Xe đưa rước nhồi nhét học sinh khiến phụ huynh không hài lòng - Ảnh: VĂN BÌNH
Theo đánh giá tổng kết công tác tổ chức xe đưa rước học sinh được ngân sách thành phố trợ giá từ năm 2002 đến nay, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết dù đã đáp ứng nhu cầu của học sinh, nhưng sản lượng học sinh đi xe đưa rước chưa đáp ứng mục tiêu.
Năm 2013 số lượng học sinh đi xe đưa rước đạt đỉnh cao với 160.413 lượt, nhưng đến năm 2020 giảm gần 8 lần xuống còn 21.625 lượt học sinh.
Số lượng học sinh đi học bằng xe đưa rước giảm 8 lần từ năm 2013 đến năm 2020
Hoạt động đưa rước học sinh khó phát triển và chưa tạo được động lực cho các doanh nghiệp vận tải đầu tư và chưa thực sự mong muốn phát triển loại hình này.
Cụ thể là thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Lộ trình thực hiện là phấn đấu đến năm 2017 - 2018 đạt tối thiểu 5% số học sinh, sinh viên tham gia đi lại bằng xe đưa rước có trợ giá.
Năm 2018 - 2019 đạt tối thiểu 10% số học sinh tham gia đi lại bằng xe đưa rước có trợ giá. Năm 2019 - 2020 đạt tối thiểu 15% số học sinh tham gia đi lại bằng xe đưa rước có trợ giá.
Sơ đồ số trường có học sinh đi học bằng xe đưa rước giảm mạnh.
Giải trình với UBND TP.HCM về nguyên nhân lượng học sinh đi xe đưa rước giảm, Sở Giao thông vận tải TP cho biết: Do chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư phương tiện để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải thay đổi phương tiện mới nên không tạo sức hút và sự tin tưởng đối với nhà trường và phụ huynh học sinh.
Trong khi đó, xe đưa rước hầu hết là xe đã qua sử dụng, do thu nhập thấp nên doanh nghiệp vận tải không đủ kinh phí để đầu tư xe mới.
Phần lớn xe đời cũ phục vụ đưa rước học sinh tại trường THCS Võ Văn Tần, quận Tân Bình- Ảnh: VĂN BÌNH
Hai là, nhu cầu vận chuyển của học sinh đi học 4 lượt/ngày khá lớn nhưng hiện nay chỉ được trợ giá tối đa 2 lượt/ngày nên doanh nghiệp vận tải phải thỏa thuận tăng mức góp của phụ huynh.
Ba là, công tác phối hợp giữa các bên chưa thực sự gắn kết, công tác tổng hợp nhu cầu học sinh đi xe đưa rước của các cơ quan có liên quan chưa đúng theo thời gian qui định dẫn đến lập dự toán và ký kết hợp đồng không kịp tiến độ…
Trong cuộc họp mới đây về công tác đưa rước học sinh, Sở Giáo dục và đào tạo đề nghị đối với khu vực ngoại thành tiếp tục duy trì hoạt động xe đưa rước học sinh theo hình thức hợp đồng có trợ giá của thành phố.
Đối với khu vực nội thành, cần có chính sách miễn, giảm giá vé xe buýt công cộng cho học sinh, sinh viên, nhằm khuyến khích các em đi học bằng xe buýt để giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND TP giao cho sở tiếp tục rà soát, điều chỉnh, mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá nhằm kết nối lộ trình tuyến đi qua các trường học, tăng tần suất chạy xe nhằm phù hợp với giờ đi học của học sinh, sinh viên…