Cảnh trong phim Vua bánh mì - Ảnh: ĐPCC
Ngày 5-10, HTV7 phát sóng bộ phim Bánh mì Ông Màu (80 tập, phát sóng lúc 19h55 thứ hai đến thứ năm trên HTV7).
Trước đó, nhiều khán giả cũng đã đi cùng bộ phim Vua bánh mì (80 tập, phát sóng lúc 20h từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần trên THVL1) qua 12 tập phim.
Khi bánh mì lên phim
Bánh mì Ông Màu tôn vinh bánh mì Việt thông qua câu chuyện của ông Màu - chủ tịch công ty bất động sản, từ bỏ sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao vì muốn thực hiện ước mơ của mẹ mình còn dang dở là phát triển chuỗi cửa hàng bánh mì Việt. Nhà sản xuất hi vọng qua bộ phim này sẽ góp phần quảng bá bánh mì Việt Nam.
Đạo diễn Nguyễn Quang Minh cho biết: "Bánh mì ngon cần hai yếu tố: nước xốt và nhân. Trong phim sẽ khai thác sâu vào hai yếu tố này. Trong đó, hai loại nhân là xíu mại trứng muối và ba rọi xốt tiêu đen". Những đặc tả về việc làm bánh mì trong phim chủ yếu là quay kỹ thuật làm nhân bánh và nước xốt.
Cảnh phim Vua bánh mì
Còn ở Vua bánh mì, sau những màn đánh ghen, những âm mưu hiểm độc của bà Khuê, vợ ông Đạt (chủ tiệm bánh Thành Đạt nổi tiếng) nhằm hãm hại cậu bé Hữu Nguyện - con trai ông Đạt và bà Dung - người làm công trong nhà, tập 7 bắt đầu có những màn phô diễn cách làm bánh của ông Đạt.
Đây là một phân đoạn quan trọng trong hành trình Hữu Nguyện làm quen với nghề bánh...
Vua bánh mì có kịch bản được mua từ bản quyền của Hàn Quốc. Bánh mì trong phim là loại bánh mì sản xuất trong nhà máy, mang yếu tố hiện đại. Tuy nhiên, đạo diễn Phương Điền cho biết anh chỉ lấy cốt truyện, còn "chuyện làm bánh phải thuần Việt Nam".
Chất Việt Nam ở đây là "nhân bánh", dù phim khai thác quy trình làm bánh công nghiệp: "Chúng tôi chỉnh sửa kịch bản gốc, đưa chi tiết bánh mì nhân thịt, rau tươi, các loại gia vị... của bánh mì tươi mà mọi người hay ăn sáng vào các cuộc thi làm bánh. Trong phiên bản gốc, các loại bánh chỉ đơn thuần là bánh ngọt".
Trước thắc mắc của một số khán giả vì đợi đến tập 7 mới có cảnh làm bánh, đạo diễn nói: "Bánh mì chỉ là cái cớ cho câu chuyện về những mâu thuẫn trong gia đình, hướng nghiệp giới trẻ. Con người nhân hậu làm bánh rất ngon. Con người cộc cằn chắc chắn mẻ bánh làm ra rất dở...".
Anh cũng cho biết ở những tập về sau, khi bà Dung mất tích, Hữu Nguyện đi tìm mẹ và trở thành học trò của thầy Phan - thầy giáo dạy làm bánh nổi tiếng, cũng là thầy cũ của cha anh thì cảnh làm bánh mới diễn ra nhiều hơn....
Cảnh trong phim Bánh mì Ông Màu - Ảnh: ĐPCC
Quảng bá ẩm thực Việt: bài toán khó?
Xem những hình ảnh làm bánh ở Vua bánh mì, có thể thấy Cao Minh Đạt (vai ông chủ tiệm bánh Thành Đạt) diễn cách làm bánh khá chuyên nghiệp. Để vào vai, Cao Minh Đạt và một số diễn viên đã phải đi học làm bánh tại công ty sản xuất bánh chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, bối cảnh quay phòng làm bánh trong phim Hàn hoành tráng, đẹp mắt, trong phim Việt thì khá đơn giản... Đạo diễn Phương Điền thừa nhận cảnh quay làm bánh không như ý muốn bởi nhiều lý do như kinh phí sản xuất, thiếu phim trường, phải xin quay trong nhà máy làm bánh chuyên nghiệp, giới hạn về thời gian.
Đạo diễn Nguyễn Quang Minh chia sẻ: "Tôi nghĩ làm bộ phim ẩm thực thuyết phục được khán giả không hề đơn giản. Vì thế trong Bánh mì Ông Màu, việc khai thác quanh bánh mì Việt cũng chỉ một phần. Phần còn lại, bộ phim muốn đề cập đến câu chuyện khởi nghiệp. Nếu có đam mê thì hãy theo đuổi đam mê của mình".
NSND Thanh Nam chia sẻ lý do tham gia dự án Bánh mì ông Màu
Một bộ phim về ẩm thực thành công góp phần vào việc quảng bá cho ẩm thực nói riêng và văn hóa của đất nước đó nói chung.
Nhìn đâu xa, đất nước Hàn Quốc đã làm rất tốt điều này. Hầu hết những bộ phim của xứ sở kim chi - cả phim nói về đề tài ẩm thực hay không có yếu tố này - đều cài cắm hình ảnh các món ăn của đất nước họ rất khéo.
Các nhân vật vui cũng ăn, buồn cũng ăn, sáng ăn, khuya ăn... Những cảnh quay đẹp lung linh khiến khán giả xem phim cũng muốn thử thưởng thức kim chi, kimbap, bánh gạo, mì tương đen, rượu soju, gà rán...
Trong khi đó, ẩm thực Việt được đánh giá là phong phú nhất thế giới lại chưa thể truyền bá được những nét tinh túy của văn hóa ẩm thực lên phim.
Biên kịch Hoàng Anh - người rất chú ý đến việc đưa ẩm thực lên phim - chia sẻ: "Làm phim ẩm thực không đơn giản bởi phải đầu tư về bối cảnh rất lớn. Như trong phim Gạo nếp gạo tẻ phần 2, chúng tôi phải dựng hẳn con hẻm bán đồ ăn vặt ở quận 8.
Ngoài ra, phần hậu kỳ phải chăm chút hơn về yếu tố chỉnh màu, sử dụng kỹ xảo thì mới lung linh được. Làm phim có yếu tố ẩm thực tốn nhiều tiền mà kinh phí phim Việt bao năm nay vẫn không thay đổi và vẫn cào bằng thể loại phim như nhau".
Hiếm hoi phim về ẩm thực
Nhìn lại, nếu trong cuộc sống ẩm thực Việt phong phú bao nhiêu thì trong phim truyền hình, số phim khai thác đề tài này lại hiếm hoi bấy nhiêu. 14 năm trước, Mùi ngò gai phát sóng trở thành bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên khai thác sâu về đề tài ẩm thực truyền thống Việt Nam thông qua món phở.
Gần đây, trong Cô Thắm về làng có cảnh nấu bánh tét, Gạo nếp gạo tẻ phần 1 khai thác những món ăn truyền thống gia đình Việt như bún đậu mắm tôm, thịt kho trứng, khổ qua dồn thịt... Phần 2 của Gạo nếp gạo tẻ cũng đã giới thiệu các món ăn vặt quen thuộc của người Sài Gòn lên phim như xôi, cháo, hủ tiếu, chè, bánh xèo...
TTO - Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết anh ngỡ ngàng khi bộ phim 'Chàng dâng cá, nàng ăn hoa' không được phát sóng trên HBO ở Việt Nam tối 10-11 như lịch trình đã quảng bá.
Xem thêm: mth.30621709060010202-man-teiv-nauht-iahp-hnab-mal-neyuhc-uam-gno-im-hnab-av-im-hnab-auv/nv.ertiout