Chiều xuống, bé Bon (ba tuổi) và một bé gái mải mê nô đùa cùng đàn gà con trước sân nhà. Bên cạnh, bà Phạm Thị Hóa ngồi tẩn ngẩn trông chừng hai cháu. Bà là mẹ của bị cáo Dương Văn Tuấn (sinh năm 1995, trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), người vừa bị TAND TP Đà Nẵng tuyên tử hình vì giết cha vợ.
Về nhà ôm con rồi đi chịu tội
“Từ hôm tòa tuyên án, đêm nào tôi cũng mất ngủ. Tối nào tôi cũng sang nhà bà sui xin họ tha thứ, dù người ta có mắng nặng lời hay làm lơ thì tôi vẫn đi. Tôi biết Tuấn mang tội tày đình nhưng tôi là mẹ, mọi lỗi lầm của con xin để cho tôi gánh bớt. Chỉ cần Tuấn được sống, cháu tôi có cha thì bảo tôi làm gì tôi cũng cam lòng” - bà Hóa nghẹn ngào.
Vợ chồng bà có sáu người con, Tuấn là con trai út. Gia đình khó khăn nên Tuấn nghỉ học sớm, đi phụ hồ phụ giúp cha mẹ. Năm 2017, Tuấn kết hôn với chị Nguyễn Thị Linh và sinh được cháu Bon. Đầu tháng 6, hai vợ chồng cãi vã nên chị Linh bỏ về nhà cha mẹ ruột ở cùng huyện.
Thương con nhỏ thiếu vắng hơi mẹ, Tuấn nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin khuyên vợ quay về nhưng bất thành. Chiều 12-6, Tuấn gọi điện thoại nhờ cha vợ là ông Nguyễn Văn Can khuyên chị Linh quay về nhưng bị ông chửi mắng. Cảm thấy ấm ức, Tuấn lấy hai con dao mang đến nhà chị ruột Linh (sát nhà ông Can) với mục đích hù dọa để vợ về nhà với con.
Đến nơi, thấy ông Can đang lúi húi trong nhà tắm, Tuấn nhớ lại lời cha vợ chửi mắng nên cầm dao tấn công khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
“Chiều hôm đó, tôi thấy Tuấn gọi điện thoại cho ông sui nhưng hình như hai cha con xảy ra chuyện không hay. Vừa tắt điện thoại, nó khóc bảo: “Mẹ ơi, con không chịu được nữa”. Rồi nó chạy xe đi. Lúc sau, nó thất thểu về nhà ôm chầm lấy cu Bon khóc. Tôi gặng hỏi, nó kêu: “Con vừa giết người rồi, mẹ ơi. Con báo công an rồi, họ đến giờ. Mẹ giữ yên cu Bon ở trong nhà, đừng để cháu nhìn thấy”. Nói xong, nó giao con cho tôi rồi ra cổng ngồi chờ công an đến bắt. Tôi như chết lặng, không nói được lời nào” - bà Hóa tâm sự.
Bị cáo Dương Văn Tuấn tại tòa. Ảnh: T.AN
VKS đề nghị chung thân, tòa tuyên tử hình
Tại tòa, Tuấn thừa nhận hành vi phạm tội. Tuấn khai bị cáo và cha vợ vốn có mối quan hệ rất tốt. Mọi chuyện chỉ xấu đi khi vợ chồng bị cáo thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã khiến chị Linh bỏ về nhà cha mẹ đẻ.
“Linh đi nhiều ngày không về, con thì còn nhỏ. Bị cáo thương con, muốn vợ về nhà với con nhưng cô ấy hứa miết, không chịu về. Bị cáo chỉ muốn nhờ cha vợ khuyên giải giúp nhưng lại bị chửi mắng rất nặng lời. Lúc đó bị cáo rất tức giận và không còn là con người nữa” - Tuấn trình bày.
“Cha vợ thì cũng như cha ruột, chuyện vợ chồng bị cáo mâu thuẫn đâu có liên quan đến ông Can. Vậy mà bị cáo ra tay tàn bạo như vậy. Hành vi của bị cáo đã mang lại đau thương, mất mát cho cả hai bên gia đình. Con bị cáo sau này sẽ nghĩ gì về cha mình? Vợ bị cáo phải đối mặt thế nào với họ hàng bên ngoại? May mà hôm đó bị cáo chỉ gặp mỗi ông Can, chứ gặp nhiều người thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra” - chủ tọa nghiêm giọng.
“Bị cáo rất hối hận. Bị cáo thật lòng xin lỗi gia đình vợ. Con xin lỗi cha mẹ, em xin lỗi anh chị. Mong mọi người hãy tha thứ để con có cơ hội được nhìn thấy con trai mình khôn lớn, trưởng thành” - Tuấn nói rồi bật khóc.
Tại tòa, gia đình bị hại đề nghị tòa xử nghiêm. Chị Linh nói nguyên nhân vợ chồng mâu thuẫn là do bị cáo thường xuyên ghen tuông. Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, chị này bỏ về nhà cha mẹ đẻ “do tâm lý hoảng loạn”, để con trai chưa tròn ba tuổi cho bà nội chăm sóc.
“Con còn nhỏ nhưng chị vẫn bỏ đi để con ở nhà chỉ vì mâu thuẫn với chồng. Từ đó đến nay mấy tháng rồi vẫn chưa có ý định đón con về chăm sóc. Trách nhiệm của một người mẹ ở đâu?” - đại diện VKS hỏi.
Chị Linh đáp: “Thưa, Tuấn không cho tôi gần con”.
Không hài lòng, vị này nói tiếp: “Đó là chuyện của hai vợ chồng. Ở đây tôi muốn nói đến cách ứng xử của chị. Chồng thì đi phụ hồ, mình là phụ nữ, là một người mẹ nhưng lại bỏ nhà đi, không quan tâm đến con. Chồng hay ghen nay lại càng có lý do để ghen tuông, chưa kể từ đó đến nay chị cũng không màng hỏi han đến con nhỏ”.
“Tôi biết mình có lỗi khi đi mà không nghĩ đến con” - chị này nói.
Đại diện VKS đề nghị mức án chung thân đối với Tuấn. Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo tử hình về tội giết người.
“Mong tòa giảm nhẹ chừng nào hay chừng đó” Nhiều người dân ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn tỏ vẻ ái ngại khi nhắc đến hoàn cảnh éo le của bà Hóa. Gia đình bà thuộc diện nghèo đặc biệt. Xưa đôi chân còn khỏe, bà vẫn thường mưu sinh ở bãi rác Khánh Sơn, giờ thì chỉ quanh quẩn ở nhà trông cháu và chăm người mẹ già ốm yếu. Bà Hóa có ba người con trai nhưng đều nay ốm mai đau, chỉ có Tuấn là khỏe mạnh thì nay lại rơi vào vòng lao lý. Năm ngoái, chồng bà dọn nhà đốt rác, không may làm cháy gần 6 ha rừng của dân trong xã nên bị tòa án tuyên phạt chín tháng tù. Thương vợ chồng bà sống tình nghĩa, hoàn cảnh khó khăn nên những người bị thiệt hại trong vụ cháy rừng đều xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt và không yêu cầu bồi thường. “Chúng tôi biết hoàn cảnh của ông ấy rất khó khăn. Cha đi tù chưa về thì lại đến lượt con. Lúc biết tin Tuấn gây tội, chúng tôi đều bất ngờ, phần vì mối quan hệ giữa Tuấn và cha vợ rất tốt, phần vì bình thường nó hiền, không thấy rượu chè gì. Mua ly cà phê cũng mang về nhà uống chứ không có lê la quán xá” - ông Trần Văn Xuân, hàng xóm của bà Hóa, chia sẻ. Anh bị cáo cho biết Tuấn đã có đơn kháng cáo xin tòa giảm nhẹ hình phạt. Gia đình hiện vẫn chưa dám nói chuyện của Tuấn cho cha biết vì sợ trong trại giam, ông không chịu nổi cú sốc này. Ông hỏi thì mọi người nói dối là Tuấn đi làm ở TP.HCM, cuối năm mới về… “Tuấn có tội thì phải chịu tội, chỉ mong tòa xem xét nhân thân, hoàn cảnh gia đình và nguyên cớ dẫn đến sự việc này để giảm nhẹ được chừng nào hay chừng đó. Chung thân cũng được vì ít ra tôi còn được trông thấy mặt em” - anh của Tuấn nghẹn giọng. |