Ông BÙI THANH TÙNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO:
Quan trọng là quản trị rủi ro
Ngay khi dịch bắt đầu xảy ra, KIDO đã có quyết định táo bạo là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để chủ động nguồn nguyên liệu, tránh hoạt động sản xuất - kinh doanh phải ngừng trệ... Thậm chí, từ tháng 3, DN đã mua luôn nguyên liệu cho quý III để bảo đảm công việc cho cán bộ - nhân viên, duy trì hoạt động. Bên cạnh việc gia tăng sản xuất, công ty đã tập trung hàng hóa về 15 kho trung chuyển, 450.000 điểm bán kênh đồ khô và 120.000 điểm bán kênh đồ lạnh để chủ động đưa hàng ra thị trường toàn quốc trong tình huống dịch bùng phát trên diện rộng. Kênh phân phối online cũng được đẩy mạnh; song song đó là chuyển dịch kênh bán hàng để phù hợp với nhu cầu mua hàng tại nhà hoặc gần nhà của đại đa số người tiêu dùng trong mùa dịch. Nhờ những giải pháp đó mà KIDO duy trì được doanh thu ở mức cao, lợi nhuận đạt gần 6.000 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Làm ăn trong thời kỳ nhiều biến động đòi hỏi DN không chỉ có kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh mà phải có kinh nghiệm quản trị rủi ro. Chẳng hạn, KIDO đưa ra nhiều giả định tình huống, xây dựng kịch bản xử lý cho từng tình huống để khi sự việc nào xảy ra cũng có giải pháp ứng phó ngay. Dĩ nhiên, những vấn đề đưa ra phải nằm trong tầm quản lý của DN để nắm bắt cơ hội để mạnh mẽ hơn, đi xa hơn.
Ông LƯ NGUYỄN XUÂN VŨ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên:
Đẩy mạnh thương mại điện tử đạt hiệu quả cao
Thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu nông sản gặp khó khăn dẫn đến lỗ vốn. Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa ổn định sản xuất như hiện tại, tôi cho rằng DN không chỉ tập trung "phòng" và "chống" mà phải rất thận trọng để hạn chế sự gián đoạn từ đầu vào đến đầu ra, nhằm tránh tình trạng không đủ hàng cung cấp. Xuân Nguyên có hơn 15.000 điểm bán hàng trên toàn quốc. Hiện tại, kinh doanh trên kênh thương mại điện tử đang phát triển mạnh nhưng nếu nhà sản xuất nào cũng đầu tư mạnh cho hệ thống thương mại điện tử, bán hàng online thì vô tình cạnh tranh với những nhà phân phối lớn nhỏ của mình. Vì vậy, rất mong các nhà phân phối lớn xây dựng, vận hành tốt trang thương mại điện tử để giúp DN bán hàng và giảm sự cạnh tranh trực tiếp giữa nhà sản xuất với nhà phân phối.
Với nhà nước, tôi xin đề xuất 2 từ khóa là "nhanh" và "chậm". Cụ thể là đẩy nhanh những gói hỗ trợ, đồng thời chậm lại kế hoạch kiểm tra DN, bởi từ đầu năm đến nay, các gói hỗ trợ đến tay DN rất chậm trong khi việc kiểm tra DN lại khá nhanh và nhiều. Bản thân công ty tôi đã phải tiếp đến 4 đoàn kiểm tra trong 9 tháng đầu năm. Cuối cùng, rất mong Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, không lơ là chủ quan để DN, người dân yên tâm.
Ông TRƯƠNG TIẾN DŨNG, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn:
Không để người lao động thiếu thốn
Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng tình hình chung, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ban giám đốc công ty quán triệt tinh thần không để cho người lao động thiếu thốn nên đã linh hoạt nhiều hình thức để tặng quà "của nhà sản xuất được" là cá khô, nước mắm... cho người lao động.
Ngoài ra, chúng tôi tăng cường truyền thông để người lao động hiểu và chia sẻ, đồng hành với ban lãnh đạo công ty vượt bão. Với khách hàng, chúng tôi cũng tích cực truyền thông để kết nối, nắm bắt nhu cầu của nhau và luôn trong tâm thế sẵn sàng đáp ứng đơn hàng mới. Có khách hàng nước ngoài yêu cầu làm khổ qua dồn thịt, cá lóc hấp bầu..., chúng tôi cũng nhận. Mục đích là làm sao sản phẩm đến người tiêu dùng nhiều hơn, thuận lợi hơn. Công ty cũng đã mở hơn 10 quầy thực phẩm tươi sống tại các siêu thị Co.opmart và hàng trăm quầy hàng tươi sống trong hệ thống SATRA Food.
