Doanh nghiệp, người dân gửi nguyện vọng đến Đại hội Đảng TPHCM
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển hạ tầng giao thông kết nối, xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, phát triển phải bền vững, giảm ô nhiễm,... là những gửi gắm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đến Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới.
Hạ tầng giao thông chậm kết nối, nạn kẹt xe còn nhiều đã cản trở phát triển kinh tế TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Anh. |
Đại hội Đảng bộ là sự kiện chính trị trọng đại của TPHCM đang được người nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, dõi theo với niềm tin tưởng, kỳ vọng vào những định hướng, quyết sách mạnh dạn, sáng tạo, hiệu quả, đưa TPHCM ngày càng phát triển cao và bền vững. Trước thềm đại hội, TBKTSG Online trích dẫn một số ý kiến, những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, người dân dự kiến gửi đến Đại hội.
Ông Đặng Quốc Hùng, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận 1, Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi:
Cải cách hành chính TPHCM đang đi chậm hơn so với một số địa phương khác. Do đó, cần phải nâng cao chỉ số hành chính, chỉ số môi trường kinh doanh. Đề nghị giao cho MTTQ lấy ý kiến khảo sát sự hài lòng của người dân.
Về môi trường kinh doanh, cần nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ để giữ chân doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý là người bạn đồng hành của doanh nghiệp. Khi nhận hồ sơ phải giải thích cho doanh nghiệp để doanh nghiệp không mất thời gian đi lại nhiều lần; cần xây dựng tinh thần kiểm tra là để hỗ trợ, hoàn thiện cho doanh nghiệp chứ không phải chỉ để phạt.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Quận 9, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans:
Quy trình hành chính cần có áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) để hạn chế lãng phí nguồn năng lực, minh bạch hóa, trong sạch nền hành chính công. Khuyến khích năng lực đầu tư công nghệ 4.0, tập trung ngành có hàm lượng trí thức cao. Có giải pháp kết nối doanh nghiệp để tạo thành mạng lưới phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng gian, hàng giả, vi phạm
Nhóm chỉ số hoàn thiện thể chế hành chính, thực hiện có hiệu quả cơ chế 1 cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Chính quyền điện tử. Cần đổi mới tư duy cho cán bộ công chức, doanh nghiệp, nhân dân. Phát triển hạ tầng trên nền tảng số, số hóa, dữ liệu.
Nhóm chỉ số cần cải thiện ngay: đất đai, tính năng động, pháp lý và an ninh trật tự: công khai quỹ đất của Thành phố, quận. Đề nghị điều chỉnh sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn.
Cần xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển (Việt Nam chiếm 40% GDP – các nước khác chiếm 80% GDP). Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không nhận được hỗ trợ nhiều như doanh nghiệp tư nhân. Cho phép doanh ngiệp tư nhân tham gia vào một số nhóm mà nhà nước đang độc quyền...
Ông Nguyễn Kiên Cường, nguyên Trưởng bộ môn Công nghệ Thông tin, giảng viên Học viện Chính trị:
Nâng cao cải cách hành chính – mục 2.1.9 trong ứng dụng CNTT cải cách hành chính. Những gì chúng tôi dạy ở chương trình ứng dụng CNTT trong lãnh đạo quản lý hơn 25 năm trước, nay mới bắt đầu dần trở thành hiện thực, điều đó có nghĩa là sự chuyển biến quá chậm.
Trong đề án, câu chữ thể hiện chưa rõ về khả năng ứng dụng, quản lý công nghệ thông tin của nhân sự.
Hiện nay, cán bộ trẻ có trình độ CNTT nhưng lại thiếu tầm nhìn, cán bộ lớn tuổi có tầm nhìn lại thiếu trình độ về CNTT. Do đó, cần có quá trình đào tạo phù hợp. Cũng cần có những đồng chí tham mưu không trong cơ hữu để tư vấn hiệu quả về CNTT.
Đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Bà Lương Bạch Vân, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM:
Để tăng cường công tác đối ngoại nhân dân và công tác đối với người Việt Nam và nước ngoài:
- Cần phát huy vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tìm kiếm đối tác, hỗ trợ các doanh nghiệp ở nước ngoài kết nối với các doanh nghiệp trong nước, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm, phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam với nước ngoài, tạo điều kiện để các hội đoàn, các tổ chức quần chúng, kết nối chặt chẽ với thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn cầu, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.
GS.TS Đặng Lương Mô, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Gò Vấp, Cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM:
Về việc bảo vệ môi trường tại TPHCM, nhân dân đề nghị Thành phố cần phải có quan điểm rõ ràng về phát triển bền vững. Tại Chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2025, tầm nhìn 2030, cần bổ sung nội dung phân loại ô nhiễm môi trường và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, để từ đó có nhận định đúng đắn về mỗi loại ô nhiễm, như vậy mới có thể đề xuất được những giải pháp tối ưu cho vấn đề giảm ô nhiễm (trong 7 loại ô nhiễm môi trường, thì 4 loại sau đây không được nhắc tới trong dự thảo đề án: Ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm sóng (điện từ) và ô nhiễm ánh sáng). Cần thực hiện quyết liệt giải pháp xử lý nghiêm và kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, rồi mới tiến hành kiểm tra, xử lý.
Ông Nguyễn Văn Tốt, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3, phường 15, quận Bình Thạnh:
Hệ thống phương tiện giao thông công cộng trong thời gian qua triển khai thực hiện không hiệu quả, chưa thu hút đông đảo người dân sử dụng. Đề nghị cần có lộ trình thực hiện phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới, tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay phương tiện cá nhân.
Phát triển kinh tế phải bền vững, không ảnh hưởng môi trường,... Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Bà Hoàng Thị Lợi, Phó Ban tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBMTTQ Việt Nam quận 1:
Thực tế trong những năm qua, dân số thành phố phát triển, bên cạnh đó số người nhập cư vào làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và làm nghề tự do ngày càng tăng cao. Lượng tăng dân số nhập cư tăng cao nên nhu cầu về nhà ở cũng tăng cao. Dự báo nhu cầu về nhà ở cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Để giải quyết những vấn đề trên, trước hết, thành phố nên đưa Chương trình xây dựng nhà ở cho người dân thành phố thành một chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ tới. Hãy tạo điều kiện cho người dân “an cư”, chắc chắn người dân sẽ hết lòng với Đảng với chính quyền và lao động hết mình để xây dựng thành phố là đô thị thông minh, đúng là nơi đáng sống.
Thành phố nên đầu tư phân khúc nhà ở xã hội, bình dân cho công nhân, công chức, viên chức. Đề nghị thành phố nên tham khảo thêm Bình Dương, Singapore để xây dựng phù hợp.
- Muốn xây dựng nhà ở thì phải có quỹ đất và có thể nói hiện tại quỹ đất của Thành phố hầu như còn rất ít. Nhiều trường hợp cán bộ đảng viên ở các địa phương mắc sai phạm phải xử lý đều có liên quan đến đất đai. Đây là một điều rất đau xót vì mất cán bộ và mất đất trong khi người dân thiếu nhà để ở, nhất là các gia đình chính sách khó khăn. Song song đó, những sai phạm về đất đai làm gia tăng các vụ khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự.
- Đề nghị MTTQ tăng cường giám sát các dự án có liên quan đến đất đai. Đồng thời có các ý kiến phản biện xã hội những quy định có liên quan đến nhà đất; kiên quyết phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai để cho trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ thành phố ta vượt qua những tồn tại, xây dựng Thành phố ngày một văn minh, như trong chủ đề Đại hội đã nêu: “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo, xứng đáng với niềm tin của nhân dân…” trong tình hình hiện nay.
Bà Võ Thị Thu Cúc, Bí thư chi bộ khu phố Giãn Dân, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9:
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không chấp nhận bất kì sự chống lưng nào của chính phủ trong công cuộc cạnh tranh thị trường. Do đó, cần đổi mới khâu quản lý kinh doanh. Nên thống kê lại xem bao nhiêu công ty đang cổ phần hóa, bao giờ thì cổ phần hóa xong.
- Chương trình ô nhiễm môi trường: người dân Thành phố vẫn còn ý thức kém trong giữ gìn vệ sinh chung. Thành phố cần có quyết định mạnh tay hơn về xử phạt vi phạm: phạt nguội, số tiền phạt đủ lớn để răn đe, bổ sung hình thức phạt lao động công ích.
- Chương trình giảm ùn tắc tai nạn giao thông: hiện nay mật độ lưu thông quá cao, diện tích mặt đường thì quá nhỏ, ý thức tôn trọng luật giao thông đường bộ của một số người dân không cao, xe công cộng thì chưa đáp ứng. Đề xuất: hạn chế việc cấp cà vẹt xe, yêu cầu người đi mua xe phải có giấy phép lấy xe, có chỗ đậu xe, mỗi người chỉ nên có 1 xe ô tô/xe máy. Cấm lưu hành xe cũ đã hết hạn.
Tăng cường kiểm soát việc học, thi lấy bằng lái xe. Củng cố hệ thống giao thông công cộng (tài xế tuân thủ lộ trình, thái độ phục vụ tốt hơn, tăng cường bảng hướng dẫn lộ trình xe bus, lưu ý nạn cướp giựt móc túi).
Ông Nguyễn Phú Phương, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Nhà Bè:
Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM: Đề nghị bổ sung vào chương trình thứ 5 “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020 - 2030” thêm nội dung nền nông nghiệp đô thị vào chương trình để phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai của Thành phố.
Đề nghị bổ sung chương trình sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Thành phố hoặc chương trình nhận diện thương hiệu riêng của Thành phố. Ngoài ra, Thành phố cần nên quan tâm bổ sung các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đối với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận được các ưu đãi về chính sách, nguồn vốn, công nghệ tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Xem thêm: lmth.mchpt-gnad-ioh-iad-ned-gnov-neyugn-iug-nad-iougn-peihgn-hnaod/671903/nv.semitnogiaseht.www