Theo số liệu được Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, tính đến ngày 26/8, tín dụng tăng 4,23%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,16% của 8 tháng năm 2019.
Mặc dù, mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh và ngành Ngân hàng tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy, các doanh nghiệp cũng giảm quy mô sản xuất và hoãn kế hoạch đầu tư, khiến sức tiêu thụ vốn tín dụng cũng giảm theo. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng hết sức thận trọng trong việc thẩm định cho vay vào các phương án ẩn chứa nhiều rủi ro vì ảnh hưởng của dịch bệnh có thể tác động đến khả năng trả nợ của người vay vốn.
Tín dụng tăng chậm đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng khi đây vẫn là mảng kinh doanh chủ yếu của các nhà băng. Trong khi sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn vì dịch bệnh cũng đang đe dọa đến khả năng trả nợ và chất lượng tài sản ngân hàng trong thời gian tới. Vì vậy trong phần còn lại của năm, liệu cơ hội vượt qua khó khăn của hệ thống ngân hàng sẽ như thế nào?
Theo khảo sát của công ty chứng khoán KIS Vietnam, các ngân hàng đều có quan điểm tích cực hơn về sự hồi phục của sản xuất công nghiệp và nền kinh tế trong các quý tới nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hoạt động kinh tế dần trở lại trạng thái “bình thường mới” khi hết dịch đi cùng sự phục hồi của nhu cầu trong nước.
Trái ngược với dự đoán, hầu hết các ngân hàng đều tự tin cho rằng tỷ lệ nợ xấu sẽ không tăng mạnh trong nửa cuối năm 2020. Trong trường hợp kinh tế trở nên tiêu cực hơn do đại dịch, các NHTM đang chờ đợi NHNN sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong đợt dịch xảy ra lần hai này.
Cũng có một số ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng lợi nhuận khả quan so với mặt bằng chung. Theo KIS Vietnam, tăng trưởng tín dụng chủ yếu trong năm nay sẽ tập trung vào các phân khúc được cho là ít bị ảnh hưởng nhất, như mảng bán lẻ ở Viecombank, hay mở rộng khách hàng doanh nghiệp lớn ở MB…
Theo lãnh đạo Vietcombank, ngân hàng này đã hoàn thành gói tín dụng hỗ trợ cho người đi vay bị ảnh hưởng gián tiếp bởi Covid-19 vào tháng 6/2020 và sẽ kết thúc các gói cứu trợ còn lại cho người đi vay chịu ảnh hưởng trực tiếp vào tháng 9/2020. Ngân hàng cũng đang cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng đẩy mạnh phân khúc bán lẻ như cho vay mua nhà có thế chấp và hướng đến khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu.
Bên cạnh đó, lợi nhuận bất thường từ hợp đồng bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) độc quyền với FWD có thể sẽ được Vietcombank ghi nhận vào quý IV/2020. Theo một đại diện Vietcombank, hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng đã có khởi đầu thuận lợi trong quý II khi vượt KPI cam kết với đối tác bảo hiểm.
Trong khi đại diện MB cho biết, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đạt tới 8% trong 6 tháng đầu nhờ mảng khách hàng doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên trong dài hạn, MB vẫn hướng đến phân khúc bán lẻ để cải thiện NIM và thu nhập ngoài lãi.
Có thể nói nguồn vốn cung cấp cho nền kinh tế hiện nay vẫn dựa chính vào tín dụng ngân hàng. Điều may mắn là sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện tích cực trong mấy năm gần đây, vì thế các ngân hàng vẫn vững vàng trong cơn bão dịch Covid-19 và đang hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã tạo một điểm tựa vững chắc cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như việc NHNN duy trì thanh khoản của hệ thống ở mức tương đối dồi dào trong suốt thời gian qua đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm mạnh mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, việc NHNN kịp thời ban hành Thông tư 01 đã tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hiện dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang mở cửa nền kinh tế trở lại. Đó là cơ hội để doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu tín dụng vì thế cũng được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới. Không chỉ tín dụng, nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng cũng sẽ phục hồi khi hoạt động sản xuất vào guồng.
Hơn nữa, đại dịch Covid-19 còn là cơ hội cho ngành Ngân hàng thúc đẩy số hóa. Việc chuyển đổi số đã nở rộ trong các ngân hàng gần đây với sự gia tăng của giá trị giao dịch trên hệ thống số. Covid-19 bùng phát, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và sự hỗ trợ từ Chính phủ đã thúc đẩy sự chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực kinh doanh và tiêu dùng.
Trong dài hạn, làn sóng chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, giúp giảm chi phí quản lý và gia tăng hiệu quả hoạt động.
Xem thêm: lmth.6205145610061-noh-cas-iohk-es-gnah-nagn-hnaod-hnik/nv.semitaer