Tại giải vô địch quốc gia 2019, chỉ cần nằm ở 2 vị trí dẫn đầu mà không quan trọng thuộc biên chế đội tuyển hay địa phương, VĐV sẽ được dự SEA Games 30. Đinh Thị Bích xuất sắc có được tấm HCB, giành tấm vé vào phút chót để được lên tuyển chuẩn bị cho giải đấu lớn nhất sự nghiệp. Cũng ở giải lần đó, người về nhất là Khuất Phương Anh.
"Thực ra đến lúc giành HCB rồi em cũng không chắc chắn mình được đi SEA Games hay không, mới chỉ lên tập trung đội tuyển thôi. Mà lên đó rồi em vẫn tiếp tục phải cạnh tranh với nhiều người khác để có suất tham dự chính thức, bị "dọa" kiểu như không tập cẩn thận thì sẽ thay thế người khác vào.
Cuộc sống của VĐV không đơn giản. Mà thực ra cứ ở tập thể thì sẽ có chuyện phức tạp rồi. Giữa đồng đội với nhau cũng có nhiều chuyện mệt lắm.
Khi em được bổ sung lên tuyển, mọi người cũng nói nhiều. Nhưng sao tránh được chuyện người ta bàn ra tán vào. Ngày xưa năm 2016 rời tuyển trẻ về lại địa phương, em còn bị thầy đánh giá là không có khả năng phát triển, lưu lại hồ sơ như vậy mà.
Nhưng có một điều em thích là khi em lên tuyển vào năm 2019, không một ai chú ý đến mình cả. Như thế mình càng làm được nhiều thứ hơn. Đến tận bây giờ vẫn thế", Đinh Thị Bích chia sẻ.
Theo lời của Bích, khi phần thi chung kết 800m nữ diễn ra vào chiều tối 9/12/2019 tại sân New Clark City, phần đông đội điền kinh dành sự kỳ vọng cho Khuất Phương Anh. Chỉ có HLV Vũ Ngọc Lợi, VĐV Nguyễn Thị Huyền và một VĐV nhảy xa khác thuộc tổ Nam Định cổ vũ cho Đinh Thị Bích. Cũng bởi sự cạnh tranh nội bộ như vậy nên đến sau khi thi xong, chuyện của hai VĐV Việt Nam về nhất – nhì nhưng lại không thấy chia vui cùng nhau đã được báo chí nhận ra.
"Khi vào thi đấu, lần đầu tiên em đi thi mà sân có đông khán giả đến thế. Đông như sân Thiên Trường quê em lúc đá V.League vậy. Cự ly 800m Việt Nam thống trị nhiều năm ở Đông Nam Á rồi. HCV thì ai cũng muốn, nhưng trước mắt em chỉ mong rằng mình sẽ có huy chương SEA Games.
Vòng đầu em chạy đúng cảm giác của mình, 400m trong 62s. Em tự nhủ "ngon rồi", và đến hết 500m trên đường chạy em vẫn còn sức để nói được mà. Em cũng có nghe mọi người nói lời ra tán vào rằng em thế nọ thế kia. Nhưng thực tình lúc ấy em bảo "lên đi Khuất ơi, chậm rồi".
Đinh Thị Bích bứt lên và bỏ xa nhóm bám đuổi ở 120m cuối cùng.
"Khi bạn ấy đẩy lên thì em cũng chỉ mới đang đứng thứ 4 ở 200m cuối, chạy sau gần 10m. Chiến thuật của em từ trước đến giờ là bám đối thủ. Đến khoảng còn 200m là em bắt đầu đẩy lên, còn 120m cuối thì em dồn hết sức để về đích.
Em cũng hơi sơ ý là sau khi về đích không nhìn thấy Khuất Phương Anh ở đằng sau. Báo chí có hỏi chuyện đó, nhưng em cũng bảo đến khi em quay lại nhìn thì bạn ấy đi vào trong mất rồi. Dù sao niềm vui của mình nhưng lại là nỗi buồn của người khác.
Thực ra từ trước đến giờ bọn em cũng ít nói chuyện với nhau, và thường trong một cự ly sẽ như vậy. Khi em được huy chương như thế mọi người không mừng đâu. Các tổ khác khó chịu ra mặt. Thôi em cũng kệ.
