vĐồng tin tức tài chính 365

TPHCM cần 'cao tốc' để phát triển

2020-10-08 10:54

TPHCM cần 'cao tốc' để phát triển

TS. Võ Đình Trí (*)

(TBKTSG) - Là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam nhưng TPHCM như một chiếc ô tô có dung tích xi lanh lớn chạy trong khu vực đông dân cư.

TPHCM đang chịu áp lực rất lớn về hạ tầng, nhà ở, dịch vụ xã hội. Ảnh: THÀNH HOA

Ngày 3-10 vừa qua, Chính phủ đã thông qua Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Hy vọng đây là nền tảng để sớm tạo các cơ chế “cao tốc”(1) cho TPHCM phát triển. Tuy vậy, vấn đề cấp thiết trước mắt để TPHCM phát triển là có được cơ chế này trong việc quản lý ngân sách của chính mình.

Nội lực của TPHCM

Qua các số liệu thống kê, có thể thấy TPHCM không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, mà còn có vai trò quan trọng trong hiệu ứng dẫn dắt, lan tỏa. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố chiếm 22,27% GDP cả nước; đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước và thu ngân sách dự kiến của năm 2020 hơn cả 52 tỉnh thành từ cận dưới cộng lại. Những con số quá ấn tượng!

Nếu coi cân đối thu- chi của thành phố như bảng cân đối thu nhập của doanh nghiệp thì tỷ lệ điều tiết về trung ương được coi như thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, tỷ lệ điều tiết hay thuế suất phải giữ được sự khuyến khích để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Về dân số và lao động, thành phố này chiếm gần 1/10 dân số cả nước và năng suất lao động cao gần ba lần bình quân cả nước. Trung bình năm năm, thành phố tăng thêm khoảng 1 triệu lao động nhập cư vì sự năng động và cơ hội phát triển của mình.

Điều này được minh chứng rất rõ trong ưu thế thu hút lao động chất lượng cao so với các thành phố lớn khác. Chẳng hạn, lao động có chuyên môn cao có xu hướng dịch chuyển từ Hà Nội, Đà Nẵng vào TPHCM hơn là theo chiều ngược lại.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố năm 2019 là 7,86%, cao hơn mức tăng trưởng GDP của cả nước là 7,02%. Thu hút đầu tư xã hội qua đầu tư công dẫn đầu cả nước: cứ 1 đồng đầu tư công thì thu hút được 9 đồng đầu tư tư nhân và nước ngoài. Quan trọng nữa là thành phố thu hút được các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, tham gia vào công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về tổng thể, các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp ngày càng trở nên quan trọng đối với kinh tế của thành phố.

Nhưng TPHCM đang chạy chậm hơn rất nhiều so với dung tích xi lanh của mình. Với 9,2% dân số cả nước (và sẽ tiếp tục tăng) nhưng chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, TPHCM đang chịu áp lực rất lớn về hạ tầng, nhà ở, dịch vụ xã hội, và lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Không những thế, chi ngân sách của thành phố chỉ chiếm 5% tổng chi ngân sách cả nước, mà nguyên nhân nằm ở tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và thành phố: giai đoạn 2000-2003 thành phố được giữ lại 33% nhưng đến giai đoạn 2017-2020 chỉ còn 18%. Khi nguồn thu bị teo tóp thì nguồn lực để chi thường xuyên hay đầu tư phát triển không thể nào đáp ứng được nhu cầu.

Cơ chế “cao tốc” cho TPHCM trong thu - chi ngân sách

Nếu cha mẹ vẫn muốn tập trung quyền lực, có sự thiên vị giữa những đứa con và ráng giữ cho mình quyền ban phát thì sẽ luôn sợ đứa con giỏi giang nhất rời xa vòng ảnh hưởng của mình.

Hiện nay, có 16/63 tỉnh thành tự cân đối được thu - chi ngân sách và điều tiết ngân sách về trung ương. Trong số này, TPHCM là địa phương bị điều tiết nhiều nhất. Đối với các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, TPHCM phải nộp về trung ương đến 82%.

