Giữa đại dịch, làn sóng M&A toàn cầu lập kỷ lục
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, các hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên toàn cầu trải qua một mùa hè sôi động nhất từ trước đến nay, với 10.893 thương vụ được ký kết, có tổng trị giá kỷ lục hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ.
Hoạt động M&A đáng chú ý nhất trong lĩnh vực công nghệ là thương vụ hãng chip Nvidia (Mỹ) mua lại hãng thiết kế chip ARM Holdings của Anh từ Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) với trị giá 40 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Build5nines |
Quí 3 sôi động nhất từ trước đến nay
Đã hơn sáu tháng trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, thế giới vẫn không chắc chắn về diễn biến tiếp theo của dịch bệnh chết chóc này. Nhưng điều đó không ngăn cản các doanh nghiệp tiến hành các thương vụ M&A có giá trị lớn.
Theo dữ liệu của Refinitiv, trong quí 3 vừa qua, có 36 thương vụ M&A lớn trên toàn cầu có giá trị từ 5 tỉ đô la Mỹ trở lên. Tổng giá trị của các thương vụ lớn này đạt 456 tỉ đô la. Cả số lượng và giá trị các thương vụ trên 5 tỉ đô la Mỹ đều lập kỷ lục trong quí 3. Trong quí vừa qua, nếu tính cả những thương vụ có giá trị nhỏ hơn, tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu đạt hơn 1.000 tỉ đô la, mức cao kỷ lục từ trước đến nay nếu xét theo quí 3 hằng năm.
Mức kỷ lục này đạt được nhờ các hoạt động M&A sôi động trong tháng 9, chủ yếu ở các lĩnh vực chống chọi dịch bệnh tốt như công nghệ và chăm sóc y tế khi các lãnh đạo doanh nghiệp tái định hình chiến lược kinh doanh để ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong tháng trước, giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu đạt 391 tỉ đô la, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tốc độ phục hồi các hoạt động M&A trong hai tháng 8 và 9 khiến chúng tôi phần nào bất ngờ. Đó là một quí 3 tuyệt vời nhất về khía cạnh phục hồi hoạt động M&A”, Dirk Albersmeier, đồng Giám đốc bộ phận M&A toàn cầu ở Ngân hàng JPMorgan Chase, nói.
Tại Mỹ, giá trị các thương vụ M&A trong quí 3 tăng gấp ba lần so với quí 2, lên mức 414 tỉ đô la. Mức tăng này ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương lần lượt là 21% và 67% lên 231 tỉ đô la và 274 tỉ đô la.
“Thị trường đang phục hồi nhanh chóng. Thật lạ lùng, triển vọng các hoạt động M&A giờ đây còn mạnh hơn cả trước thời kỳ dịch bệnh”, Peter Weinberg, đối tác sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Perella Weinberg Partners, bày tỏ.
Eric Schiele, đối tác ở hãng luật Kirkland & Ellis, cho rằng thị trường M&A im lìm trong phần lớn thời gian của quí 2, vì vậy, có rất nhiều kế hoạch M&A tồn đọng và cần thực hiện khi thế giới tái mở cửa.
“Có sự quan tâm lớn bất thường dành cho các công ty có chất lượng cao”, Alison Harding-Jones, Giám đốc bộ phận M&A phụ trách thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi ở Ngân hàng Citigroup, nói.
Trong khi đó, các công ty chịu tổn thương nặng nề bởi dịch bệnh cũng tận dụng các thương vụ M&A để có thể ‘lớn hơn, mạnh hơn và đa dạng hóa kinh doanh hơn và được bảo vệ tốt hơn’, theo nhận định của Alison Harding-Jones.
Guillermo Baygual, đồng Giám đốc bộ phận M&A phụ trách thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi ở Ngân hàng JPMorgan Chase, cho biết nhiều công ty nhận thấy rằng mức tăng trưởng sẽ hạn chế trong thời kỳ sắp tới và một loạt các điểm yếu của họ sẽ bộc lộ ra. Điều này khuyến khích làn sóng sáp nhập trong các ngành như ngân hàng, viễn thông và năng lượng.
Trong quí vừa qua, Tập đoàn Seven & i Holdings (Nhật Bản), chủ sở hữu chuỗi bán lẻ tiện lợi 7-Eleven đồng ý chi 21 tỉ đô la để thâu tóm chuỗi trạm xăng Speedway từ Công ty Marathon Petroleum (Mỹ). Trong khi đó, hồi tháng trước, hai ngân hàng ở Tây Ban Nha Bankia và CaixaBank đồng ý sáp nhập trong một thương vụ trị giá 5,1 tỉ đô la để tạo ra một ngân hàng lớn nhất nước.
“Quí 2 là quí bận rộn của các thị trường vốn, còn quí 3 là quí của các hoạt động M&A”, Patrick Ramsey, Giám đốc bộ phận M&A toàn cầu ở Ngân hàng Bank of America, nhận định.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các hoạt động M&A trong quí 3 không đủ bù đắp cho sự suy giảm trong nửa đầu năm nay khi các công ty tập trung duy trì hoạt động, thay vì tìm kiếm các thương vụ thâu tóm và sáp nhập. Trong chín tháng đầu năm, tổng giá trị các thương vụ M&A toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la, mức thấp nhất kể từ năm 2013.
Quí 3 chứng kiến 10.893 thương vụ vụ M&A được ký kết trên toàn cầu với tổng trị giá kỷ lục hơn 1.000 tỉ đô la. Ảnh: Medium |
Công nghệ và y tế là tâm điểm
Thương vụ M&A lớn nhất trong quí vừa qua diễn ra ở Trung Quốc hồi tháng 7 khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) nhất trí bán hầu hết tài sản đường ống cho Công ty mạng lưới đường ống dầu khí Trung Quốc (PipeChina) với giá 49 tỉ đô la.
Tuy nhiên, công nghệ và chăm sóc y tế mới là tâm điểm của thị trường M&A. Trong quí 3, các thương vụ M&A ở lĩnh vực công nghệ đạt giá trị kỷ lục từ trước đến nay, khoảng 226 tỉ đô la. Đáng chú ý nhất là thương vụ hãng chip Nvidia (Mỹ) mua lại hãng thiết kế chip Arm Holdings của Anh từ Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) với trị giá 40 tỉ đô la Mỹ.
Dirk Albersmeier, đồng Giám đốc bộ phận M&A toàn cầu ở Ngân hàng JPMorgan Chase, nói: “Qua cuộc khủng hoảng Covid-19, các công ty đa quốc gia nhận ra rằng không còn thời gian để chần chừ với công nghệ nữa và đây là thời điểm để tăng tốc và chuyển đổi hoạt động kinh doanh”.
Ngành dược phẩm cũng chứng kiến các thương vụ M&A đình đám trong quí vừa qua khi các ‘tay chơi’ lớn tìm cách thâm nhập sâu hơn nữa vào các liệu pháp điều trị các căn bệnh hiếm.
Trong tháng 8, Johnson & Johnson (Mỹ) đã ký kết thương vụ thâu tóm Công ty công nghệ sinh học Momenta Pharmaceuticals bằng tiền mặt với trị giá 6,5 tỉ đô la để củng cố danh mục liệu pháp điều trị các căn bệnh tự miễn (hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động và quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể).
Cũng trong tháng này, Sanofi (Pháp) nhất trí chi 3,4 tỉ đô la để mua hãng dược Principia Biopharma (Mỹ), đang tập trung phát triển các giải pháp điều trị bệnh đa xơ cứng và rối loạn miễn dịch.
Các công ty chăm sóc y tế khác cũng tìm cách củng cố sức mạnh trong đại dịch, chẳng hạn tại Mỹ, Công ty khám bệnh từ xa Teladoc Health nhất trí sáp nhập với Công ty công nghệ y tế Livongo trong một thương vụ có trí giá 18,5 tỉ đô la.
Hãng công nghệ y tế Siemens Healthineers ở Đức cũng đồng ý chi 16,4 tỉ đô la để thâu tóm Công ty Varian Medical (Mỹ), chuyên sản xuất phần mềm và các hệ thống xạ trị ung thư.
Tuy nhiên, thị trường M&A xuyên biên giới vẫn đang chịu tổn thương khi các căng thẳng thương mại gia tăng và đại dịch Covid-19 khơi dậy chủ nghĩa kinh tế dân tộc cũng như khiến các lãnh đạo doanh nghiệp không thể đi công tác nước ngoài.
Giá trị các thương vụ M&A xuyên biên giới trong quí 3 rơi về mức thấp nhất trong bảy năm qua dù có một số thương vụ lớn, chẳng hạn thương vụ Nvidia-Arm Holdings hay thương vụ Công ty Adevinta ở Na Uy chi 9,3 tỉ đô la mua lại mảng quảng cáo rao vặt của eBay (Mỹ).
Eric Schiele, đối tác ở hãng luật Kirkland & Ellis, cho biết các hạn chế đi lại khắp toàn cầu do dịch bệnh khiến các thương vụ xuyên biên giới khó đạt được kết quả hơn. Ông nói: “Bạn không thể lên máy bay là đi đến bất cứ nơi đâu”.
Theo Financial Times, Reuters
Xem thêm: lmth.cul-yk-pal-uac-naot-am-gnos-nal-hcid-iad-auig/980903/nv.semitnogiaseht.www