Nhưng em hiểu lúc đó bạn ấy đang buồn và cũng không biết việc thi ở cự ly 1500m trước đó có để lại ảnh hưởng, chấn thương gì với Phương Anh không. Vì thẳng thắn mà nói, thực lực của em không bằng được. Nhưng ở SEA Games 30 em may mắn không bị chấn thương nặng, được tập luyện đều hơn, tức là nền tảng trong năm 2019 của em cũng tốt hơn", Đinh Thị Bích nhớ lại.
Một yếu tố nữa mà Bích muốn nói đến đó là việc tâm lý thi đấu thoải mái hơn đã giúp cô giành chiến thắng trước người đồng đội của mình. Bích luôn nhớ điều này bởi trong quá khứ, cũng ở một cuộc đối đầu khác với Phương Anh, tâm lý quá căng thẳng đã khiến cô không chỉ tuột mất HCV mà còn vướng vào lùm xùm và bị đồn thổi về việc thi đấu như bán độ.
NỖI ĐAU VÌ LỜI ĐỒN BÁN ĐỘ ÁC Ý
Mọi chuyện diễn ra ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, khi đội điền kinh Nam Định và Hà Nội cạnh tranh gắt gao tấm HCV ở ly chạy tiếp sức 4x800m.
"Hôm đó em là người chạy cuối cùng. Em thừa nhận đội thua là do lỗi của em. Khi ấy em mới trở lại sau chấn thương, vào thi đấu bị tâm lý. Em có lợi thế khoảng cách, chạy được trước Phương Anh (đội Hà Nội). Bản thân em thi tiếp sức cũng không phải yếu.
Nhưng đoạn cuối mình bị bám đuổi, hơn đối thủ cỡ 40m mà lại để họ vượt lên, chỉ chênh nhau cái nhô đầu về đích. Vậy là em thua. Vì thế mà em bị bảo là bán độ cho Hà Nội. Nhưng thực sự không hiểu sao hôm đó em bị tâm lý, đoạn cuối người mình như bị tua chậm vậy, không nhấc chân lên nổi, cảm giác cứ như có ai giật chân mình lại".
Theo lời kể của Bích, những lời ra tiếng vào đó không chỉ khiến cô phải oan ức mà còn trở thành rào cản, khiến mọi người luôn nghi ngờ năng lực của mình. Suốt một thời gian dài, thậm chí ngay cả khi giành được vé đi SEA Games, Bích vẫn bị cho rằng chỉ "ăn may".
"Buổi sáng hôm đó thi chung kết 4x800m bị thua, đến sáng hôm sau thi 800m cá nhân em lại thua tiếp, thậm chí thua cả một bạn ở cùng địa phương. Đến năm 2019, trong đầu em cũng chỉ nghĩ cố được HCB quốc gia để có suất đi SEA Games, còn bạn cùng đội tỉnh về thứ ba. Mọi người lúc ấy lại bảo em ăn may, hơn bạn kia được có một chút.
Rồi đến khi em giành được HCV SEA Games thì lại bảo em ăn may mới thắng. Trong khi đó em về hơn người về nhì đến hơn 1s. Nghe thế thì em cũng bảo vâng, em ăn may. Công nhận rằng trong tập luyện và thi đấu phải có may mắn nữa, nhưng mọi thứ là cả một quá trình tích lũy mới có chứ không phải tự nhiên mà em đạt được thành tích như thế".
Cũng bởi vụ lùm xùm oan ức này mà Đinh Thị Bích đã có lúc muốn bỏ tập về quê. Nhưng rồi nhờ sự động viên của gia đình và HLV đội Nam Định, cô gái sinh năm 1997 đã gạt bỏ tất cả lại phía sau để tiếp tục tập luyện.
"Trận thua đấy xong về em bị mọi người bảo là bán độ cho Hà Nội. Lúc ấy nghĩ chán quá em muốn xin về, nghỉ tập. Nhưng bố em lại "đuổi", bảo ngày xưa chọn cho bằng được rồi bây giờ lại quyết bỏ, không thế được, phải đi lên giải quyết mọi việc cho rõ. Kể cả giải quyết xong không đi tập nữa rồi về cũng được, nhưng làm gì cũng phải rõ ràng, không được để điều tiếng gì.
Thực ra rồi cũng chẳng giải quyết như thế nào cả, em cứ âm thầm bỏ ngoài tai mọi chuyện mà tập luyện thôi. Đến giữa năm 2019 em vẫn còn bị nói, khơi lại chuyện đại hội ngày xưa thế nọ thế kia. Nhưng đối mặt với những chuyện đó em chỉ im lặng, không nói gì cả.
Ngày ấy cô của em rất tâm lý, động viên bọn em rất nhiều. Cô Thanh Xuân chăm VĐV như con của mình vậy. Ở Nam Định không có bếp, đáng ra bọn em phải ra quán cơm bụi nhưng cô nấu cơm cho bọn em ăn. Có lẽ chính thế lại trở thành điều tốt cho em, khi không phải chịu nhiều áp lực và được chỉ bảo bởi một HLV rất tâm lý. Thành tích cuối năm 2018, đầu năm 2019 của em rất tốt và vì thế sau đó mới được gọi lên đội tuyển đi SEA Games".
Đinh Thị Bích nhắc đến HLV Thanh Xuân rất nhiều lần khi kể về hành trình vượt qua gian khó của mình.
CƠN BẠO BỆNH TUỔI 18 VÀ THÀNH QUẢ CHO SỰ NỖ LỰC
Đối với Đinh Thị Bích, không chỉ riêng chuyện vượt qua lùm xùm nói trên mà gia đình và HLV Thanh Xuân chính là điểm tựa vững chắc ngay từ những ngày đầu tiên bước chân theo nghiệp thể thao.
Bích kể lại rằng ngày được mời lên trường năng khiếu của tỉnh Nam Định, bố mẹ không đồng ý cho đi vì lo lắng con gái đi theo nghiệp thể thao sẽ rất khổ. Thậm chí đến sau này được đi tập rồi, mất cả năm đầu tiên bố của Bích cũng không thực sự vui vì lựa chọn của con, dù bố vẫn là người đón đưa Bích từ quê lên trường.
"Ngày đi tập em có được hưởng phụ cấp, nhưng cũng chẳng đủ tiêu mà vẫn phải xin thêm bố mẹ. Đi tập được 2, 3 năm thì em có thành tích và lấy điều đó để thuyết phục bố mình. Đến khi đó bố mới nói một câu rằng: Bố để cho con chọn đường đi, nhưng sau này có như thế nào cũng không được hối hận.
Đó cũng chính là lý do sau này khi em bị đồn thổi bán độ và muốn bỏ về, bố không đồng ý và muốn em phải giải quyết rõ ràng. Bây giờ thỉnh thoảng ngồi nói chuyện, nhắc lại chuyện cũ bố vẫn bảo nếu có quay lại ngày xưa thì vẫn không đồng ý cho em đi tập".
Đinh Thị Bích và bố.
Thế nhưng những khó khăn lớn hơn sau đó mới xảy đến với Đinh Thị Bích. Thành tích ban đầu giúp cô được vào Đà Nẵng tập ở đội trẻ quốc gia từ năm 2012. Nhưng rồi đến năm 2016, Bích trở về Nam Định và phải bắt đầu lại từ số 0, kèm theo lời phê "không có khả năng phát triển". Đó là chưa kể đến việc nữ VĐV này từng mất cả năm 2015 để chữa bệnh, không thể tập luyện và thi đấu.
Tất cả tưởng như sẽ kết thúc thì may mắn cho Đinh Thị Bích, nỗ lực của cô và HLV Thanh Xuân đã phát huy hiệu quả, những bài tập phù hợp hơn đã mang đến bước tiến vượt bậc.
"Với mọi người thì không biết sao, như em thì đã trải qua quá trình đào tạo trẻ không được tốt. Em đã từng tập ở đội tuyển trẻ quốc gia tại Đà Nẵng từ 2012 đến 2016. Đi từ năm 15 tuổi đến khi 19 tuổi về lại Nam Định thì em lại phải bắt đầu lại từ con số 0.
Bởi tùy từng người mới thích nghi, theo được các bài tập của thầy. Tập tốt hay không là một chuyện, đôi khi còn phải là sự kết hợp giữa mình và HLV nữa. Như em ngày xưa mới lên, đầu tiên tập cự ly dài, 5000m và 10000m, nhưng em không phát triển được. Tập được vài tháng thì cô Xuân đưa em về tập 800m, 1500m".
Đinh Thị Bích từng bị đánh giá không có khả năng phát triển, nhưng rồi bất ngờ bứt phá để giành HCV SEA Games.
"Vào Đà Nẵng tập tiếp thì đến cuối năm 2014 em gặp vấn đề và cả năm 2015 không thể tập luyện, thi đấu gì được, chỉ nằm viện và chữa bệnh thôi. Chữa hết đau chân, đau lưng rồi dạ dày, viêm hạch. Tất cả chi phí đều phải tự túc, nhưng cũng may chế độ hàng tháng ở tỉnh thì em vẫn được giữ nguyên.
