Việc Hải quân Mỹ đưa tàu khu trục USS John McCain vào biển Đông để tham gia diễn tập khiến Trung Quốc tức giận. Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, ngày 9-10 phía Trung Quốc lớn tiếng cho rằng Washington đã hành động mà “chưa xin phép” mình.
Ngày 9-10, người phát ngôn Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc, Đại tá Trương Nam Đông phản đối việc Mỹ đã đưa tàu USS John McCain tiến sát quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) mà không thông báo trước với Bắc Kinh.
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ ngay lập tức chấm dứt các hành vi khiêu khích như vậy, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế các hoạt động quân sự trên biển và trên không" - ông Trương viết trên WeChat.
Tàu khu trục (có khả năng mang tên lửa dẫn đường) USS John McCain của hải quân Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trước đó, trong cùng ngày 9-10, hãng tin Reuters cho hay tàu khu trục USS John McCain thuộc lớp Arleigh Burke (có khả năng mang tên lửa dẫn đường) đã tiến hành diễn tập "tự do hàng hải" trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tuyên bố cuộc diễn tập "chứng tỏ rằng vùng nước này (tức vùng biển ở quần đảo Hoàng Sa - PV) nằm ngoài khu vực mà Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền lãnh hải một cách hợp pháp".
Lặp lại luận điệu của chính quyền Bắc Kinh, ông Trương cáo buộc Mỹ thường xuyên cử tàu quân sự đến Biển Đông để phô trương sức mạnh, tăng cường hiện diện ở khu vực và xâm phạm cái gọi là "chủ quyền và lợi ích quốc gia" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Trương còn cho rằng hành động của Lầu Năm Góc gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực, là hành vi "khiêu khích quân sự và thể hiện chủ nghĩa bá quyền một cách trắng trợn".
Đại diện của quân đội Trung Quốc còn tuyên bố rằng lực lượng này sẽ tiến hành "mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia".
Theo truyền thông Trung Quốc, sau khi phát hiện hoạt động của tàu USS John McCain ở Biển Đông, quân đội nước này đã cử tàu và máy bay theo dõi chiếc tàu quân sự Mỹ.
Diễn biến này chỉ là một phần trong loạt các động thái đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Dựa vào cái gọi là "quyền lịch sử", Trung Quốc yêu sách phi pháp gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán quan điểm rằng Việt Nam có chủ quyền lâu đời và không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán ở nhiều khu vực trong Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
Hồi giữa tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chính thức bác bỏ các yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều nước đồng minh của Washington cũng công khai bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh.
Trong năm 2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường các hoạt động ở Biển Đông, chống lại việc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch COVID-19 để tăng cường gây hấn trong khu vực.