Chủ tịch Quốc Dân đảng (KMT) Giang Khải Thần dự Hội nghị công nghiệp phòng thủ Mỹ - Đài Loan và có bài phát biểu tối 5-10 - Ảnh: CNA
Hãng tin CNA của Đài Loan đưa tin Hội nghị công nghiệp phòng thủ Mỹ - Đài Loan đã được tổ chức từ tối 5-10. Sự kiện này kéo dài hai ngày 5 và 6-10. Trong ngày đầu tiên, chủ tịch Quốc Dân đảng Giang Khải Thần (Johnny Chiang) đã có bài phát biểu.
Ông Giang tin chắc việc xây dựng năng lực chiến đấu vững chắc để bảo vệ đảo Đài Loan sẽ khiến Bắc Kinh phải cân nhắc kỹ lưỡng hậu quả trước khi sử dụng vũ lực và theo ông đây cũng là hình thức "lấy sức mạnh để đổi hòa bình".
Hội đồng kinh doanh Mỹ - Đài Loan tổ chức hội nghị trên hằng năm, kể từ năm 2002. Năm nay, do tác động của đại dịch COVID-19, họ tổ chức hội nghị trực tuyến. Đây là lần đầu tiên chủ tịch Quốc Dân đảng phát biểu tại hội nghị này.
Hội đồng này cho biết các chủ đề được thảo luận kín gồm "hợp tác phòng thủ giữa Mỹ với Đài Loan, quá trình mua vũ khí phòng thủ, nhu cầu phòng thủ và an ninh của Đài Loan". Họ cũng hi vọng "tạo cơ hội để kết nối với những bên khác làm việc về các vấn đề phòng thủ và an ninh của Đài Loan".
Phó lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan, ông Trương Quán Quần (Chang Guan Chung) cũng dự hội nghị trên. Trong ngày đầu tiên, ông kêu gọi tăng cường hợp tác với Mỹ không chỉ trong các thương vụ vũ khí.
"Chúng tôi cũng nhấn mạnh nỗ lực chung trong việc huấn luyện, đánh giá năng lực, chia sẻ tình báo... Những thứ này cũng quan trọng như việc có được các vũ khí" - ông nói.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), dự kiến ông Trương sẽ nói cho phía Mỹ biết những vũ khí cần thiết và cấp bách nhất mà Đài Loan đang cần sau khi ghi nhận các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh gần hòn đảo này.
Một tiêm kích F-16V do Mỹ chế tạo xuất hiện ở thành phố Gia Nghĩa, Đài Loan đầu năm nay - Ảnh: AP
Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan gia tăng trong hai tháng qua kể từ lúc Washington cử 2 quan chức cấp cao - gồm Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach - tới thăm Đài Loan.
Bắc Kinh xem những chuyến thăm này là cực kỳ khiêu khích. Bắc Kinh đã điều hàng chục chiến đấu cơ đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, với ít nhất 37 máy bay băng qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan.
Theo báo SCMP, hội nghị công nghiệp phòng thủ trên là sự kiện giao lưu quân sự bán chính thức vốn được xem là rất quan trọng với Đài Loan. Đài Loan thường dùng dịp này để gửi Mỹ danh sách các vũ khí muốn mua.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và tuyên bố không loại trừ biện pháp vũ lực để thống nhất hòn đảo này. Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng có các hoạt động hợp tác với vùng lãnh thổ này, gồm cung cấp vũ khí trong nhiều năm qua.
Thời gian qua chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt 7 thương vụ lớn bán vũ khí cho Đài Loan trị giá tổng cộng khoảng 13,2 tỉ USD, trong đó có hàng chục tiêm kích F-16, xe tăng M1A2T Abrams, tên lửa phòng không vác vai Stinger, ngư lôi MK-48 Mod6.
TTO - Ngày 28-9, Đài Loan bày tỏ hài lòng và cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã nhảy vào hỗ trợ sau khi một tổ chức quốc tế đồng ý bỏ đi cách gọi các thành phố Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Xem thêm: mth.37015622160010202-naol-iad-ev-oab-ed-tahn-tot-ihk-uv-iaol-ev-nab-poh-naol-iad-ym/nv.ertiout