Đến tháng 9/2016, khi về lại Nam Định em được tập với cô Thanh Xuân thì mới dần đi lên để được như bây giờ. Đến năm 22 tuổi em mới có thành tích thực sự nổi bật ở SEA Games vừa rồi, về độ chín so với mọi người như thế là muộn. Việc lên tuyển của em cũng khó khăn. Ngay từ năm 2016, em đã giành được huy chương giải vô địch quốc gia. Như người ta chỉ cần có thành tích như thế là được lên tuyển rồi, còn em thì không. 2017, 2018 cũng không được gọi. Đến tận 2019 em mới được bổ sung vào phút chót để đi SEA Games".
Sân Thiên Trường và đôi giày gắn với nhiều kỷ niệm của Đinh Thị Bích trong quá trình khổ luyện tại đây.
Cũng bởi không được lên tuyển nên Đinh Thị Bích đã phải trải qua những ngày tháng tập luyện với nhiều thiếu thốn ở địa phương. Không có bảo hiểm, không có bác sỹ, không có nhà ăn riêng. Tất cả như sự dồn nén để đến khi giành HCV ở SEA Games 30, mọi thứ vỡ òa với Bích và người thân.
"Philippines cũng là nơi có duyên với em. Tháng 12 năm 2014, em tham dự giải quốc tế đầu tiên diễn ra ở chính quốc gia này và giành HCV. Đó là giải Thanh thiếu niên Đông Nam Á. Em tập trung vào cự ly 800m lại về thứ 4, còn 1500m không mong đợi lắm thì lại được HCV. Khi ấy em chạy chân đất và chỉ hơn bạn về nhì đúng 1% giây nhờ tóc mái dài hơn.
Đến khi giành HCV SEA Games 30, trong người em giải tỏa nhiều lắm. Cảm giác rất sướng, rất vui khi lần đầu tiên dự giải mà đã được HCV. Lúc hát quốc ca, nhìn lên màn hình điện tử thấy mặt của mình trên đó, cảm xúc khó diễn tả lắm. Mọi người có thể sẽ khóc, mà em không hiểu sao lại chẳng khóc được. Chỉ có lúc về đích ra ôm bác Lợi, em khóc một chút thôi, mọi người không nhìn thấy được. Xong em quay ra và lau nước mắt luôn".
Đinh Thị Bích vỡ òa trong vòng tay HLV Vũ Ngọc Lợi.
"Rồi thi đấu xong em bị "bế" vào phòng thử doping luôn và đến gần 1h sáng mới về được đến phòng. Nước tiểu để thử cần chuẩn nhưng sau thi đấu xong tinh thần mình phấn khích quá, không thể nào thử được. Thậm chí em uống rất nhiều nước cũng không đi vệ sinh mà lấy mẫu được. Về đến chỗ ở thì hết sạch đồ ăn, đói cồn cào.
Nếu kỳ SEA Games tới em may mắn được tham gia và lại giành HCV nữa thì cảm xúc cũng không được như vậy đâu. Thi đấu xong về em bị sốt trạng thái thi đấu, mất ngủ 3 ngày 3 đêm luôn. Thức trắng, không tài nào ngủ nổi.
Để đạt được thành quả nào đó thì mình phải trải qua một quá trình mà hầu như không có ai hiểu được. Vì lúc mình đau, mình ốm, chấn thương thì cũng chỉ một mình cảm nhận được thôi.
Như cự ly của em ở SEA Games xuất phát theo ô, khi tất cả tấp vào vòng trong cùng nếu không để ý sẽ rất dễ ngã. Và lúc thi đấu xong em bị toét hết máu ống đồng ra vì lúc thi đấu giày đinh sắt của đối thủ đạp vào chân nhau mà. Đúng là trải qua thương đau mới lấy được kết quả xứng đáng.
Đôi khi HLV phải có sự đồng cảm với VĐV là vì như vậy. Em may mắn được tập với bác Lợi, cô Xuân, đều là những người có tầm và có tâm cả".
LỜI TÂM SỰ CHO TƯƠNG LAI
Với Đinh Thị Bích, cuộc sống sau SEA Games của nữ VĐV xinh đẹp này không có quá nhiều thay đổi. Bích vẫn là Bích, cặm cụi tập luyện và mong muốn mình không phải mục tiêu được chú ý quá nhiều.
"Thực ra cuộc sống của em vẫn thế. Chỉ thay đổi một chút khi em được nhiều người biết tới hơn và kinh tế không bị o hẹp như trước. Cũng không hẳn là dư giả, nhưng em phải nói rằng nhờ SEA Games mà tài chính của em ổn định hơn.
Em cũng muốn mọi người không chú ý đến em nhiều. Mọi sự thành công luôn đến từ sự cố gắng và nỗ lực thôi, còn kết quả cứ để năm sau mọi người sẽ thấy".
"Em vẫn nhớ khi giành HCV xong, điều em muốn làm nhất là gọi điện về nhà, nhưng em chưa kịp làm thì đã thấy điện thoại báo gọi nhỡ đến cả chục cuộc của mẹ rồi.
Truyền thông ở huyện, ở xã em cũng rất tốt. Chỉ cần em đi tập rồi dự giải gì là mọi người biết hết rồi, nên em cũng rất quý tình cảm mọi người dành cho mình.
Nhưng có một điều em không thích là nhiều người trước đây chẳng thân thiết hay ủng hộ gì, thậm chí từng rèm pha bố mẹ em rằng cho con gái đi theo thể thao vất vả làm gì, rồi đến lúc mình thành công thì họ lại quay ngoắt 180 độ với bố mẹ mình".
Kết lại câu chuyện, Đinh Thị Bích chia sẻ về những điều ấp ủ cho tương lai, với việc tập kinh doanh và sắp tới sẽ theo học đại học.
"Em gái sinh năm 2009 của em bây giờ cũng đang theo về thể thao, học năng khiếu điền kinh ở Nam Định. Em cũng khuyên bảo nó nhiều về chuyện chọn con đường học hành hay thể thao. Nói thật là VĐV bọn em ít có ai chăm học lắm. Cả ngày tập người mệt mỏi, đến tối về muốn học bài cũng oải.
Thời kỳ đỉnh cao của VĐV điền kinh bắt đầu từ năm 20 tuổi và có thể đến khoảng 26 tuổi. Nhưng như em thì đỉnh cao bắt đầu hơi muộn, đến năm 2019 (22 tuổi) em mới bắt đầu có chút thành tích. Có người nở rộ vài năm, có người chỉ được 1,2 năm.
Để theo đuổi sự nghiệp được trong bao lâu còn tùy theo cơ địa, quyết tâm của từng người. Như chị Nguyễn Thị Huyền giành HCV, lập gia đình, sinh con rồi lại quay lại thi đấu đỉnh cao tiếp được.
VĐV như em luôn phải nghĩ đường đi nước bước sau này của mình sẽ như thế nào. Còn tất nhiên trước mắt em cứ phải cố hết sức để thi đấu tốt ở các giải tiếp theo.
Một chuyện nữa, mấy năm trước em cũng chẳng nghĩ gì đâu, nhưng dần lớn mình bắt đầu để ý nhiều hơn. Đi ra ngoài với bạn bè đồng trang lứa, họ cũng tập thể thao nhưng rất xinh, trắng nên mình cũng muốn được như thế, nên cũng chăm chút cho bản thân một chút, có dùng kem chống nắng, đánh chút son. Chỉ có vậy thôi nhưng dù sao em cũng để ý hơn trước một chút, mình cũng là con gái mà".
"Em cũng ước muốn sau này nếu có điều kiện sẽ mở một shop nhỏ nhỏ để bán đồ. Nhân tiện thời gian rảnh rỗi bây giờ, em muốn kiếm thêm một chút thôi chứ thực sự thu nhập từ việc bán hàng online cũng không nhiều đâu. Em cứ tập tành bán cho biết.
Nhưng cơ bản em có hai hướng đi, một là đi làm HLV, hai là đi dạy ở các trường THCS, THPT. Năm nay em chuẩn bị vào học đại học, học hệ sự phạm thể thao trong 4 năm. Bọn em học chung với hết cả đội Viettel luôn, cùng với Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng đó. Các môn cơ bản học cùng nhau, còn chuyên sâu thì mới khác.
Việc đi học cũng sẽ khiến bọn em vất vả hơn một chút. Sáng phải tập sớm hơn, rồi đi từ trung tâm Nhổn sang Nguyễn Xiển để học cũng khá xa (hơn 15km). Nhưng vì tương lai nên bọn em vẫn phải cố thôi. Mình đã cố bao nhiêu năm rồi mà, khó thêm một chút cũng có sao đâu".
Linh Đan
Pháp luật và bạn đọc
Xem thêm: nhc.87662355150010202-semag-aes-vch-mat-uas-aihp-noub-tauhk-cog-mac-yahn-iad-nod-iol/nv.zibefac