vĐồng tin tức tài chính 365

Cơ hội cho thương mại Việt Nam khi Mỹ dỡ bỏ 'Lệnh ở nhà'

2020-10-10 10:03

Cơ hội cho thương mại Việt Nam khi Mỹ dỡ bỏ 'Lệnh ở nhà'

Nguyễn Bảo Quốc

(TBKTSG) - Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nên khi người tiêu dùng Mỹ buộc phải ở nhà vì dịch Covid-19 và không còn tiền để mua sắm nữa, các nhà xuất khẩu của Việt Nam cũng phải “để hàng ở nhà”. Khi Lệnh ở nhà được Mỹ dỡ bỏ, hàng hóa Việt Nam cũng lập tức lên đường sang Mỹ.

Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) Nguồn: website TCIT.

Đầu tiên là thất nghiệp

Khi đại dịch Covid-19 lan đến Mỹ với hàng trăm ngàn ca nhiễm và khoảng chục ngàn ca tử vong, Tổng thống Donald Trump đã ban hành Luật Thời chiến để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trung tuần tháng 4-2020 hầu hết các bang lần lượt ban bố Lệnh ở nhà.

Các cửa hàng bán lẻ thuộc các mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa hàng loạt khắp các tiểu bang. Theo GlobalData Retail, khoảng 40% cửa hàng bán lẻ, tương đương hơn 200.000 cửa hàng đã đóng cửa mà phần lớn thuộc ngành may mặc.

Các công ty bán lẻ áo quần hàng đầu ở Mỹ đã phải cho gần 1 triệu nhân viên tạm thời nghỉ không lương (furlough) như Gap Inc. (80.000 nhân viên làm việc tại cửa hàng bán lẻ các thương hiệu Banana Republic, Old Navy, Gap); Macy (phần lớn trong tổng số 130.000 nhân viên); JC Penney (90.000), Kohl’s (85.000)... Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ hơn hai tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4 có khoảng 10 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tình trạng nghỉ không lương.

Rồi đến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu

Bức tranh ảm đạm trên đã ảnh hưởng đến sức mua và hành vi của người tiêu dùng Mỹ. Họ bị ảnh hưởng vì dịch (hạn chế đi lại, không còn tâm trí mua sắm do quá lo lắng về rủi ro cho sức khỏe và tính mạng), ảnh hưởng đến thu nhập do kinh tế lao đao hầu hết các lĩnh vực (bán lẻ, vận tải hàng không, du lịch, dầu mỏ, sản xuất, thương mại, dịch vụ, chứng khoán...) trong khi hàng tháng phải trả các khoản tiền nhà, tiền xe, bảo hiểm..., lo lắng bất an cho viễn cảnh kinh tế Mỹ có thể suy thoái dẫn đến mất việc làm, giảm thu nhập.

Từ đó mãi lực giảm mạnh. Chi tiêu trong tháng 4 giảm 12,9%. Người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng giảm chi tiêu dẫn đến các đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ khó có thể phục hồi nhanh trong một vài tháng tới. Họ sẽ bớt mua sắm áo quần, giày dép, đồ gỗ, đồ điện tử... - là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào thị trường lớn nhất này.

Và các nhà xuất khẩu vào Mỹ lao đao

Kinh tế Mỹ phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa vốn chiếm hơn hai phần ba GDP của quốc gia này. Theo Bloomberg Intelligence, doanh số bán lẻ sẽ sụt giảm 30% và đe dọa đến sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Với tình hình trên, các nhà bán lẻ ở Mỹ đã hủy nhiều đơn hàng từ các nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Lượng hàng Việt Nam xuất vào Mỹ trong tháng 5-2020 chỉ đạt khoảng 115.000 TEU, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái (120.000). Trong khi từ tháng 1 đến tháng 4 hàng xuất tăng trung bình 25-30%, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 5 đạt khoảng 4,9 tỉ đô la, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái (5,26 tỉ đô la).

Đơn hàng sụt giảm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà xuất khẩu, các nhà máy gia công, đến đời sống của hàng triệu công nhân, đến vận tải biển, chuỗi cung ứng...

Dỡ bỏ giãn cách, phục hồi kinh tế

Nhận định tình hình giãn cách kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, nên hầu hết các bang đã mạnh dạn và quyết đoán dỡ bỏ Lệnh ở nhà vào cuối tháng 5, bất chấp ít nhiều sự phản đối của truyền thông và xã hội. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cuối tháng 8, thu nhập cá nhân đã tăng sau hai tháng lao dốc.

Chi tiêu tăng 6,2% trong tháng 6 và 1,9% trong tháng 7. Khi các cửa hàng mở cửa lại, doanh số bán lẻ tháng 6 đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 6,8% so với tháng 5. Doanh số bán lẻ tháng 7 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ tăng 0,8% so với tháng 6 (nguồn: US Census Bureau’s Monthly Retail Trade Report).

Một động thái đáng chú ý khác của thị trường Mỹ trong tuần đầu tháng 9 là Home Depot tuyên bố sẽ không tổ chức đại giảm giá trong ngày Black Friday theo truyền thống, mà sẽ thay vào đó là gần hai tháng giảm giá từ đầu tháng 11 kéo dài đến tháng 12. Trước hết là để an toàn cho khách hàng trong mùa dịch và khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trong suốt mùa lễ hội. Mua sắm trực tuyến và đặc biệt qua app trên điện thoại sẽ được khuyến khích hơn với giá khuyến mãi hơn. Hình thức Black Friday mới này dường như đang dần trở thành xu hướng chung với các nhà bán lẻ khác.

Hàng xuất khẩu vào Mỹ khởi sắc

Nhập khẩu vào Mỹ đã tăng lại suốt ba tháng hè từ tháng 6 đến tháng 8. Đây cũng là mùa cao điểm hàng năm xuất hàng vào thị trường Mỹ. Theo PIERS (Dữ liệu thống kê xuất nhập khẩu vào thị trường Mỹ), hàng xuất khẩu từ châu Á vào Mỹ tăng từ 1,4 triệu TEU trong tháng 6 lên 1,69 triệu TEU trong tháng 7 và 1,86 triệu TEU trong tháng 8. Mặc dù tổng sản lượng xuất khẩu trong tám tháng đầu năm toàn châu Á vẫn giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, hàng xuất tháng 8 tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ, tám tháng đầu năm 2020 ước tính đạt được 46,7 tỉ đô la, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái (39,2 tỉ đô la).

Hàng xuất từ Việt Nam vào Mỹ đứng thứ hai về sản lượng container chỉ sau Trung Quốc. Hàng xuất tăng từ 127.000 TEU trong tháng 6 đến 172.000 TEU tháng 7 và 194.000 TEU tháng 8. Tổng sản lượng xuất khẩu trong tám tháng đầu năm 2020 là 1,2 triệu TEU, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái (990.000 TEU). Những mặt hàng xuất khẩu nằm trong tốp đầu (đồ gỗ, giày dép, may mặc, máy móc thiết bị điện tử, thủy sản...) đều phục hồi trở lại kể từ tháng 7.

Với chính sách dỡ bỏ giãn cách kịp thời và mở lại nền kinh tế của Chính phủ Mỹ, dù đang trong đại dịch, hàng xuất khẩu vào thị trường này đã và đang tăng trưởng tích cực trong mùa cao điểm (tháng 6 đến tháng 9). Tuy quí 4 cuối năm là mùa thấp điểm, nhưng với kế hoạch khuyến mãi và kích cầu mùa lễ hội dài ngày hơn so với mọi năm, các nhà bán lẻ vẫn đang tăng cường nhập hàng lấp đầy các kho. Đây là tín hiệu lạc quan cho hàng xuất vào Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong quí còn lại của năm 2020.

Bức tranh sáng cho ngành vận tải biển

Trước thương chiến Mỹ - Trung (2018), lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ (TEU) đã tăng trung bình 15% hàng năm kể từ năm 2015. Với cộng hưởng từ thương chiến, lượng hàng xuất vào Mỹ tăng vọt 36% (năm 2019). Và ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội dịch chuyển các chuỗi cung ứng đến Việt Nam là ngay từ năm 2021. Mặc dù còn đó những thử thách trong việc tiếp nhận cơ hội dịch chuyển, với những yếu tố tích cực nói trên, chúng ta có thể lạc quan một mùa bội thu cho hàng xuất vào thị trường Mỹ trong năm mới 2021.

Với bức tranh xuất khẩu lạc quan của Việt Nam nói chung, xuất khẩu vào thị trường Mỹ nói riêng, các hãng tàu container quốc tế cũng nhận định Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng. Những năm gần đây các tuyến vận tải trực tiếp đi Mỹ và châu Âu cập cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cảng Quốc tế Lạch Huyện (TC-HICT, Hải Phòng) ngày càng nhiều và nhộn nhịp. Từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn cho các hãng tàu vận tải container Việt Nam.

Thứ nhất, các tuyến vận tải nội địa kết nối các cảng Cái Mép - Thị Vải - TPHCM - Quy Nhơn - Đà nẵng - Hải Phòng sẽ tiềm năng hơn để khai thác.

Thứ hai, ngoài các tuyến dịch vụ trực tiếp tự khai thác, các hãng tàu ngoại vẫn có nhu cầu chỗ trên các tuyến trung chuyển (feeder) để kết nối hàng hóa xếp lên tàu mẹ của hãng tại các cảng trung chuyển trong khu vực như Singapore, Tanjung Pelepas (Malaysia) ở phía Nam và Yantian (Trung Quốc), Hồng Kông, Kaohsiung (Đài Loan), Pusan (Hàn Quốc) ở phía Bắc. Các hãng tàu nội có thể khai thác độc lập hay hợp tác cùng với các hãng tàu ngoại cho tuyến dịch vụ này.

Cuối cùng, một hình thức hợp tác linh hoạt nữa là các hãng tàu nội chia chỗ với hãng tàu ngoại cho tuyến dịch vụ kết hợp nội địa - trung chuyển trong đó hãng tàu nội khai thác tuyến nội địa và hãng tàu ngoại khai thác tuyến trung chuyển. Bức tranh vận tải biển Việt Nam cũng sẽ lạc quan và tươi sáng hơn đón nhận vận hội mới. 

Xem thêm: lmth.ahn-o-hnel-ob-od-ym-ihk-man-teiv-iam-gnouht-ohc-ioh-oc/511903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cơ hội cho thương mại Việt Nam khi Mỹ dỡ bỏ 'Lệnh ở nhà'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools