Theo hãng thông tấn TASS ngày 6-10, ông Putin một lần nữa kêu gọi chấm dứt ngay các hành động công kích lẫn nhau, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc trò chuyện do Thủ tướng Armenia đề xướng.
Điện Kremlin cho biết sự leo thang xung đột ở Nagorno-Karabakh là trọng tâm của cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
“Họ tiếp tục thảo luận về sự leo thang của cuộc đối đầu vũ trang trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh, vốn đang gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho cả hai bên, bao gồm cả dân thường”- Điện Kremlin cho biết.
Một binh sĩ người Armenia bắn đạn pháo trong cuộc giao tranh với lực lượng của Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Ảnh: REUTERS
Các cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan bùng nổ dữ dội tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh vào ngày 27-9. Khu vực này từng bùng phát bạo lực vào mùa hè năm 2014, tháng 4-2016 và tháng 7-2020. Cả Armenia và Azerbaijan đều đã ban bố thiết quân luật và chuẩn bị phát động các cuộc tấn công. Hai bên cũng đã báo cáo số lượng thương vong, bao gồm cả dân thường.
Khu vực Nam Caucasus Nagorno-Karabakh từng là một phần của Azerbaijan trước khi Liên Xô tan rã, nhưng phần lớn dân chúng sinh sống ở đây là người gốc Armenia. Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia bùng phát vào tháng 2-1988 sau khi khu vực tự trị Nagorno-Karabakh tuyên bố rút khỏi Cộng hòa XHCN Xô viết Azerbaijan.
Vào những năm 1992-1994, căng thẳng bùng nổ thành hành động quân sự qui mô lớn để giành lại quyền kiểm soát vùng đất này cùng bảy vùng lãnh thổ liền kề sau khi Azerbaijan mất quyền kiểm soát chúng.
Các cuộc đàm phán về khu vực Nagorno-Karabakh đã diễn ra từ năm 1992 dưới sự điều hành của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), do ba đồng chủ tịch - Nga, Pháp và Mỹ dẫn đầu.