Trong khi cộng đồng DN rất nỗ lực vượt bão, nắm bắt thời cơ để củng cố nội lực, tăng đầu tư, tạo đà vươn lên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, chúng tôi rất mong Chính phủ quan tâm và thấu hiểu DN nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn. DN đang khó trăm bề nên rất cần được chia sẻ bằng những hành động thiết thực như giảm giá điện, giá thuê đất, lãi suất ngân hàng...
Ông VÕ VĂN KHANG, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh:
Tiên phong tái cấu trúc và chuyển đổi số
Với thế mạnh cốt lõi là bất động sản, năm 2019, Hưng Thịnh chính thức chuyển đổi thành mô hình tập đoàn và tiến hành tái cấu trúc mô hình quản lý và chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và hệ sinh thái của mình bắt đầu từ đầu tư dự án, xây dựng, quảng bá, bán hàng và cuối cùng là chăm sóc khách hàng. Điều này đã giúp DN duy trì và phát huy được 2 thế mạnh quan trọng nhất để vượt qua đại dịch Covid-19. Đó là làm chủ và linh động trong lựa chọn sản phẩm, điều tiết tốc độ ra sản phẩm vào những thời điểm thích hợp của thị trường; tối ưu hóa chi phí để giảm giá thành, quản lý tập trung được toàn bộ nguồn lực của tập đoàn để tận dụng được thế mạnh riêng biệt của các công ty thành viên.
Cũng từ năm 2019, Hưng Thịnh đã tiến hành quá trình chuyển đổi số và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới vào các quy trình quản lý và kinh doanh của mình. Việc này đã giúp DN duy trì hoạt động một cách ổn định liên tục mà không hề bị gián đoạn trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới còn giúp làm tốt công tác truyền thông nội bộ; tính toán và phân tích đầu tư, chi phí tài chính một cách nhanh chóng và chính xác để ra quyết định, nhất là trong những thời điểm cần có quyết sách liên quan đến sự hỗ trợ tài chính, giảm giá, giãn kỳ thanh toán nhằm chia sẻ khó khăn cho khách hàng. Tất cả yếu tố trên đã giúp Hưng Thịnh tiếp tục phát triển ngay trong thời kỳ khó khăn nhất, doanh số không giảm, quy mô đầu tư tăng và không cắt giảm nhân sự mà còn gia tăng gần 8%.
Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG,Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh:
Phải xây dựng tinh thần "made by Vietnam"
Lâu nay chúng ta thường nói đến sản phẩm "made in Vietnam", người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, xuất khẩu hàng Việt Nam đi nhiều thị trường. Nhưng hiện nay, sản phẩm "made in Vietnam" đến từ các DN nước ngoài (FDI) quá nhiều, làm sao xây dựng được tinh thần "made by Vietnam", tức sản phẩm Việt được sản xuất từ DN Việt. Chúng ta có thể bắt đầu bằng liên kết tập hợp các DN lại với nhau tạo nguồn lực manh hơn. Hội DN cơ - điện đã có những DN hợp lực lại sản xuất dây chuyền sản xuất khẩu trang, găng tay y tế cung cấp cho các nhà máy sản xuất. Về lâu dài, hội sẽ kết nối với hội cao su nhựa, hội dây cáp điện, hội lương thực thực phẩm để tìm hiểu nhu cầu của nhau.
Chúng tôi nghiên cứu sản phẩm nội địa của Hàn Quốc thì thấy chính phủ Hàn Quốc có giải pháp cho DN trong nước sử dụng hàng nội địa bởi nếu không sử dụng F1 thì không có F2, F3 và càng về sau càng tốt hơn. Nhiệm vụ của nhà nước là làm sao sản phẩm F1 ra đời và đưa vào ứng dụng nhằm thúc đẩy các sản phẩm F2, F3, F4... ngày càng hoàn chỉnh hơn, chất lượng hơn.
Ông PHAN MINH THÔNG, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh:
Không cắt giảm các chương trình xã hội
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, Công ty CP Phúc Sinh vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho 400 nhân sự, không cắt lương, thưởng và các phúc lợi khác. Ngoài ra, DN tuyển dụng thêm 5% nhân sự để phục vụ phát triển. Từ nhiều năm qua, Phúc Sinh đã đồng hành với các chương trình xã hội như: xây nhà cho người khó khăn, tặng sách vở cho học sinh vùng sâu - vùng xa, hỗ trợ các trung tâm S.O.S... với quan điểm càng khó khăn càng phải giữ, thể hiện trách nhiệm của DN với cộng đồng.
Ngoài ra, DN vẫn tiếp tục tài trợ các dự án hỗ trợ nông dân canh tác bền vững để lấy chứng nhận quốc tế. Nhờ đó mà nông dân có kiến thức, kỹ thuật canh tác tốt để có nông sản sạch, bán được giá hơn, tăng thu nhập, sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ.
Thanh Nhân - Sơn Nhung - Ngọc Ánh ghi
Xem thêm: mth.22870100031010202-91-divoc-oab-touv-nit-ut/et-hnik/nv.moc.dln