Kiếm tiền nhiều vậy trách nhiệm họ đến đâu? Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
Làm chuyện dị kiếm tiền
Cái tên Hưng Vlog gắn với video có nội dung bày cách trộm tiền trong heo đất vừa bị xử phạt 10 triệu đồng. Ngày 5-9, anh này cũng đã đăng tải video nấu một nồi cháo với con gà để nguyên lông. Các kênh YouTube với những clip bày chuyện quái dị, nhảm nhí, phản giáo dục, trái thuần phong mỹ tục kiểu này vẫn "sống khỏe" mấy năm nay.
Hình ảnh nấu cháo với gia cầm để nguyên lông đã được nhiều kênh YouTube như H.B, T.B từng làm và từng bị cộng đồng lên án. Đáng bị chỉ trích nhất là kênh Q.L đã nấu cháo bồ câu nguyên lông cho một nhóm bạn người châu Phi kèm theo lời giải thích: "Kiểu này là nấu giống Việt Nam nha!". Lời giải thích này có thể khiến người nước ngoài xem video hiểu sai về ẩm thực Việt.
Kênh T.M cũng từng gây tranh cãi khi dùng thịt một loài chim quý để làm video và những lần bày cách ăn uống mất vệ sinh. Những clip bày vẽ chuyện nhảm xấu xuất hiện ngày càng nhiều. Chủ các kênh này bất chấp mọi góp ý, phê bình, họ chỉ cần triệu lượt view và kiếm tiền. Đáng lo là nhiều người trong số này đang được xem như "thần tượng" của người xem độ tuổi học trò.
Nhiều người dù thích hay không thích những clip này cũng chia sẻ mạng... để mọi người cùng có ý kiến, vô tình làm cho những video này được lan truyền nhanh chóng hơn. Nhiều video kiểu này cổ xúy hành vi xấu cho trẻ, nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật.
Các kênh này liên tục xuất hiện đầu danh sách tìm kiếm. Trong khi những kênh giáo dục hữu ích, giải trí lành mạnh không dễ trở nên nổi bật. Những YouTuber với những video "xàm", thiếu tính giáo dục đang làm mất đi giá trị hay sự đúng đắn của công việc này. Mức phạt còn thấp so với khoản lợi các chủ kênh có được từ việc đưa tin nhảm nhí, giật gân.
YouTuber hưởng lợi lớn từ người xem, họ phải có trách nhiệm tương xứng trong từng nội dung hình ảnh được đăng tải. Ngược lại, cần phạt nghiêm.
Bạn đọc MINH KHÔI
Được tiền rồi, trách nhiệm ở đâu?
Chọn cách đưa nội dung phản cảm, làm clip giật gân, rùng rợn, đó là cách đi tắt kiếm tiền nhanh của nhiều YouTuber.
Họ không cần sáng tạo nhiều, chỉ cần "học tập" từ người đi trước. Nội dung cũng thường sao chép, rập khuôn. Điển hình nhất là các clip troll (chơi khăm nhau) thường na ná. Mấy năm trước trò troll giả khủng bố đánh bom vừa xuất hiện ở nước ngoài đã có một nhóm thanh niên tại Hà Nội làm theo ngay.
Nhóm 5 thanh niên đã dàn dựng, thuê diễn viên quay clip giả khủng bố quăng bom dọa người dân ở nơi công cộng. Clip nhanh chóng được chia sẻ, kết quả trò troll này là cả nhóm được cơ quan chức năng triệu tập.
Một YouTuber vừa bị phạt 2 lần trong tháng vì đăng clip nhảm nhí, phản cảm chỉ là một ví dụ cho hiện tượng kiếm tiền bất chấp văn hóa, pháp luật, đạo lý... Có người mang cả những người thân, kể cả cha mẹ làm trò quay clip. Và có người giết hại động vật hoang dã để kiếm view... Kiểu kiếm tiền này đang gây nguy hại cho người xem. Từ việc xem trên mạng và bắt chước thực hiện ngoài đời cũng không xa, nhất là với thanh thiếu niên.
Chính người xem đang góp nên doanh thu của kênh và clip thông qua việc xem thường xuyên và những video nội dung xấu cứ nhảy nhót trên màn hình hằng ngày. Có những kênh đang có những công ty truyền thông hỗ trợ (và chia lợi nhuận) đằng sau. Cần nâng mức xử phạt, siết chặt quản lý nội dung các kênh này. Mong những chuyển biến mới, xử lý đến nơi đến chốn những vụ có dấu hiệu vi phạm.
TTO - TS Mai Anh Tuấn - một nhà nghiên cứu trẻ có nhiều quan sát sâu sắc về xã hội - nhận định chúng ta đang sống chung với sự nhảm nhí khắp nơi, tựa như sống chung với ô nhiễm không khí, một sự nguy hại nhãn tiền trên diện rộng.
Xem thêm: mth.60514951201010202-neit-coud-meik-neim-id-hnik-neyuhc-ud-mal-rebutuoy-ihk/nv.ertiout