Theo Luật Ngân sách nhà nước 2015, các khoản thu của địa phương bị điều tiết về ngân sách trung ương được quy định tại khoản 2 điều 35, gồm phần lớn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10-7-2020, trong buổi làm việc với Thành ủy TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương đã ủng hộ việc xem xét tăng tỷ lệ giữ lại cho ngân sách TPHCM. Theo đó, đề xuất của thành phố là giữ lại 24% giai đoạn 2021-2025 và 28% cho giai đoạn 2026-2030.

Nhưng cứ theo phương án “xin - cho” để tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách cho thành phố thì dù có tăng tỷ lệ giữ lại lên 30% hay 50% thì cũng không giải phóng hết nội lực của thành phố, qua đó là sự tăng trưởng của đất nước. Vì nếu đúng theo ước tính, 1 đồng ngân sách để lại thành phố sẽ tạo ra sản phẩm gấp ba lần, thì nên để thành phố tự quyết ngân sách của mình.

Trong trường hợp giao tự chủ ngân sách cho TPHCM như cho chạy trên cao tốc, nhưng đồng thời yêu cầu có trách nhiệm như đóng lệ phí cao tốc, thì sẽ thực hiện như thế nào?

Nếu coi cân đối thu - chi của thành phố như bảng cân đối thu nhập của doanh nghiệp thì tỷ lệ điều tiết về trung ương được coi như thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, tỷ lệ điều tiết hay thuế suất phải giữ được sự khuyến khích để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Nếu phần điều tiết lớn hơn phần còn lại thì sẽ triệt tiêu động lực để phát triển. Còn nếu phần thu ngân sách trung ương hưởng 100% không đủ để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội thì xem xét lại danh mục các khoản thu này thông qua sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.

Nếu buộc trách nhiệm của phần bội thu ngân sách của thành phố với các địa phương kém phát triển khác, thì cần theo cách tiếp cận ưu tiên tái đầu tư cho bản thân thành phố trước, rồi sau đó hỗ trợ các địa phương có chọn lọc. Cụ thể, từ phần bội thu ngân sách, thành phố xây dựng các phương án tái đầu tư dựa trên các luận cứ khoa học rõ ràng, minh bạch.

Phần thặng dư sau đó sẽ được dùng để hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được, nhưng phải chọn lọc dựa trên phương án sử dụng khoản hỗ trợ hiệu quả, minh bạch, theo cách cho cần câu chứ không cho con cá.

Một đất nước với nhiều tỉnh, thành có điều kiện khác nhau cũng giống như một gia đình có nhiều con. Bậc làm cha mẹ như chính quyền trung ương cần tạo điều kiện để những đứa con khỏe mạnh, giỏi giang phát huy hết khả năng của mình, rồi từ đó sẽ giúp đỡ cho các anh, chị em khó khăn hơn.

Cùng với đó, cũng cần nghiêm khắc với những đứa con lười biếng, ỷ lại, để họ cố gắng phát triển nhất trong khả năng của mình. Nhưng nếu cha mẹ vẫn muốn tập trung quyền lực, có sự thiên vị giữa những đứa con và ráng giữ cho mình quyền ban phát thì sẽ luôn sợ đứa con giỏi giang nhất rời xa vòng ảnh hưởng của mình.

TPHCM với truyền thống năng động, dám nghĩ, dám làm, khi có được cơ chế tốt hơn về ngân sách, tổ chức chính quyền đô thị thì sẽ dễ dàng trở thành một trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của khu vực, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ hay giá trị gia tăng cao.

Sự phát triển của TPHCM không chỉ có hiệu ứng dẫn dắt lan tỏa đối với kinh tế vùng Đông Nam bộ, các vùng kinh tế lân cận, mà dĩ nhiên còn đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng bền vững của đất nước.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global

 

(1) Cao tốc ở đây hiểu theo nghĩa freeway, khác với highway

Xem thêm: lmth.neirt-tahp-ed-cot-oac-nac-mchpt/011903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“TPHCM cần 'cao tốc' để phát triển”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools