vĐồng tin tức tài chính 365

Xuất nhập khẩu chín tháng: nửa mừng nửa lo

2020-10-10 10:03

Xuất nhập khẩu chín tháng: nửa mừng nửa lo

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) - Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tụt dốc vì đại dịch Covid-19, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng nhờ những nỗ lực vượt bậc và cả may mắn, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nỗi lo và những kỳ vọng chưa trở thành hiện thực.

Tổng kim ngạch xuất khẩu chín tháng đã vượt qua ngưỡng 200 tỉ đô la, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Thắng lợi kép

Trước hết, các số liệu thống kê cho phép khẳng định rằng, sau những tháng quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 hồi đầu năm, xuất khẩu đã dần khôi phục trong ba tháng gần đây nhưng mức tăng rất mạnh, 18% trong tháng 9 là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, nhờ đạt 27,5 tỉ đô la Mỹ trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu chín tháng đã vượt qua ngưỡng 200 tỉ đô la, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Đây chắc chắn là mức tăng mà cả 29 quốc gia còn lại trong số 30 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới hiện nay khó có thể đạt được. Bởi lẽ, số liệu thống kê xuất khẩu của những quốc gia/vùng lãnh thổ trong nhóm này, tính đến giữa năm nay đã giảm 12,5%. Trong đó, có những quốc gia giảm hơn 20% như Pháp, Nga; Thụy Sỹ và Đài Loan chỉ tăng 0,7-1,7%...

Nỗ lực vượt bậc để biến EVFTA thành nguồn động lực tăng trưởng xuất khẩu thực sự, cũng như khôi phục các thị trường xuất khẩu khác để tránh rủi ro do quá tập trung xuất khẩu sang thị trường Mỹ có lẽ là điều cần được đặc biệt quan tâm hiện nay.

Trong điều kiện thương mại thế giới như hiện nay, đến cuối năm đà tăng này của Việt Nam có nhiều khả năng vẫn được duy trì, sẽ giúp chúng ta áp sát nhóm 20 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới.

Không chỉ vậy, thắng lợi quan trọng khác trong việc đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu nói trên là khu vực kinh tế trong nước đã có bước tiến vượt bậc khi mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn.

Đó là, trong khi xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên tục giảm tỷ trọng từ 69,5% trong tháng 9-2019 xuống 62,6% hiện nay, thì tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng từ 30,5% lên 37,4%. Còn tính theo số tuyệt đối thì con số tương ứng là giảm từ 133,4 tỉ đô la xuống 129,9 tỉ đô la và tăng từ 61,3 tỉ đô la lên 73 tỉ đô la.

Nói cách khác, tính đến thời điểm này, nhờ xuất khẩu tăng được 11,7 tỉ đô la, các doanh nghiệp trong nước không chỉ bù đắp 3,5 tỉ đô la giảm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn đóng góp toàn bộ 8,2 tỉ đô la tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này cũng có nghĩa là phần lợi nhuận do xuất khẩu mang lại dành cho người Việt đã tăng lên đáng kể.

Cuối cùng, thắng lợi cũng không kém phần quan trọng khác là, trong khi xuất khẩu tăng thì nhập khẩu lại giảm, nhưng không phải lo thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất; vì thế xuất siêu tăng, đạt kỷ lục chưa từng có. Cụ thể, tổng nhập khẩu chín tháng chỉ đạt gần 185,9 tỉ đô la, giảm nhẹ 0,8% nên xuất siêu đồng thời đạt hai kỷ lục: gần 17 tỉ đô la và 8,4%.

Thế nhưng, đó chỉ là những con số trên danh nghĩa, do giá cả giảm làm “co lại”; còn thực tế thì nhập khẩu lớn hơn nhiều. Các kết quả tính toán về nhập khẩu 18 mặt hàng có số liệu thống kê về lượng và giá trị trong “rổ hàng hóa nhập khẩu” chín tháng qua cho thấy, lượng hàng nhập khẩu đạt 115,4 triệu tấn, tăng đến 15,6% so với cùng kỳ. Còn về giá trị, nếu quy giá cùng kỳ năm 2019 thì đạt 45,6 tỉ đô la, tăng 5,4%, chứ không phải chỉ là 38,1 tỉ đô la và giảm 11,9% như các số liệu thống kê.

Những điều nói trên có nghĩa là, trong nhập khẩu nhóm hàng này, do giá giảm rất mạnh, Việt Nam được hưởng lợi tới gần 7,5 tỉ đô la, tương ứng với 19,6% kim ngạch nhập khẩu thực tế, lớn hơn gấp đôi so với khoản thiệt 3,1 tỉ đô la do giá giảm trong xuất khẩu nhóm hàng tương tự trong chín tháng qua.

Rõ ràng, trong điều kiện nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu lớn hơn gấp đôi so với xuất khẩu, đây là khoản lợi chúng ta mặc nhiên được hưởng do thị trường thế giới mang lại. Và do vậy, đây cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp kiềm chế lạm phát thành công.

Động lực mới chưa phát lộ, ám ảnh cũ càng lớn

Trong nhiều tháng qua, truyền thông liên tục đưa tin về những tác dụng to lớn của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Thậm chí cơ quan quản lý nhà nước về công thương mới đây còn khẳng định những con số ấn tượng về nguồn động lực xuất khẩu mới này.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê của hải quan lại không cho thấy điều đó. Bởi lẽ, trong tháng 8 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sang EU-28 đạt 3,77 tỉ đô la, chỉ “nhúc nhích” tăng so với 3,65 tỉ đô la cùng kỳ. Vì thế, tỷ trọng của thị trường này trong “rổ hàng hóa xuất khẩu” của Việt Nam giảm khá mạnh từ 14,1% xuống 13,6%. Còn trong tháng 9 vừa qua, nếu ước tính kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này của Chính phủ là đúng, thì con số này cũng chỉ là gần 3,77 tỉ đô la, nên vẫn chỉ chiếm 13,6%.

Như vậy, cho dù được kỳ vọng trở thành động lực mới trong điều kiện đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn chưa theo kịp xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung.

Bên cạnh đó, do xuất khẩu sang cả ba thị trường chủ yếu khác (ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các thị trường khác đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường ASEAN; vì thế thị trường Mỹ chính là nguồn động lực chủ yếu cho xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 9 và chín tháng vừa qua.

Bởi lẽ, thay vì 5,39 tỉ đô la trong tháng 9 và 44,6 tỉ đô la trong chín tháng cùng kỳ, hai con số này hiện nay tăng rất mạnh lên 7,8 tỉ đô la và 54,8 tỉ đô la, nên tỷ trọng của thị trường này trong “rổ hàng hóa xuất khẩu” của Việt Nam đã tăng rất mạnh từ 23,1% và 22,9% lên 28,4% và 27%.

Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng đã tăng trở lại nên cũng giữ vai trò động lực bổ sung cho xuất khẩu tháng 9 và chín tháng vừa qua.

Nếu như việc gia tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là điều đáng mừng, vì nó phần nào giúp giảm nhập siêu quá lớn với thị trường này từ nhiều thập kỷ qua; thì việc gia tăng quá mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, còn nhập khẩu lại “giậm chân tại chỗ”, dẫn tới xuất siêu tăng vọt từ 29,8 tỉ đô la trong chín tháng năm 2019 lên 44,3 tỉ đô la hiện nay, tỷ lệ xuất siêu cũng tăng “khủng” từ 315,6% lên 408,6%, rõ ràng là điều ngày càng đáng lo hơn.

Trong điều kiện như vậy, hoài nghi về việc nhập khẩu và nhập siêu quá lớn hàng công nghiệp chế biến từ thị trường Trung Quốc, dẫn đến gia tăng quá mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ rõ ràng là có cơ sở để tồn tại và rất có thể cáo buộc “Việt Nam thao túng tiền tệ” gần đây của các nhà chức trách Mỹ cũng liên quan đến thực trạng này.

Nói tóm lại, nỗ lực vượt bậc để biến EVFTA thành nguồn động lực tăng trưởng xuất khẩu thực sự, cũng như khôi phục các thị trường xuất khẩu khác để tránh rủi ro do quá tập trung xuất khẩu sang thị trường Mỹ có lẽ là điều cần được đặc biệt quan tâm hiện nay. 

Xem thêm: lmth.ol-aun-gnum-aun-gnaht-nihc-uahk-pahn-taux/411903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xuất nhập khẩu chín tháng: nửa mừng nửa lo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools