vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp Mỹ và bài toán tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc

2020-10-11 12:30

Doanh nghiệp Mỹ và bài toán tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc

Song Thanh

(TBKTSG) - Sau bốn năm dưới thời Tổng thống Donald Trump, các doanh nghiệp Mỹ đã buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc duy trì chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Và cho dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây có mang lại kết quả thế nào, bài toán “đi hay ở” vẫn sẽ là vấn đề làm đau đầu nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Các doanh nghiệp Mỹ có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc lao đao dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nguồn: SCMP

Doanh nghiệp Mỹ lao đao vì thương chiến

Khi ông Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ năm 2016, hầu hết các phụ kiện nội thất khách sạn cao cấp của tập đoàn M Group vẫn đang được sản xuất tại Trung Quốc. Thế nhưng giờ đây, chỉ còn 50% số sản phẩm của hãng được sản xuất tại Trung Quốc. Phần còn lại đã chuyển sang các quốc gia khác như Việt Nam, Malaysia và một số nước Đông Âu.

“Cuối cùng chúng tôi đã đưa ra một giải pháp, và đối tượng được hưởng lợi thực sự là chương trình khách bay thường xuyên của tôi”, ông H.David Murray - Chủ tịch công ty Mỹ chia sẻ, “Tôi và con trai cả đã phải di chuyển khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm nguồn cung cấp”.

Đầu tiên, Tổng thống Donald Trump áp thuế chống bán phá giá 341% đối với mặt bàn làm việc bằng thạch anh sản xuất tại Trung Quốc, tiếp sau đó là thuế quan đối với tủ gia công, bệ trang điểm, tủ bếp và đầu giường. “Tất cả sản phẩm đó đều bị áp thuế chống bán phá giá, do tác động từ môi trường chính trị tại Mỹ”, ông Murray cho biết.

Tương tự, một doanh nghiệp khác là Kent International hồi năm ngoái cũng đã tính đến việc dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Xe đạp của công ty được bán tại các chuỗi siêu thị lớn hàng đầu nước Mỹ như Walmart, đã bị áp thuế và đối tác sản xuất của hãng tại Trung Quốc đã đầu tư 10 triệu đô la vào một địa điểm sản xuất quy mô lớn tại Campuchia.

Thế nhưng, kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất tới Campuchia đã thất bại, đẩy công ty vào tình cảnh nguy hiểm ngay trước khi đại dịch xảy ra. May mắn là sau đó, nhiều sản phẩm của hãng đã được đưa vào danh sách miễn trừ thuế.

Đắn đo đi hay ở?

M Group hay Kent International chỉ là hai trong số hàng loạt doanh nghiệp đã bị đảo lộn hoạt động sản xuất trong suốt bốn năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump - người có chủ trương cứng rắn với Trung Quốc và kêu gọi các công ty Mỹ chuyển nhà máy khỏi nước này.

Giờ đây, với việc cả ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nhiều khả năng cũng sẽ áp dụng các chính sách thương mại cứng rắn tương tự với Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt một thời kỳ hỗn loạn, bất kể kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào.

Ông Larry Sloven, người đã dành nhiều năm để lên kế hoạch cho việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất của công ty đèn LED Capstone International từ Trung Quốc sang Thái Lan, cho biết: “Nếu không phải vì thuế quan, bây giờ tôi vẫn đang ở Trung Quốc”.

Việc dịch chuyển đã diễn ra trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm nay, khiến việc đi lại bị đình trệ. “Đó không phải là một con đường dễ dàng, và thách thức lớn nhất là chuỗi cung ứng. Tất cả các linh kiện, pin, chip, điện trở, dây cáp... đều đến từ Trung Quốc, nhưng khâu giá trị gia tăng lại ở Thái Lan, và sau đó hàng phải được vận chuyển tới Mỹ”, ông Sloven, cho biết.

Cũng theo ông Sloven, mức thuế 25% được áp bổ sung vào các sản phẩm của công ty ông trong cuộc chiến thương mại, khiến chúng trở nên quá đắt đỏ đối với người tiêu dùng Mỹ. Điều này buộc ông phải đưa ra những sự thay đổi trong bối cảnh chi phí lao động ngày càng gia tăng tại Trung Quốc.

Giới kinh doanh nhận định, về mặt thương mại thuần túy, rất khó để các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc bởi thị trường này có sẵn hệ thống cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và lực lượng lao động tay nghề cao. Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải cho thấy, bất chấp áp lực từ Tổng thống Donald Trump, 92,1% số thành viên AmCham không có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc; trong đó 70,6% khẳng định, không có ý định thay đổi việc phân bố sản xuất, tăng 5,1% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, các thành viên AmCham có xu hướng gắn bó lâu dài với Trung Quốc, chủ yếu là các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng khổng lồ này. Trong khi đó, suốt bốn năm dưới thời Tổng thống Donald Trump, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sản xuất thuê ngoài đã tự đặt ra câu hỏi: liệu sản xuất ở Trung Quốc có rẻ hơn và an toàn hơn về mặt chính trị hay không?

Đôi khi, các quyết định của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi nhu cầu của người tiêu dùng ở Mỹ. Một nghiên cứu mới đây của Pew Research cho thấy, 78% người Mỹ hiện không có quan điểm tích cực về Trung Quốc - mức cao nhất trong 15 năm qua.

“Đối với tất cả mặt hàng điện và điện tử, khách hàng đang tích cực tìm kiếm một lựa chọn không phải sản phẩm Trung Quốc”, ông Hiten Shah, Chủ tịch Công ty MES, cho biết. “Hồi năm ngoái, họ từng lo lắng về vấn đề thuế quan, nhưng giờ đây sự chú ý đã chuyển sang những xung đột quân sự có thể xảy ra, và sự chia rẽ ngày càng lớn giữa hai quốc gia”.

Di chuyển nhưng không về Mỹ

Tuy nhiên, cho dù các doanh nghiệp có rời khỏi Trung Quốc, sẽ không có nhiều việc làm được mang trở lại nước Mỹ như kỳ vọng của Tổng thống Donald Trump.

Theo ông Murray, Chủ tịch M Group, vấn đề đầu tiên chính là sự thiếu hụt lực lượng lao động tay nghề cao và chuỗi cung ứng sẵn có. “Rất nhiều đồ nội thất phục vụ kinh doanh khách sạn từng được sản xuất tại bang North Carolina, nhưng đó là cách đây 20 năm”, ông cho biết.

“Cho dù tiểu bang có cung cấp cho tôi khoản hỗ trợ 5 triệu đô la để mở một nhà máy tại đây, những người lao động có đủ kỹ năng mà tôi tìm kiếm chỉ toàn những người ở độ tuổi 68-70”. “Sau đó là vấn đề chuỗi cung ứng: ai là người sản xuất bản lề, bao bì hay phụ trách khâu hoàn thiện? Sẽ phải mất 3-5 năm để một doanh nghiệp hàng đầu có đủ sức đưa ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, nhưng ngay cả khi đó, chi phí mà tôi phải bỏ ra vẫn sẽ cao gấp đôi một nhà cung cấp tại Trung Quốc hay Việt Nam”.

Còn với nhiều doanh nghiệp khác, vấn đề lại nằm ở sự ổn định về mặt chính sách. Đối tác sản xuất của Kent International là công ty Shanghai General Sports cho biết đã từ bỏ kế hoạch ở Campuchia để chuyển sang một nhà máy ở Malaysia. Nhà máy mới lẽ ra đã bắt đầu hoạt động nếu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ông Ge Lei, quản lý Shanghai General Sports, cho biết: “Nhìn chung, tôi không nghĩ rằng một nhiệm kỳ nữa của Tổng thống Donald Trump sẽ tốt cho công việc kinh doanh của chúng tôi, bởi các chính sách của ông ấy quá thất thường.

Đối với những nhà máy như chúng tôi, những chính sách tồi tệ như thuế quan không phải là vấn đề quá lớn, bởi chúng tôi có thể chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác. Tuy nhiên, chính sách của ông Trump lại theo kiểu sáng nắng, chiều mưa. Điều này có thể khiến việc đầu tư của chúng tôi phải đối mặt với nhiều rủi ro”.

Kent International hiện đã tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất: bị áp thuế nhập khẩu trực tiếp, đồng thời ghi nhận doanh số bán xe đạp tăng vọt khi đại dịch Covid-19 làm gia tăng nhu cầu đối với các phương tiện di chuyển cá nhân. Tuy nhiên, sự bất ổn từ các chính sách của Tổng thống Donald Trump vẫn là điều mà doanh nghiệp này lo ngại.

Ông Kamler, CEO của Kent International, cho biết đang có kế hoạch đưa một phần lớn hoạt động sản xuất trở lại bang South Carolina, nhưng hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập chuỗi cung ứng. Ông cho biết: “Nếu sản lượng đủ lớn, chúng tôi có thể cân nhắc việc bắt đầu sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, tôi cần sự chắc chắn”.

Nguồn: SCMP, Xinhua, WSJ, Foreign Policy

Xem thêm: lmth.couq-gnurt-iohk-gnu-gnuc-iouhc-hcat-naot-iab-av-ym-peihgn-hnaod/811903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp Mỹ và bài toán tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools