Nobel Hòa bình năm 2020 được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới - Ảnh: CNN
Theo đài CNN, Chương trình Lương thực Thế giới - chương trình viện trợ lương thực của Liên Hiệp Quốc, và là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới giải quyết nạn đói - được trao giải Nobel Hòa bình vì "những nỗ lực chống lại nạn đói; những cống hiến cho hòa bình ở những khu vực tranh chấp và vì đã hành động để ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như vũ khí của chiến tranh và xung đột".
Phát ngôn viên WFP Tomson Phiri nói giải Nobel Hòa bình là vinh dự và là "một khoảng khắc đáng tự hào" đối với tổ chức của LHQ.
"Một trong những nét đẹp của các hoạt động của WFP là chúng tôi không chỉ cung cấp lương thực cho hôm nay và ngày mai, chúng tôi còn trang bị cho mọi người kiến thức, phương tiện để nuôi sống bản thân cho mai sau", Phiri nói.
Tổ chức được thành lập năm 1961 có trụ sở ở Rome, Ý cho biết họ giúp khoảng 97 triệu người ở khoảng 88 quốc gia mỗi năm trong bối cảnh cứ 9 người trên thế giới thì có 1 người không đủ ăn. Năm ngoái WFP đã phân phối 15 tỉ suất ăn cho người dân ở 88 quốc gia.
Con số thống kê tuy lớn nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu thực của người dân trên thế giới. Theo các chuyên gia, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong ba thập kỷ qua, nhưng mục tiêu xóa sổ nạn đói vào năm 2030 của LHQ có thể sẽ không đạt được.
"Nhu cầu đoàn kết quốc tế và hợp tác đa phương là điều rõ ràng hơn bao giờ hết", chủ tịch Berit Reiss-Andersen của Ủy ban Nobel Na Uy phát biểu. "Với giải thưởng năm nay, Ủy ban Nobel Na Uy muốn thế giới hướng mắt về phía hàng triệu người đang phải chịu đựng hoặc đối mặt với hiểm họa của nạn đói".
Bằng việc vinh danh WFP với giải Nobel Hòa bình 2020, Ủy ban Nobel Na Uy gửi thông điệp tới các chính phủ trên thế giới, kêu gọi không cắt giảm đóng góp tài chính cho các tổ chức nhân đạo quốc tế.
"Đây cũng là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế không cắt giảm đóng góp tài chính cho WFP. Theo suy nghĩ của tôi, đây là nghĩa vụ của các nước trên thế giới để đảm bảo mọi người không chết đói", chủ tịch Berit nói.
Giải thưởng trị giá khoảng 1,1 triệu USD sẽ được trao tại Oslo, thủ đô Na Uy vào ngày 10-12, ngày mất của người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel. Năm nay, lễ trao giải sẽ nhỏ gọn hơn mọi năm vì dịch COVID-19.
TTO - Một lần nữa, giải Nobel văn chương được trao cho một người Mỹ. Nếu năm 2016 là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ Bob Dylan thì năm nay, người được vinh danh là một nữ thi sĩ - bà Louise Glück.
Xem thêm: mth.38402806190010202-ioig-eht-cuht-gnoul-hnirt-gnouhc-ohc-oart-coud-hnib-aoh-lebon/nv.ertiout