Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 (Chương trình) được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 73/NĐ-CP ngày 26-8-2016, phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 1740/QĐ-CP ngày 13-12-2018.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư là 30.116 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương (NSTW) cấp là 25.599 tỷ đồng và vốn đối ứng là 4.517 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc phấn đấu hoàn thành trước thời hạn Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 không thực hiện được.
Thi công bảo dưỡng, vận hành hệ thống cấp điện ở nông thôn, miền núi. Ảnh: Nguồn: Internet
Lý giải về nguyên nhân, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết là do không đủ nguồn lực.
Theo đó, đối với nguồn lực Nhà nước, để đảm bảo trần nợ công không vượt mức cho phép nên các nguồn tài trợ ODA ưu đãi đã không được cho phép huy động để triển khai thực hiện Chương trình chiếm 81,5%.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn ngân sách TW cân đối cho Chương trình quá ít (4.743 tỷ đồng), mới chỉ đạt 18,5% nhu cầu vốn. Vốn còn thiếu khoảng 20.856 tỷ đồng, Bộ Công Thương đang vận động sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.
Để huy động triển khai Chương trình, Bộ Công Thương đang làm việc với EU về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình chuyển đổi Năng lượng bền vững Việt Nam - Eu (giai đoạn 2) khoảng 142 triệu Euro.
Trong đó, vốn đề xuất cho các dự án thuộc Chương trình để cấp điện cho các thôn, bản, cụm dân cư chưa có điện thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bằng năng lượng tái tạo với giải pháp kết hợp các nguồn điện năng lượng tái tạo, lưới điện quốc gia dự kiến 1.868 tỷ đồng. Hiện thủ tục, nội dung đang được hoàn thiện để trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với vốn ODA vay ưu đãi, tháng 8-2017, Bộ Công Thương đã có tờ trình Thủ tướng phê duyệt nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới khoảng 20.856 tỷ đồng để đảm bảo nguồn lực đầu tư. Nhưng do điều kiện trần nợ công trong giai đoạn 2016-2020 nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng chưa đề xuất sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài để cấp phát cho các dự án điện nông thôn, miền núi, hải đảo.
Đối với nguồn lực từ xã hội hóa đầu tư phần lưới điện, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết việc đầu tư để cấp điện cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có giá trị đầu tư rất lớn, trong khi giá kinh doanh điện không đủ khả năng thu hồi vốn nên không có các tổ chức, cá nhân tham gia.
Đối với nguồn lực từ xã hội hóa đầu tư phần nguồn, báo cáo cho biết việc xác định được tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo, tổ chức và cá nhân được tham gia, theo các quy định của pháp luật về đầu tư, quy mô và giải pháp để đạt hiệu quả kinh tế - tài chính của nhà đầu tư và của Chương trình thì nội dung cơ chế - chính sách và các quy định thực hiện phải được nghiên cứu đảm bảo minh bạch và hiệu quả. Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025.