vĐồng tin tức tài chính 365

Tăng trưởng GDP: động lực nào trong quí cuối năm?

2020-10-08 10:54

Tăng trưởng GDP: động lực nào trong quí cuối năm?

Linh Trang

(TBKTSG) - Trong kịch bản dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay, tăng trưởng GDP trong quí 4 nhiều khả năng sẽ cao hơn ba quí đầu năm nhờ yếu tố mùa vụ và nỗ lực kích cầu của Chính phủ.

Ngành nông nghiệp vẫn đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Hồi phục chững lại do làn sóng Covid-19 thứ hai

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quí 3-2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của quí 3 trong vòng 10 năm trở lại đây. So với quí 2 khi nền kinh tế ở trạng thái đóng cửa trong ba tuần của tháng 4 thì các hoạt động kinh tế trong quí 3 đã khởi sắc trở lại dù mức độ hồi phục không thực sự cao do dịch bệnh quay trở lại một số tỉnh thành hồi cuối tháng 7. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quí 3 tăng 2,93% so với quí 2, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%, khu vực dịch vụ tăng 2,75%.

Với kết quả trên, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay tăng 2,12% (quí 1 tăng 3,68%; quí 2 tăng 0,39%; quí 3 tăng 2,62%). Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản không suy giảm nhiều (tăng 1,84%) so với trung bình năm năm gần đây (tăng 2,24%). Ngược lại, dưới tác động của dịch Covid-19, khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều (lần lượt chỉ bằng một phần ba và một phần năm mức tăng cùng kỳ năm 2019). 

Dưới góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng trong ba quí đầu năm nay chỉ tăng 0,86% trong khi tích lũy tài sản tăng 3,39%. Điều này cho thấy sự phục hồi vẫn đang được dẫn dắt ở phía cung nhiều hơn phía cầu. Ngoài ra, một điểm sáng đáng ghi nhận trong tăng trưởng GDP chín tháng là xuất siêu ở mức khá tích cực (ước tính 17 tỉ đô la Mỹ) nhờ xuất khẩu hàng hóa tăng 4,2% trong khi nhập khẩu hàng hóa giảm 0,8%.

Điểm nghẽn ở đâu?

Về tổng thể, mức tăng trưởng như trên dù thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng Việt Nam vẫn đang là một điểm sáng trên thế giới khi duy trì được mức tăng trưởng dương trong ba quí đầu năm.

Nút thắt chính hiện nay đối với tăng trưởng vẫn là đầu tư tư nhân thấp (thể hiện qua tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,09% tính đến ngày 30-9) trong khi tiêu dùng hộ gia đình ở trạng thái dè dặt (do thu nhập sụt giảm và tâm lý phòng thủ đề phòng dịch).

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng này, ngày 30-9-2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lần thứ ba có quyết định giảm lãi suất điều hành trong năm nay với biên độ giảm là 0,5 điểm phần trăm. Cụ thể, theo Quyết định số 1728/QĐ-NHNN, kể từ ngày 1-10-2020, lãi suất tái cấp vốn sẽ được giảm từ 4,5%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm.

Đối với trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (dưới sáu tháng), NHNN cũng có Quyết định số 1729/QĐ-NHNN quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm, còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng trở lên vẫn do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Đối với trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên, NHNN cũng ban hành Quyết định số 1730/QĐ-NHNN giảm mức lãi suất này từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế. Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khấu từ NHNN.

Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất. Trong khi đó, đối với trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng, lãi suất huy động thực tế của các ngân hàng thương mại trên thị trường tại các kỳ hạn này hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức đã dưới mức trần mới mà NHNN ban hành.

Về cơ bản, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, công ty này nhận định chính sách tài khóa nên đóng vay trò chính trong việc kích thích nền kinh tế. Ngoài ra, tăng trưởng GDP năm nay càng ở mức thấp sẽ càng tạo nhiều dư địa cho tăng trưởng trong năm sau với kỳ vọng thế giới sẽ sớm có vaccin phòng nhiễm Covid-19.

Về đầu tư công, thành tố này bắt đầu tăng tốc từ quí 2, đến quí 3 thì giữ vai trò đầu tàu nổi bật. Chín tháng đầu năm, trong khi vốn đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,8% (bằng một phần năm mức tăng cùng kỳ) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 2,5% (cùng kỳ tăng 8,4%) thì vốn đầu tư công tăng tới 13,4% (gấp 2,5 lần cùng kỳ).

Theo tính toán, dư địa giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước trong quí 4-2020 còn rất lớn (397.000 tỉ đồng). Theo kế hoạch, trong tháng 10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ chịu trách nhiệm triển khai ba dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam là các đoạn đường: Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Trong chín tháng đầu năm, Bộ GTVT cũng là đơn vị có mức giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước cao nhất trong số các bộ ngành với 14.268 tỉ đồng, bằng 60% kế hoạch năm và tăng 192% so với cùng kỳ. Với chủ trương đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là tại các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu, Bộ GTVT sẽ vẫn là đầu mối quan trọng trong việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong quí cuối năm.

Xem thêm: lmth.man-iouc-iuq-gnort-oan-cul-gnod-pdg-gnourt-gnat/211903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: vay

“Tăng trưởng GDP: động lực nào trong quí cuối năm?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools