Ông Đinh Tiến Mậu năm 2016 - Ảnh: PHẠM CÔNG LUẬN
Ông Đinh Tiến Mậu - tác giả của nhiều bức ảnh nổi tiếng chụp chân dung nghệ sĩ miền Nam, chủ hiệu ảnh Viễn Kính nức tiếng một thời - vừa qua đời ngày 8-10 ở tuổi 85. Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà báo Phạm Công Luận về một chân dung đáng ghi nhớ của Sài Gòn xưa.
Trong suốt gần hai mươi năm, từ đầu thập niên 1960, luôn có vài người đi trên đường Phan Đình Phùng (sau 1975 là đường Nguyễn Đình Chiểu) dừng chân trước tiệm ảnh Viễn Kính, số 227 gần chợ Vườn Chuối, để ngắm ảnh trưng bày trước cửa tiệm.
Một bức ảnh sử dụng kỹ thuật ghép ảnh: Trong ảnh chỉ có 4 người nhưng được ông Đinh Tiến Mậu ghép khéo léo biến thành 7 người. Ông Mậu ngồi giữa. Chụp và xử lý ở tiệm ảnh King’s Photo đường Ngô Quyền, quận 5 - Tư liệu: Đinh Tiến Mậu
Đinh Tiến Mậu là hình mẫu của một nghệ nhân nhiếp ảnh cổ điển, lành nghề hiếm hoi còn lại trong thời đại của chúng ta. Một người thợ ảnh bình dị, bặt thiệp và tài năng của Sài Gòn hào hoa một thuở.
Nguyễn Vĩnh Nguyên (tác giả tập sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính)
Khác với các tiệm khác, ảnh trưng bày ở đây đều là ảnh các nghệ sĩ điện ảnh, ca nhạc hay sân khấu, và được phóng to cả mét.
Với cách đứng, dáng ngồi sang trọng, lộng lẫy, họ thu hút người xem. Nhiều người vì yêu thích vẻ đẹp đó đã chọn Viễn Kính làm nơi chụp chân dung hay ảnh gia đình, dù từ quận 1 chạy sang hay từ Phú Nhuận chạy ra.
Tiệm ảnh Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu là một trong hai tiệm ảnh chụp chân dung nghệ sĩ đẹp nhất ở Sài Gòn từ thập niên 1960, cùng với tiệm ảnh Bình Minh của đạo diễn Lê Dân trên đường Bùi Thị Xuân.
Sau này xuất hiện thêm nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Hanh chụp ảnh nghệ sĩ cũng rất đẹp, thiên về ảnh màu.
Ông Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935 tại làng Lai Xá, nay thuộc Hà Nội. Năm 1948 (13 tuổi), ông vào Sài Gòn học nghề ảnh ở tiệm ảnh Văn Vấn trên đường Duranton (nay là Bùi Thị Xuân, quận 1).
Từ trái qua: Ban hợp ca Thăng Long, ca sĩ Lệ Thu và ca sĩ Thanh Lan - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU
Trong suốt mười năm ở đó, ông học tất cả các khâu từ đơn giản nhất như vỗ ảnh, thay nước ảnh, phơi ảnh, vào bao, xách nước... theo kiểu nhìn thợ làm mà bắt chước, cho đến các kỹ thuật chụp ảnh, tráng phim, rửa ảnh, chấm sửa.
Năm 1958, ông thuê nhà mở tiệm riêng và mở đến tiệm thứ tư mới ổn định việc làm ăn. Trong đó, trụ lâu là tiệm King’s Photo ở 45 Ngô Quyền, Chợ Lớn trong sáu năm. Tiệm cuối cùng của ông lấy tên là Viễn Kính mở từ năm 1963, cho đến năm 2004 thì đóng cửa.
Tiệm ảnh Viễn Kính ghi dấu sự phát triển nghề ảnh của ông, tạo được uy tín trong lĩnh vực chụp ảnh chân dung nghệ sĩ. Các tên tuổi bậc nhất của miền Nam đều đã chụp ở studio của ông, từ Thái Thanh, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Thanh Lan, Út Trà Ôn, Hùng Cường...
Ảnh nghệ sĩ do ông chụp được sử dụng rộng khắp trên các bìa báo, bìa dĩa hát, băng, lịch sách, bìa tờ nhạc... Sau năm 1975, ông làm phóng viên ảnh tại báo Tuổi Trẻ rồi báo Khăn Quàng Đỏ cho đến khi nghỉ hưu năm 1985, tiếp tục chụp ảnh ở nhà.
Ông Đinh Tiến Mậu soạn bộ ảnh nghệ sĩ để triển lãm ảnh tại Đường sách TP.HCM năm 2016 - Ảnh: P.C.LUẬN
Hành nghề nhiếp ảnh dịch vụ, từng là phóng viên ảnh, di sản tinh thần để lại của ông Đinh Tiến Mậu chính là bộ ảnh chân dung nghệ sĩ miền Nam. Các chân dung ông chụp luôn có thần thái, thể hiện góc cạnh đẹp nhất, tiêu biểu nhất, giữ được vẻ tự nhiên dù đa số chụp trong studio, dưới ánh sáng mấy ngọn đèn sáng rực.
Ông tự làm kỹ thuật buồng tối, với bài bản tráng rửa giữ nước ảnh đen trắng còn bền sắc qua thời gian. Có lẽ lúc cầm máy lên chụp ảnh là lúc ông phiêu lãng nhất, chứ bản tính ông thật sự cẩn thận, chặt chẽ, nghiêm cẩn dù luôn tươi cười và lịch sự.
Những lần tôi đến thăm, ông luôn ân cần, vui vẻ. Có bệnh ông cũng phớt lờ, luôn giữ khách lại để nói chuyện. Lúc còn khỏe, tiếp khách trên lầu ba, không bao giờ ông cho khách cầm khay ấm chén trà lên mà luôn tự tay đưa lên qua mấy tầng lầu.
Người nhà cho biết sau khi từ bệnh viện về vài ngày trước khi mất, ông vẫn còn cười đùa với vợ con, để rồi mất lặng lẽ trong khi ngủ vào sáng ngày 8 tháng 10.
Ảnh chụp Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Thái Thanh - ba trong số những bức chân dung đẹp nhất của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu
Tiệm ảnh Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu nằm trong số 32 hiệu ảnh của người Lai Xá mở ra tại Sài Gòn từ thập niên 1930 trở về sau này, đến năm 2016 vẫn còn hoạt động 9 hiệu ảnh, theo con số thống kê được.
Là người con được quý trọng của làng Lai Xá - ngôi làng chuyên theo nghề nhiếp ảnh, cách nay vài năm ông Đinh Tiến Mậu đã tặng Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá một vật quý dùng để đóng dấu thương hiệu, đó là cái dập dấu nổi tên tiệm.
Cái dập dấu nổi này có lần đã dập chữ "Viễn Kính" lên 4.000 - 5.000 tấm ảnh chân dung của một nghệ sĩ mà ông đặt tên là Teleobjective len.
TTO - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu qua đời trưa 8-10 ở tuổi 85. Ông là chủ hiệu ảnh Viễn Kính nức tiếng Sài Gòn xưa và cũng là phóng viên ảnh thời kỳ đầu của báo Tuổi Trẻ.