Đài CNN ngày 8-10 dẫn thông tin từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho hay lỗ thủng tầng ozone trên Nam Cực đang bao phủ hầu hết diện tích lục địa này và là một trong những lỗ lớn nhất và sâu nhất từng được biết đến.
Lỗ thủng tầng ozone là hiện tượng xuất hiện theo mùa. Năm nay, lỗ thủng phía trên Nam Cực đã phát triển nhanh chóng từ giữa tháng 8 và đạt đỉnh hồi đầu tháng 10, với tổng diện tích khoảng 24 triệu km vuông - gấp hai lần diện tích nước Mỹ (hơn 9,8 triệu km vuông), và đang bao phủ gần như toàn bộ diện tích Nam Cực.
Lỗ thủng tầng ozone (màu xanh và tím) vào tháng 10-2020 đang bao phủ hầu hết Nam Cực. Ảnh: NASA
Năm 2019, lỗ thủng tầng ozone được ghi nhận nhỏ nhất sau ba thập kỷ, một phần nhờ vào nỗ lực giảm khí clo và brom trong khí quyển. Dữ liệu năm nay cho thấy thế giới cần phải tuân thủ Nghị định thư Montreal 1987 nghiêm túc hơn.
Theo WMO, việc áp dụng các thỏa thuận trong Nghị định thư Montreal 1987 sẽ giúp giảm phát thải các chất làm suy giảm tầng ozone và phục hồi lỗ thủng này. Nếu thực hiện tốt, đến năm 2060 tầng ozone có thể trở lại tình trạng như trước năm 1980.
Ozone là một phân tử bao gồm ba nguyên tử oxy. Lớp khí này nằm ở tầng bình lưu, cách vỏ trái đất khoảng 15-35 km, có tác dụng bảo vệ trái đất khỏi tia cực tím có hại từ mặt trời.
Trong một bầu không khí không bị ô nhiễm, chu kỳ sản xuất và phân hủy ozone tự nhiên sẽ ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, tác dụng từ các hóa chất chứa clo và brom do hoạt động của con người thải ra đã làm mất cân bằng quá trình này, dẫn đến tầng ozone bị thủng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các sinh vật trên Trái đất và tăng nguy cơ ung thư da ở con người.