Đó là nhận định của ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương tại sự kiện "Meet the Experts – Hội ngộ Chuyên gia" lần thứ chín với chủ đề "Triển vọng thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam năm 2021" do Savills Hotels tổ chức diễn ra tại Tp.HCM.
Doanh nghiệp địa ốc trở lại đường đua
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, điểm sáng trong thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng 9 tháng đầu năm là giai đoạn cuối tháng 9/2020. Thời điểm này, đã thấy dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các Dự án Du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình như tại các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu... Đặc biệt, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng nghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trên cả nước.
Chẳng hạn, mới đây Tập đoàn Novaland tiếp tục giới thiệu đến khách hàng biệt thự biển và shophouse biển dự án NovaWorld Ho Tram tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí quy mô tới 1.000 ha và đang được xây dựng của đơn vị này. Cùng với đó là siêu dự án du lịch thành phố biển NovaWorld Phan Thiet với hàng nghìn sản phẩm secondhome đa dạng diện tích cũng đang được tung ra thị trường. Công trường dự án cũng đang được triển khai rầm rộ.
Một số dự án BĐS nghỉ dưỡng đang trở lại đường đua
Tương tự, tại Bình Thuận, dự kiến tháng 10/2020, Tập đoàn Nam Group cũng sẽ chính thức giới thiệu sản phẩm nhà phố thương mại trong Tổ hợp du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và thể thao Thanh Long Bay với quy mô hơn 90ha.
Còn tại Nha Trang, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang cũng chào thị trường các căn biệt thự Ocean Luxury Villa tại Bãi Dài. Dự án được xây dựng gồm 36 căn biệt thự nghỉ dưỡng, có giá lên tới 50 tỷ đồng/căn, trong đó căn cao nhất có giá gần 80 tỷ đồng.
Hay, Công ty Địa ốc Phú Long cũng đang "manh nha" thông tin một dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô 290 ha tại bãi Ông Lang (Phú Quốc) ra thị trường, với định hướng là khu nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa di sản.
Đánh giá về thị trường BĐS nghỉ dưỡng, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, năm 2021 được dự kiến sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức cho ngành BĐS nghỉ dưỡng và nguồn khách nội địa sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo của du lịch toàn cầu, bao gồm cả thị trường Việt Nam.
Mặt khác, đây cũng là một cơ hôi tốt vì Việt nam có nguồn khách nội địa lớn, chiếm 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019. Đối tượng khách nội địa, đặc biệt là thế hệ trẻ (millennial và Gen Z) ngày càng yêu thích xu hướng du lịch trải nghiệm. Nhu cầu đối với các mô hình sản phẩm như Resort cao cấp, nghỉ dưỡng nội đô (Staycation), Khách sạn chú trọng thiết kế, Resort chăm sóc sức khỏe, Khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B độc đáo hoặc nghỉ dưỡng cuối tuần không ngừng gia tăng.
BĐS nghỉ dưỡng bắt đầu quá trình phục hồi
Ông Mauro cho hay, hiện BĐS nghỉ dưỡng đang mở đầu cho quá trình hồi phục sau làn sóng Covid-19 thứ hai.
Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua. Một số Khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số. Việc tái bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng trong tháng 7 đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các Khách sạn phân khúc cao cấp trong Tháng Tám chỉ đạt dưới 20%, tương ứng mức sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tp.HCM ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, có niềm tin lớn BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ vì Việt Nam vẫn là quốc gia an toàn, kiểm soát dịch bệnh tốt. Ảnh: Hạ Vy
Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2020, giá phòng trung bình giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019, gây thiệt hại đáng kể cho hầu hết các Chủ sở hữu khách sạn. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp ứng phó với đại dịch hiệu quả của Chính Phủ, nhu cầu du lịch nội địa đang dần khôi phục trở lại. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng cho tháng 9 và tháng 10, mở đầu cho quá trình hồi phục sau làn sóng Covid-19 thứ hai.
Theo ông Mauro, kể cả khi đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại với một số quốc gia, chủ đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức từ thị trường khách quốc tế. Có thể sẽ có nhu cầu du lịch xuất ngoại từ nhóm khách cá nhân hoặc nhóm nhỏ, nhưng phần lớn du khách, đặc biệt là nhóm khách đoàn và khách gia đình sẽ cần thêm thời gian để đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại. Bên cạnh sự chững lại của mảng lưu trú, các lĩnh vực liên quan đến du lịch cũng bị ảnh hưởng, mang đến nhiều thử thách trong quá trình hồi phục, thậm chí khi nguồn cầu quay trở lại.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá ngành du lịch Việt Nam sẽ hồi phục nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn, khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ’, ông Mauro nhấn mạnh.
Còn theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, ảnh hưởng của 2 đợt dịch bệnh Covid 19 là cực kì nghiêm trọng. Tác động tiêu cực và ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ thống của thị trường BĐS Việt Nam. Trong đó nghiêm trọng nhất phải kể đến ngành BĐS du lịch – nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, dù trong phần lớn thời gian của giai đoạn đầu năm, cả nước phải gồng mình chống dịch Covid, phải giãn cách và ngừng các hoạt động kinh doanh nhưng thị trường hàng hóa BĐS Việt Nam vẫn ghi nhận những chỉ số đáng kể. Càng về cuối năm, thị trường càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Hạ Vy
Trí Thức Trẻ