Tiết lý thuyết của khóa học bếp trưởng điều hành tại Trường dạy nghề hướng nghiệp Á Âu (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: N.PHƯỢNG
Thời gian học ngắn, thực hành nhiều, tỉ lệ có việc làm cao là những ưu thế của các bậc học này.
Tiếp tục tuyển sinh
Ngày 3-10, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên với 50% chỉ tiêu. Hiện trường này đang nhận hồ sơ xét tuyển đợt hai đến cuối tháng 10-2020. Ông Phạm Đức Khiêm - hiệu trưởng - cho biết sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn, lượng thí sinh quan tâm đến trường nhiều hơn, trong đó có nhiều thí sinh không trúng tuyển ĐH.
"Những thí sinh trúng tuyển vào trường đã xác định học CĐ ngay từ đầu, không phải chờ trượt ĐH mới xét tuyển CĐ. Thực tế không ít thí sinh quá kỳ vọng vào ĐH mà chưa đánh giá đúng khả năng của mình. Trường cũng đã ký kết thỏa thuận công nhận chương trình đào tạo với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhằm mở đường cho sinh viên liên thông ĐH nếu có nhu cầu..." - ông Khiêm nói.
Tương tự, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cũng đã tuyển khoảng 70% chỉ tiêu, đang tiếp tục xét tuyển. Tuy nhiên, một số ngành ngừng tuyển do đã tuyển đủ chỉ tiêu. Đại diện trường này cho biết sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn, lượng thí sinh quan tâm đến trường tăng đột biến.
Ông Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM - cho hay nhiều thí sinh không trúng tuyển ĐH với điểm thi từ 16 đến trên 20 quan tâm đến trường. Trước đó, không ít thí sinh có điểm thi trên 20 đã trúng tuyển vào trường. Đây là những bạn xác định học CĐ, không chờ xét tuyển ĐH.
Ông Nguyễn Đình Minh - phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn - cho biết trường có 24 ngành đào tạo đủ các lĩnh vực từ công nghệ, sức khỏe, kỹ thuật đến kinh tế. Còn ông Trần Kim Tuyền - hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM - cho biết về nguyên tắc, trường nghề tuyển sinh quanh năm nếu đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng. Hiện trường đã tuyển được 80% chỉ tiêu, đang nhận hồ sơ tuyển số chỉ tiêu còn lại.
Ông Lê Lâm - hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - cũng cho biết trường tuyển sinh quanh năm.
TP.HCM có 567 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 52 trường CĐ, 65 trường trung cấp và 86 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh những trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, các trường còn lại vẫn tiếp tục tuyển sinh.
Hiện nhiều trường như CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn, CĐ Đại Việt, CĐ Kinh tế TP.HCM, CĐ Nghề TP.HCM, CĐ Bách Việt, CĐ Quốc tế TP.HCM, trung cấp Vạn Tường, trung cấp Bách khoa... vẫn đang tuyển sinh với lĩnh vực ngành nghề rất đa dạng.
Nhu cầu tuyển dụng cao
Theo các trường, thực tế cho thấy nhu cầu tuyển dụng người học CĐ, nghề rất lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của nhiều trường đào tạo chất lượng.
"Không ít thí sinh ngại học CĐ vì có vẻ không "oách", khó tìm việc làm và phải làm việc cực hơn ĐH. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động bậc CĐ rất cao. Đa số các trường đều mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, đào tạo và đánh giá một số học phần thực hành, hướng dẫn sinh viên thực tập nên người học hầu như được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.
Đó là chưa kể một số trường ký cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Thời gian học ngắn hơn ĐH, chi phí đầu tư ít hơn, đi làm sớm hơn, nếu có nhu cầu nâng cao kiến thức có thể học liên thông lên ĐH" - ông Lê Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Đức Khiêm, nhiều trường CĐ đào tạo ra không đủ cung cấp cho doanh nghiệp. "Chúng tôi chỉ có thể cung cấp đủ người cho những doanh nghiệp nằm trong hội đồng khoa học của khoa, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo một số học phần cho sinh viên tại công ty, cung cấp môi trường thực tập. Những thông báo tuyển dụng khác gửi về trường, chúng tôi không còn người để giới thiệu" - ông Khiêm nói.
Theo ông Nguyễn Đăng Lý, hiện Trường CĐ Quốc tế TP.HCM ký cam kết đảm bảo việc làm với một số ngành, tuy nhiên tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp vẫn là 100%, trong đó có nhiều sinh viên được tuyển dụng trước khi tốt nghiệp.
"Một số ngành có mức lương khởi điểm 8 - 9 triệu đồng, ngành xây dựng cao hơn một ít. Riêng ngành công nghệ thông tin có mức lương khởi điểm gần 20 triệu đồng/tháng" - ông Lý nói.
Tương tự, ông Trần Kim Tuyền cho biết hằng năm có khoảng 2.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp nhưng cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho những công ty có tham gia đào tạo với trường. Ông Nguyễn Xuân Toán - phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức - cho biết tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của trường trên 90%, trong đó 88% làm đúng chuyên môn...
Còn theo bà Phạm Quang Trang Thủy - hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Hùng Vương, "có những học sinh điểm học bạ 8, 9 xét tuyển vào trường, doanh nghiệp tham gia đào tạo và họ tuyển dụng ngay khi sinh viên tốt nghiệp, lương trung bình 12 - 13 triệu đồng/tháng...".
Có việc làm ngay khi thực tập
Ông Trương Quang Trung, phó hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng, cho biết thống kê những khóa gần đây cho thấy sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm ngay, trừ những bạn có nhu cầu học lên cao, mức lương khởi điểm tốt, cơ hội phát triển nghề nghiệp rất ổn.
"Đây là kết quả của việc nâng cao chất lượng từ việc doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng chương trình cũng như trực tiếp đào tạo, tiếp nhận thực tập. Để đảm bảo chất lượng cam kết với người học và doanh nghiệp, trường không mở rộng quy mô ngành nghề cũng như số lượng tuyển mới hằng năm, nhất là các ngành kỹ thuật. Chính điều này đã giúp nhiều bạn có việc làm ngay từ khi đi thực tập" - ông Trung nói.
Phải xác định ngay từ đầu
Sinh viên khoa dược Trường CĐ Viễn Đông trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trường CĐ Kinh tế đối ngoại là một trong những trường "khóa sổ" sớm nhất. Trường tuyển đủ chỉ tiêu trước khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn. Tuy không tuyển bổ sung nhưng ông Nguyễn Đức Minh - hiệu trưởng nhà trường - cho biết một số thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, mà chờ kết quả xét ĐH. Khi không trúng tuyển ĐH, thí sinh quay lại trường nhập học.
"Vì những thí sinh này điểm thi khá cao nên trường đã chấp nhận cho các em nhập học. Không ít thí sinh không trúng tuyển ĐH hỏi trường xét tuyển bổ sung nhưng trường đã tuyển đủ chỉ tiêu" - ông Minh nói.
Tương tự, Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn, CĐ kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Lý Tự Trọng, trung cấp nghề Hùng Vương... cũng đã "khóa sổ" tuyển sinh vì đã tuyển đủ chỉ tiêu. Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn - cho biết sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn, thí sinh dồn dập hỏi thông tin xét tuyển của trường nhưng không còn chỉ tiêu tuyển sinh.
"Năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT cao nên thí sinh kỳ vọng trúng tuyển ĐH, nhưng có lẽ các bạn chưa xác định đúng năng lực và mong muốn của mình. Nếu xác định đúng ngay từ đầu, các bạn hoàn toàn có thể trúng tuyển vào một trường CĐ, trường nghề đáp ứng được mong muốn của mình. Giờ các bạn phải làm lại từ đầu, tìm kiếm trường mới và có thể sẽ không phải là trường mình kỳ vọng được theo học" - bà Xuân nói.
TTO - Trái với nhiều định kiến cho rằng học sinh tham gia các chương trình giáo dục nghề nghiệp thường "thấp kém" hơn so với học đại học, không ít bạn trẻ đã và đang chứng tỏ năng lực cạnh tranh với lao động trên thế giới.
Xem thêm: mth.35964219080010202-mal-ceiv-ioh-oc-ueihn-oc-ehgn-coh/nv.ertiout