Covid-19 đẩy nhanh sự chuyển dịch sang nền kinh tế ‘tài sản nhẹ’
Lê Linh
(TBKTSG Online) – Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhanh hơn sự chuyển dịch sang nền kinh tế nhẹ (light asset economy), nơi các doanh nghiệp được định giá dựa vào với các tài sản vô hình như thương hiệu, dữ liệu, các hoạt động nghiên cứu và phát triển, mạng lưới khách hàng trực tuyến, thay vì các tài sản hữu hình như máy móc sản xuất, cửa hàng trực tiếp.
Đại dịch Covid-19 tăng tốc sự chuyển dịch sang nền kinh tế ‘tài sản nhẹ’, vốn đã thể hiện từ lâu qua sự tăng trưởng của các nền tảng công lớn như Amazon. Ảnh: Bloomberg |
Doanh nghiệp ‘tài sản nhẹ’ được định giá cao
Nếu giới đầu tư muốn đặt cược vào sự phục hồi của thị trường buôn bán xe cũ trong năm nay, Công ty CarMax dường như là sự lựa chọn hợp lý vì đây là hãng kinh doanh xe cũ lớn nhất Mỹ với 200 cửa hàng với lịch sử lợi nhuận đáng tin cậy.
Thế nhưng thị trường chứng khoán lại có ý tưởng khác. Công ty Carvana, có trụ sở ở bang Arizona, chuyên buôn buôn bán xe đã qua sử dụng trên nền tảng trực tuyến, chỉ bán số xe bằng phân nửa do với doanh số của CarMax. Hơn nữa, công ty này vẫn đang thua lỗ. Tuy nhiên, giá trị thị trường của Carvana chỉ kém hơn một chút so với CarMax vào cuối năm 2019 và giờ đây đã tăng lên mức 37 tỉ đô la Mỹ, cao hơn gấp đôi so với đối thủ.
Mức tăng trưởng thần kỳ đó phản ánh một sự chuyển đổi rộng lớn hơn trong nền kinh tế Mỹ. Giá trị của các doanh nghiệp ngày càng được tạo ra nhiều hơn từ các nền tảng số hóa, phần mềm và các khoản đầu tư vô hình khác hơn là tài sản hữu hình và các mối quan hệ truyền thống.
Xu hướng này, vốn đã thể hiện từ lâu ở sự tăng trưởng của nền tảng công nghệ lớn như Google, Facebook và Amazon, tăng tốc trong năm nay khi dịch bệnh Covid-19 chuyển dịch các tương tác của con người từ trực diện sang không gian ảo.
Carvana đang đi theo bước chân của Amazon. Trang web của công ty này xử lý phần lớn quy trình giao dịch và bán xe. Mike Montani, nhà phân tích ở Công ty tư vấn đầu tư Evercore ISI, cho rằng Carvana sở hữu một trong nền tảng kinh doanh trực tuyến tốt nhất hiện nay.
Nền tảng này cung cấp thêm sự minh bạch, tiện lợi và tính an toàn trong thời kỳ dịch bệnh. Khách hàng có thể chọn hình thức được giao xe đến tận nhà hoặc đến nhận xe ở một ‘máy bán xe’ (một tòa tháp gương chứa xe nhiều tầng) của Carvana.
Sức hấp dẫn của mô hình tài sản nhẹ cũng giải thích phần nào mức định giá cao ngất ngưỡng của hãng xe điện Tesla. Phần lớn giá trị của Tesla nằm ở phần mềm hỗ trợ lái tự động. Phần mềm này ngốn rất nhiều ngân sách để phát triển nhưng chi phí cài đặt rất thấp, giúp tạo ra mức biên lợi nhuận béo bở.
Trong một báo cáo hồi tháng 5, các nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley cho biết gói cài đặt công nghệ lái tự động đầy đủ của Tesla (một tùy chọn mua thêm có trị giá 8.000 đô la khi mua xe của Tesla), có thể đóng góp 6% tổng doanh thu của Tesla nhưng gần 25% lợi nhuận gộp của công ty này vào năm 2025.
Giá trị tài sản vô hình lên ngôi
Trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, nhà kinh tế trưởng Jason Thomas ở Công ty quản lý tài sản Carlyle Group, cho biết công nghệ đã chắp cánh cho nhiều mô hình kinh doanh mới trong nhiều thập kỷ qua. Chẳng hạn, nhờ tận dụng sức mạnh của công nghệ, các ty kinh doanh dịch vụ taxi như Uber, Grab không cần sở hữu taxi và các công ty đặt phòng như Oyo Rooms, Airbnb không cần sở hữu khách sạn.
“Sự xuất hiện và tăng trưởng của các doanh nghiệp hoạt động dựa vào nền tảng trực tuyến cung cấp một bằng chứng rõ ràng rằng, trong thời đại số, giá trị doanh nghiệp đổ dồn vào các ý tưởng, hoạt động nghiên cứu và phát triển, nội dung, dữ liệu và vốn con người, hay còn gọi là tài sản vô hình, thay vì máy móc công nghiệp, nhà máy hay các tài sản hữu hữu khác”, Thomas viết.
Trong kỷ nguyên công nghiệp, nhà đầu tư thường tìm kiếm những công ty có cổ phiếu giao dịch với mức giá thấp hơn giá trị sổ sách của chúng (tổng tài sản trong bảng cân đối kế toán trừ đi nợ vay và các khoản nợ phải trả khác).
Ngày nay, phần lớn giá trị của các công ty đến từ các tài sản vô hình, thường không xuất hiện trong giá trị sổ sách của họ, chẳng hạn như tài sản sở hữu trí tuệ (bản quyền sáng chế, phần mềm, thương hiệu và mạng lưới người dùng).
Trong giai đoạn 1995-2018, tài sản vô hình tăng từ 68% lên 84% trong giá trị doanh nghiệp (bao gồm vốn cổ phần và nợ) của các công ty trong chỉ số S&P 500 ở Mỹ, theo ước tính của Thomas. Ông ước tính rằng trong 10 năm qua, 10% của các số công ty có chỉ số P/B (tỷ lệ giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) mang lại mức sinh lời cho giới đầu tư trung bình 18% mỗi năm, trong khi đó, 10% trong số công ty có chỉ số P/B thấp nhất chỉ mang lại mức sinh lời chưa đến 5%.
Thomas cho rằng các cơn suy thoái gây cú sốc cho các doanh nghiệp, buộc họ phải tái định hình mô hình kinh doanh. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm đóng băng thị trường tín dụng đối với bất động sản, hàng tồn kho và tiền lương của các công ty. Điều này thúc đẩy sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh dựa vào ‘tài sản nhẹ’, chẳng hạn như các công ty gọi xe.
Mức định giá của Carvana cao hơn gấp đôi so với đối thủ CarMax, công ty buôn bán xe cũ lớn nhất Mỹ với 200 cửa hàng, cho thấy giới đầu tư đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Carvana nhờ vào mô hình ‘tài sản nhẹ’. Ảnh: Laplanet |
‘Tài sản nhẹ’ giúp Walt Disney giảm tổn thương trong mùa dịch
Đại dịch Covid-19 đã ‘dạy’ cho các doanh nghiệp biết hoạt động mà không cần văn phòng và tiếp xúc với khách hàng trên không gian ảo thay vì trực diện. Vì vậy, họ có khả năng sẽ tiếp tục giảm chú trọng các tài sản hữu hình để ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu, thâu tóm khách hàng và quản lý dữ liệu, theo dự đoán của Thomas.
Sự phụ thuộc của hãng truyền thông giải trí Walt Disney vào các tài sản như khu nghỉ dưỡng, du thuyền, rạp phim...đã khiến doanh thu của hãng này bị sụt giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch. Nhưng giờ đây, Walt Disney đã có sự bù đắp từ một danh mục tài sản nhẹ, đó là sự tăng trưởng của mảng kinh doanh phát sóng trực tiếp (streaming) qua nền tảng trực tuyến bao gồm các dịch vụ Disney +, Hulu và ESPN + với 100 triệu dùng đã đăng ký thuê bao.
Mảng kinh doanh phát sóng trực tiếp giúp Walt Disney giảm sự phụ thuộc vào rạp phim, các giấy phép phát sóng và truyền hình cáp để truyền phát các nội dung đến khán giả.
Nó cũng cho phép Walt Disney cung cấp phim bom tấn mới ra mắt Mulan (Hoa Mộc Lan) cho khán giả thông qua dịch vụ Disney + khi nhiều rạp phim ở Mỹ đóng cửa trong thời kỳ dịch bệnh. Hồi tháng 1, thị trường định giá mảnh kinh doanh phát sóng trực tiếp của Walt Disney khoảng 108 tỉ đô la, theo các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays.
Con số này bằng phân nửa vốn hóa thị trường hiện tại của Netflix, một nền tảng chỉ chuyên dịch vụ phát sóng trực tiếp. Thị trường chứng khoán có thể đúng khi đánh giá cao triển vọng trong tương lai của các doanh nghiệp tài sản nhẹ nhưng điều này không có nghĩa là thị trường đã chọn đúng ai sẽ là người chiến thắng.
Mảng kinh doanh phát sóng trực tiếp của Walt Disney vẫn đang thua lỗ. Và Tesla, có mức định giá cao hơn mức định giá của Toyota và Volkswagen gộp lại, đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để chiếm lĩnh một thị trường xe điện với quy mô còn nhỏ.
Carvana cũng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt. CarMax đang phát triển mảng bán xe trực tuyến để bổ sung cho hoạt động kinh doanh ở các cửa hàng.
Nhà phân tích Mike Montani cho rằng mức định giá hiện nay của Carvana cho thấy giới đầu tư kỳ vọng công ty này sẽ trở thành doanh nghiệp buôn bán xe cũ lớn nhất Mỹ vào năm 2030. Nhưng Montani cho rằng để đạt được ngôi vị đó, Carvana cần phải đầu tư nhiều hơn cho các tài sản hữu hình, bao gồm các cửa hàng chăm sóc những vị khách vẫn muốn đến xem xe trực tiếp rồi mới quyết định mua. Ông nhận định rốt cục, các mô hình kinh doanh của Carvana và CarMax sẽ hội tụ lại với nhau.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.ehn-nas-iat-et-hnik-nen-gnas-hcid-neyuhc-us-hnahn-yad-91-divoc/742903/nv.semitnogiaseht.www