Tương tự như các phiên giao dịch trước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có sự giằng co với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu. Các cổ phiếu trụ cột có sự phân hóa mạnh đã tạo ra những đợt giằng co với nhịp tăng giảm đan xen nhau.
Các cổ phiếu có tác động mạnh nhất đến VN-Index và HNX-Index theo chiều tích cực gồm VIC, PLX, VCB, VHM, PVS hay THD. Trong đó, VIC tăng 0,5% lên 95.500 đồng/cp sau khi phần lớn thời gian giao dịch của phiên 16/9 ở dưới mốc tham chiếu, PLX tăng 2,6% lên 50.800 đồng/cp, VCB tăng 0,5% lên 82.900 đồng/cp.
Trong khi đó, áp lực lớn đến từ các cổ phiếu như BCM, SHB, VCS, VNM, BID, ACB… Trong đó, BCM giảm sâu 2,4% xuống 42.100 đồng/cp, VNM giảm 0,5% xuống 124.200 đồng/cp, còn VCS giảm 1% xuống 67.100 đồng/cp. Bên cạnh đó, SHB giảm 1,4% xuống 14.300 đồng/cp, đây cũng chính là nhân tố chủ chốt tạo áp lực khiến HNX-Index giảm điểm.
Tâm điểm của thị trường phiên 16/9 là nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng, trong đó ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng trần như TVA, L63, DID, VCX, ATB… Bên cạnh đó, các cổ phiếu có thanh khoản cao như G36, HBC, SDT, PXS, DPG, C4G… cũng đồng loạt tăng giá rất mạnh.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự phân hóa mạnh tiếp tục diễn ra, trong đó, các cổ phiếu như PWA, SGR, VCR, VPH, HAR… đều giảm sâu. Chốt phiên, PWA giảm đến 4,2% xuống 11.400 đồng/cp, VCR giảm 3% xuống 22.900 đồng/cp, VPH giảm 2,8% xuống 4.570 đồng/cp còn HAR giảm 1,9% xuống 3.610 đồng/cp.
Chiều ngược lại, rất nhiều cổ phiếu bất động sản khác vẫn duy trì được sự tích cực. ASM tăng trần lên 7.970 đồng/cp. OCH tăng 6,4% lên 10.000 đồng/cp. Mới đây, HĐQT OGC thông qua chủ trương chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu OCH qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Mục đích giao dịch nhằm tạo nguồn tiền thanh toán công nợ và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá chuyển nhượng không thấp hơn giá tham chiếu tại từng thời điểm chuyển nhượng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,21 điểm (0,14%) lên 897,47 điểm. Toàn sàn có 183 mã tăng, 198 mã giảm và 68 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,05%) xuống 127,87 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 78 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (0,34%) lên 59,76 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 5.897 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 354 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 993 tỷ đồng. Trong nhóm bất động sản chỉ có duy nhất một mã nằm trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường là ASM với 7,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng 203 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 165 tỷ đồng (giảm 54% so với phiên trước). Các cổ phiếu bất động sản như VHM, NBB, KBC, DXG hay CII đều nằm trong top 10 mã bị bán ròng mạnh nhất. Trong khi đó, VIC được mua ròng mạnh nhất với 36 tỷ đồng. VRE cũng được mua ròng 35 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng nhẹ trong phiên thứ tư liên tiếp với thanh khoản suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy, lực cầu mua lên đang suy yếu dần ở vùng giá hiện tại cũng như thận trọng trước phiên đáo hạn phái sinh. Trên góc nhìn kỹ thuật, với bốn phiên tăng liên tiếp nhưng chỉ số VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được ngưỡng kháng cự quan trọng quanh 900 điểm nên khả năng giảm trở lại tiếp tục được để ngỏ với hỗ trợ gần nhất quanh ngưỡng 885 điểm (MA20). Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 9 duy trì mức basis dương nhẹ 0,1 điểm so với chỉ số cơ sở VN30 trong bối cảnh chỉ còn một phiên nữa là đáo hạn.
SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ giảm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 885 điểm (MA20). Những nhà đầu tư đã bán ra một phần danh mục quanh ngưỡng 900 điểm có thể canh những nhịp hồi phục lên quanh ngưỡng 900 điểm (nếu có) để bán tiếp. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể cân nhắc mua bắt đáy một phần nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 885 điểm.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index sẽ tiếp tục tạm thời tích lũy và dao động đi ngang tại khu vực 890 - 900 điểm.
Về thị trường chứng khoán châu Á, tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng nhẹ còn Topix tăng 0,21%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,36% còn Shenzhen Component giảm 1,01%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,03%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,31%. Tại Australia, ASX 200 tăng 1,04%.
Xem thêm: lmth.0680126620061-hnam-aoh-nahp-nas-gnod-tab-ueihp-oc-oc-gnaig-naohk-gnuhc/nv.semitaer