vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế Việt Nam quí 3-2020: Thắp lên hy vọng đã thoát đáy

2020-10-08 10:54

Kinh tế Việt Nam quí 3-2020: Thắp lên hy vọng đã thoát đáy

TS. Trần Toàn Thắng - TS. Phạm Sỹ Thành (*)

(TBKTSG) - Đại dịch Covid-19 không để lại tác động nào nghiêm trọng cho Việt Nam về mặt y tế như nhiều quốc gia khác, nhưng kinh tế thì lại khác, nhất là trong quí 2-2020. Dù vậy, các chỉ số kinh tế “tươi sáng” hơn trong quí 3 đã thắp lên nhiều hy vọng cho Việt Nam.

Xuất khẩu dệt may gặp nhiều khó khăn do một số thị trường chưa kiểm soát được dịch bệnh. Ảnh: THÀNH HOA

Đã tăng trở lại, dù còn khiêm tốn

Tăng trưởng kinh tế (GDP) đã giảm từ 3,68% (so với cùng kỳ năm trước) trong quí 1 xuống 0,39% trong quí 2 rồi tăng lên 2,62% trong quí 3-2020, khiến tốc độ tăng trưởng chín tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,12%, mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua.

Các hoạt động kinh tế suy giảm chủ yếu do cầu trong nước và xuất khẩu chững lại. Khó khăn vẫn hiện hữu đầu tiên là triển vọng ngành công nghiệp kém lạc quan. Trong khu vực công nghiệp, tác động của đại dịch Covid-19 có sự khác biệt lớn giữa các lĩnh vực ngành. Công nghiệp chế biến, chế tạo - khu vực tạo động lực chính cho tăng trưởng, chỉ tăng 4,96% trong quí 2 (so với mức tăng 11,2% cùng kỳ năm 2019) và 3,86% trong quí 3 (so với mức tăng 11,68% cùng kỳ năm 2019). Một số ngành, lĩnh vực có diễn biến xấu đi so với kết quả quí 1 là dệt may, đồ gỗ, sản xuất đồ uống, khai thác than cốc và các sản phẩm dầu thô, sản xuất xe có động cơ và phương tiện vận tải.

Đối với các ngành như dệt may và da giày, thị trường xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng. Số liệu hoạt động cho thấy những khó khăn trong xuất khẩu bởi nhiều thị trường lớn hiện vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh khiến hoạt động thương mại gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, những quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng ảnh hưởng tới tâm lý, làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu.

Sản xuất hàng may mặc giảm 3,2% trong quí 3-2020 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng dệt may chín tháng đầu năm đã giảm 10,6% so với cùng kỳ, riêng quí 3 giảm 6,42%, tương đương mức giảm của quí 1 là 6,3%. Sản xuất hàng da giày giảm gần 3,2% trong quí 3-2020, xuất khẩu giảm 12,5% trong quí 3 và 8,6% trong chín tháng đầu năm 2020.

Trong quí 3, khu vực dịch vụ tiếp tục chịu tác động mạnh, phục hồi chậm. Lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục giảm tới 99% trong quí 3 so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở lại du lịch quốc tế. Du lịch nội địa dù bắt đầu có sự phục hồi nhanh kể từ đầu tháng 7 khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, nhưng đợt bùng phát dịch lần thứ 2 tại Đà Nẵng đã tiếp tục làm giảm số lượng khách du lịch nội địa trên 60% trong quí 3-2020 (riêng tháng 9 giảm tới 99,1%).

Doanh thu du lịch lữ hành chín tháng đầu năm giảm 56,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%). Dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục giảm mạnh (9,78%) trong quí 3, tính chung chín tháng đầu năm 2020 giảm 17%.

Dự kiến sự phục hồi của ngành dịch vụ, đặc biệt dịch vụ du lịch sẽ chậm hơn rất nhiều so với các ngành khác do yếu tố tâm lý và du lịch thường được đặt sau các nhu cầu chi tiêu khác trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mặc dù giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng có xu hướng tăng trong quí 3. FDI vào Việt Nam trong quí 3 mạnh hơn so với quí 2. Xu hướng tăng từ cuối tháng 4 cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Việt Nam - quốc gia khá thành công trong kiểm soát dịch Covid-19.

Nhờ đó, Việt Nam có thể tận dụng được quá trình tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu và nỗ lực đa dạng hóa rủi ro hiện nay của các công ty đa quốc gia. Nhưng cơ hội vẫn chưa quá rõ ràng do các điểm nghẽn dài hạn về thu hút FDI liên quan đến chất lượng lao động và chuỗi cung ứng nội địa. Thực tế thiếu hụt các chuyên gia nước ngoài trong giai đoạn dịch Covid-19 đã bộc lộ khá rõ về điểm nghẽn này.

Quí 3-2020, đầu tư từ khu vực tư nhân tiếp tục xu hướng giảm. Tốc độ tăng vốn đầu tư của khu vực này chỉ đạt 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, bằng 1/10 mức tăng tương ứng quí 3-2019. Trong chín tháng đầu năm 2020, gần 38.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong phục hồi tăng trưởng ngắn hạn, tiêu dùng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy phục hồi tiêu dùng còn khá thấp. Tiêu dùng của khu vực dân cư tăng nhẹ trong quí 3 sau khi giảm sâu vào quí 2. Tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng giảm xuống chỉ còn 0,86% trong chín tháng đầu năm 2020.

 

Doanh thu bán lẻ trong chín tháng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (chín tháng năm 2019 là 12,6%). Cơ cấu tiêu dùng cũng có sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng mua sắm hàng hóa thiết yếu.

Cán cân thương mại thặng dư mức kỷ lục (hơn 11 tỉ đô la Mỹ) trong quí 3-2020. Chín tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại thặng dư 16,99 tỉ đô la Mỹ.

Quí 3-2020, xuất khẩu bất ngờ tăng 11,1%, cao hơn cả mức tăng 10,72% của quí 3-2019. Mặc dù không có nhiều thay đổi về cơ cấu thị trường và dịch chuyển thị trường xuất khẩu, nhưng dịch Covid-19 cộng hưởng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn gây ra tác động đáng kể đến việc xuất khẩu sang các thị trường của Việt Nam.

Trong quí 3 xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh (tương ứng 19,7% và 14,4%), xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 6%. Ngược lại, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Asean, Nhật Bản, Hàn Quốc giảm (tương ứng 14,1%; 6,4% và 1,2%).

Xuất siêu cũng đóng góp một phần từ việc nhập khẩu giảm sút. Điều này gây lo ngại cho xuất khẩu của các quí sau do tỷ trọng lớn trong nhập khẩu là nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu. 

Khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước

Rất nhiều khó khăn trong quí 3 được dự báo vẫn tiếp tục tiếp diễn. Trước hết, sự phục hồi của thị trường xuất khẩu khó có thể nhanh trong thời gian tới do các nước vẫn tiếp tục đối mặt với làn sóng dịch bệnh, một số quốc gia đã phải áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát chặt chẽ như thời điểm quí 2.

Tiếp đến là đầu tư công - một động lực chủ yếu trong tăng trưởng vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế, mặc dù Chính phủ và các địa phương đã rất quyết tâm thúc đẩy lĩnh vực này, giải ngân đầu tư công chín tháng đầu năm 2020 mới đạt 303.000 tỉ đồng, tương đương 59,7% kế hoạch cả năm. Điều này cho thấy kỳ vọng cho tăng trưởng từ giải ngân đầu tư công là không dễ dàng.

Áp lực thâm hụt ngân sách sẽ lớn trong thời gian tới do giảm thu và tăng chi tiêu cho phòng chống dịch.

Sau cùng là sự phục hồi của các ngành nhìn chung vẫn chậm, do thị trường trong nước và quốc tế đều giảm. Ngành dịch vụ vẫn tiếp tục gặp khó khăn và tạo sức ép lớn lên thị trường việc làm. Đóng góp từ tăng trưởng của đầu tư tư nhân khó phục hồi do kỳ vọng kinh tế chưa sáng sủa. Số liệu thời gian qua cho thấy tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giảm 0,7%, tăng trưởng tín dụng cho xuất khẩu bằng một nửa cùng kỳ năm 2019, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp chỉ tăng 0,35%, dư nợ tín dụng nhiều ngành như thương mại, dịch vụ, du lịch, tiêu dùng đều giảm mạnh.

(*) Bài viết nằm trong báo cáo kinh tế vĩ mô do Tổ chức ActionAid quốc tế Việt Nam tài trợ.

Xem thêm: lmth.yad-taoht-ad-gnov-yh-nel-paht-0202-3-iuq-man-teiv-et-hnik/111903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế Việt Nam quí 3-2020: Thắp lên hy vọng đã thoát đáy”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools