Đơn cử như người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội…
Ngoài ra, một số người có đủ điều kiện nhưng vì lý do cá nhân không muốn đứng tên chủ sở hữu tài sản cũng có nhu cầu nhờ người khác đứng tên thay. Mặc dù pháp luật hiện hành không có quy định về việc nhờ đứng tên sở hữu bất động sản (BĐS) nhưng cũng không quy định cấm hành vi này.
Tuy nhiên, việc nhờ đứng tên tài sản có thể gây rủi ro cho cả hai bên.
Theo ThS Ngô Gia Hoàng (Khoa luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM), đối với người nhờ đứng tên sẽ có những rủi ro như không danh chính ngôn thuận có các quyền của chủ sở hữu, người sử dụng đối với BĐS đó. Ngoài ra, có khả năng người đứng tên giùm chiếm đoạt luôn nhà đất, không giao lại cho chủ sở hữu thật sự hoặc người này có thể lợi dụng quyền đứng tên tài sản để chuyển nhượng cho bên thứ ba.
Ngoài ra, trong quá trình này có thể phát sinh những sự kiện làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu, sử dụng BĐS. Ví dụ, người đứng tên qua đời, tài sản phải chia theo thừa kế; người đứng tên ly hôn hoặc vướng phải tranh chấp, kiện tụng, tài sản bị kê biên hoặc xử lý tài sản để trả nợ…
Về phía người đứng tên giùm cũng có thể gặp phải những rủi ro như phát sinh các khoản chi phí trong quá trình quản lý nhà, đất như nghĩa vụ nộp tiền thuế sử dụng đất, các khoản chi phí sửa chữa, bảo trì nhà ở… Trường hợp bàn giao cho chủ sở hữu thật sử dụng tài sản nhưng người này lại vi phạm pháp luật thì người đứng tên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có trường hợp người đứng tên giùm muốn chấm dứt việc đứng tên nhưng người kia không đồng ý…
Do không được pháp luật quy định và có nhiều rủi ro như trên nên việc xảy ra tranh chấp liên quan đến việc nhờ đứng tên tài sản là BĐS rất khó tránh. Giá trị tài sản lại cao nên thường nảy sinh mâu thuẫn về quyền lợi giữa hai bên chủ sở hữu thật và người đứng tên trên giấy tờ.
Trên thực tế, nhiều vụ khởi kiện, tranh chấp đã nảy sinh từ chính những người có mối quan hệ thân thích, ruột thịt chỉ vì việc thay mặt nhau đứng tên tài sản. Do đó, các chủ sở hữu BĐS cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng hình thức này trong giao dịch nhà, đất. Ngay cả người nhận đứng tên BĐS giùm người khác cũng phải lường trước được những trách nhiệm và phiền toái mà mình có thể phải đối mặt về sau.