Hai ngày qua, hầu hết các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đáng chú ý, điểm chuẩn tăng đều ở tất cả các ngành. Trong đó, tăng cao nhất vẫn là nhóm ngành y dược, bách khoa, quân sự.
30 điểm vẫn rớt đại học
Theo thống kê, gần như 95% các ngành đều tăng điểm chuẩn, có ngành tăng cực sốc với chênh lệch 7, 8 điểm.
Ở khối trường xã hội, điểm biến động nhiều nhất là khối C. Một số ngành như báo chí, khoa học quản lý, Đông phương học, quản trị du lịch ở hai trường ĐH KHXH&NV Hà Nội và TP.HCM đều trên ngưỡng 27 điểm, có ngành 28,75 điểm hay 29 điểm, tức một môn 9 điểm chưa chắc đậu ĐH.
Thậm chí, ngành vừa mở như Hàn Quốc học (ĐH KHXH&NV Hà Nội) điểm trúng tuyển lên đến 30 điểm.
Tại TP.HCM, ThS Trần Nam, Trưởng Phòng truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết ngành báo chí ở tổ hợp C00 có điểm chuẩn cao nhất với 27,5 điểm. Điểm chuẩn thấp nhất trong các ngành là 20 điểm.
Ngay với nhóm ngành đặc thù như sư phạm cũng gây bất ngờ khi điểm chuẩn tăng cao ở rất nhiều ngành, thậm chí cao nhất trong ba năm qua. Như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trung bình các ngành tăng từ 0,5 đến 2 điểm. Trong đó, ngành lấy điểm trúng tuyển cao nhất là sư phạm toán dạy bằng tiếng Anh - lấy 28 điểm đối với tổ hợp A0 và 27 điểm cho tổ hợp D1, tăng gần 2 điểm so với năm 2019 và tăng hơn 4 điểm so với năm 2018 (tùy tổ hợp).
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trong 19 ngành đào tạo giáo viên, ngành có điểm chuẩn cao nhất là sư phạm tiếng Anh với 26,5 điểm. Kế đến là sư phạm ngữ văn, sư phạm vật lý, sư phạm toán học và sư phạm hóa học là bốn ngành có mức điểm khá cao, trên 25 điểm.
Hay tại Trường ĐH Sài Gòn, sư phạm toán cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất ở nhóm ngành đào tạo giáo viên với 26,18 điểm. Kế đến là các ngành có mức điểm khá cao, trên 24 điểm như sư phạm tiếng Anh, sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm ngữ văn.
Nhóm ngành luật tại các trường cũng gây sốc cho dư luận khi nhiều ngành điểm tăng tách biệt hẳn 3-7 điểm so với năm 2019.
Như Trường ĐH Luật TP.HCM, điểm chuẩn các ngành của trường đều tăng đột biến. Bên cạnh ngôn ngữ Anh, ngành luật tăng 5,5-7 điểm, quản trị luật tăng 3-4 điểm, luật thương mại quốc tế tăng 3,5-6,5 điểm.
Khối trường đặc biệt về y dược, điểm nhiều ngành cũng chủ yếu trên 26 điểm. Như Trường ĐH Y Dược TP.HCM, dù đây là năm đầu tiên trường tăng học phí mạnh, gấp 3-4 lần mức cũ nhưng điểm chuẩn các ngành đều tăng cao. Trong đó, cao nhất vẫn là ngành y khoa với 28,45 điểm. Kế đến là răng hàm mặt với 28 điểm. Các ngành còn lại chủ yếu từ 21 đến 24 điểm.
Các khối trường về kỹ thuật, tự nhiên, đây cũng là năm ghi dấu với điểm chuẩn cao “khủng”. Trong đó, nhóm ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo giữ ưu thế nhất khi đạt từ trên 27 điểm.
Thí sinh trúng tuyển bắt đầu nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Ảnh: TTNT
Nhiều ngành kiệt quệ vì khó tuyển sinh
Các chuyên gia cho rằng điểm chuẩn năm nay cao hơn năm trước là nằm trong dự đoán của nhiều trường. Nguyên nhân dễ thấy là do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cao nên điểm chuẩn vào các trường cao. Dự báo xét tuyển đợt bổ sung sẽ sôi động hơn vì nhiều trường sẽ xét được thí sinh có mức điểm cao, chất lượng.
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết ông không thấy bất ngờ gì trước mức điểm chuẩn năm nay. Theo ông Điền, các ngành hot vẫn đang là xu hướng chung cho các thí sinh lựa chọn, do đó nhiều học sinh giỏi dồn về một số ngành.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn năm nay tăng cao trong dự đoán vì lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng rất lớn. Chỉ tiêu của trường hơn 5.000 em nhưng có đến gần 66.000 nguyện vọng đăng ký.
Tuy nhiên, một số ngành của trường năm nay tiếp tục vẫn không tuyển được dù điểm chuẩn rất thấp, chỉ bằng điểm sàn. Như ngành thiết kế thời trang chỉ có một thí sinh trúng tuyển. Các ngành khác như điện tử viễn thông (chất lượng cao Việt - Nhật), ngành môi trường (chất lượng cao).
Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, điểm chuẩn năm nay cũng có tăng nhưng chủ yếu tăng ở những ngành hot, trọng điểm của trường. Còn lại, nhiều ngành chỉ 15, 16 điểm.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của trường, điểm chuẩn năm nay có sự phân tầng rõ rệt theo nhu cầu thực tế của thí sinh. Như các ngành thuộc các trường có học phí thấp thường có điểm chuẩn cao hơn các trường ĐH có học phí cao. Các trường thuộc tốp trên có điểm chuẩn cao hơn các trường ĐH khác. Những trường ĐH xét học bạ nhiều sẽ có điểm chuẩn cao hơn so với các trường ĐH không xét hoặc xét học bạ ít.
Nhiều trường lấy điểm cao nhưng có thể sẽ phải tuyển bổ sung để đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh những ngành hot, có điểm cao, nhiều ngành bộc lộ rõ sự “yếu thế” khi quá ít thí sinh đăng ký.
Ông Sơn cho biết trước khi công bố điểm chuẩn, trường buộc phải dừng tuyển sinh hai ngành là khoa học thủy sản và công nghệ vật liệu. Lý do là cả hai ngành này hai năm nay khó tuyển dù nhu cầu nhiều. Năm nay, mỗi ngành chỉ có khoảng 30 nguyện vọng, ít hơn nhiều so với chỉ tiêu, trong khi hầu hết là nguyện vọng 3, 4.
Do đó, với những em trúng tuyển, trường sẽ vận động các em chuyển sang ngành khác học. Các giảng viên cũng sẽ chuyển dạy chuyên môn tương tự ở các ngành khác.
66,55% đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% chỉ tiêu trở lên Theo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), một số ngành có điểm chuẩn cao hoặc rất cao chủ yếu vì chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh đăng ký đông. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu đã dành một phần cho việc tuyển bằng các phương thức khác không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là gần 2,5 triệu, giảm 3,14% so với năm 2019. Tổng chỉ tiêu ĐH, cao đẳng sư phạm đến khi xét tuyển là 567.929. Theo kết quả xét tuyển ĐH đợt 1, có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 đơn vị (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh). Số liệu này phản ánh công tác tuyển sinh 2020 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả…, giảm được áp lực cho các đợt tuyển sinh bổ sung. Sau kết quả xét đợt 1, có khoảng 83 trường (chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non) chiếm tỉ lệ 26,95% các trường có tỉ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ ngày 15-10 cho đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 28-2-2021. |