Sinh năm 1978, từng công tác trong ngành công an, khởi nghiệp trong lĩnh vực vận chuyển, sau gần 10 xuất khẩu nông sản và gần 8 năm xuất khẩu trái cây , Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng đã đưa VINA T&T Group trở thành doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam.
VẤP NGÃ VÀ NHẠY BÉN
Năm 2017, lần đầu tiên, nhãn lồng Sơn La, Hưng Yên đã được VINA T&T đưa tới Mỹ. Trước khi tìm ra nhãn Sơn La, mỗi tuần VINA T&T vẫn xuất 100 tấn nhãn Tiền Giang sang đây.
Và ngày 17/9 vừa qua, VINA T&T đã làm lễ xuất khẩu lô trái cây đầu tiên vào thị trường châu Âu, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. 20.000 trái dừa xiêm vào thị trường Anh, 12 tấn bưởi da xanh vào thị trường thị trường Đức, 3 tấn thanh long đi thị trường Hà Lan. Tổng giá trị lô hàng này khoảng 75.000 USD.
Khi được hỏi về quá trình khởi nghiệp, ông Tùng nhớ lại con đường gian khó mà mình đã đi.
"Trước đây, chúng tôi xuất khẩu thủy sản và đồ khô như bánh tráng, bún gạo ... vào thị trường Mỹ. Nhờ có sẵn lượng khách hàng ở đây nên chúng tôi quyết định chuyển qua xuất khẩu trái cây tươi", ông Tùng cho biết.
Năm 2008 khi chuyển qua mảng trái cây, thanh long chính là lô hàng đầu tiên mà công ty xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đó cũng là năm mà Hoa Kỳ mở cửa cho trái cây Việt Nam và thanh long là mặt hàng đầu tiên được vào thị trường này.
Nhìn lại, những dấu mốc trên của VINA T&T Group đều gắn liền với những sự kiện mở cửa, hoặc có thay đổi thuận lợi tại các thị trường lớn. Những dấu mốc nhạy bén trong kinh doanh của doanh nhân này. Nhưng, như vậy là chưa đủ và không hẳn các bước đi đều thuận lợi.
Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm và suy nghĩ còn đơn giản, cho rằng trái cây thu hoạch xong cho qua chiếu xạ rồi xuất khẩu là được. Nhưng không ngờ tác động của chiếu xạ rất lớn, nên mấy container thanh long xuất bằng đường biển cập cảng Hoa Kỳ là… phải cho xe chở thẳng ra bãi rác bỏ luôn, bởi tất cả đều bị vàng trái hoặc hỏng.
"Tất cả những vấn đề này khi ở Việt Nam chúng tôi không phát hiện nhưng đến Mỹ lại xảy ra. Trái thanh long bị hỏng, cầm thì nước chảy qua kẽ tay. Đến năm 2012 lại xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến hoạt động kinh doanh của công ty liên tiếp bị thất bại. Buồn chán, tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ người thân khuyên giải và mãi đến tháng 8/2014 tôi mới quay trở lại xuất khẩu trái cây", ông Tùng nhớ lại.
Trong những năm dừng xuất khẩu, vị doanh nhân từng lận đận này tập trung nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan, để tránh đi lại vết xe đổ. Do đó, những lô thanh long được xuất lại sau đó đạt thành công 80%, đến năm 2015 thành công 100%.
Cùng trong giai đoạn này công ty vừa nghiên cứu công nghệ bảo quản, vừa tìm thị trường đa dạng sản phẩm. Năm 2013, họ bắt đầu xuất khẩu nhãn sang Hoa Kỳ, rồi đến chôm chôm… Đó là tiền đề để VINA T&T phát triển cho đến nay và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Canada...
Một kinh nghiệm sau quá trình trên được ông Tùng đúc kết: trong thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa thường không chủ động được, nên khi đối tác báo chất lượng khi nhận hàng như thế nào thì nghe như vậy. "Có khi chỉ hư 10% họ báo hư 100% cũng phải chấp nhận, vì không có cách nào kiểm chứng! Đó là điều mà doanh nghiệp Việt Nam thua thiệt so với các doanh nghiệp các nước khác".
Thế nên, từ va vấp thực tiễn, khi quay lại thị trường Mỹ, bước đầu tiên VINA T&T xây dựng ngay văn phòng đại diện để kiểm soát chất lượng hàng hoá, phòng khi xảy ra sự cố đối tác thông báo là có thể kiểm tra ngay.
Kinh nghiệm trên quan trọng, vì trái cây tươi có liên quan đến các vấn đề như nhiệt độ, môi trường, cách thu hái, thời tiết… mà chất lượng có thể bị ảnh hưởng.
PHẢI CHỦ ĐỘNG, NẮM RÕ TỪNG THỊ TRƯỜNG
Kinh nghiệm chỉ là một phần, theo ông Tùng, để có thể xuất khẩu thành công, vấn đề căn bản của doanh nghiệp là phải biết rõ chất lượng loại trái cây mà mình đang cạnh tranh với hàng hóa cùng loại tại thị trường đó như thế nào.
Đơn cử, vào tháng 7/2017, Công ty xuất khẩu lô dừa xiêm Bến Tre (18.000 trái) đầu tiên vào thị trường Mỹ, được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Một tháng sau tăng lên 40.000 trái, dù trước đó có nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu dừa tươi sang đây nhưng có thể do chất lượng dừa họ xuất không tốt nên không cạnh tranh được với dừa Thái Lan đang bán trên đất Mỹ.
"Lần đầu tiên uống trái dừa xiêm vùng ven biển Bến Tre cho tôi cảm giác rất thơm, ngon, ngọt và có mùi vị rất đặc trưng so với dừa của Thái Lan. Chính vì vậy tôi quyết định xuất khẩu container dừa tươi đầu tiên qua Mỹ. Đến năm 2020 chúng tôi đã chia được 50% thị phần dừa tươi tại thị trường này với Thái Lan", Tổng giám đốc VINA T&T Group cho biết.
Từ trường hợp trên, đúc kết tiếp theo: Phải tìm hiểu rõ về nhu cầu mỗi thị trường, đối tượng cạnh tranh, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật; càng nắm chắc càng bước chắc.
Như thị trường Mỹ, yêu cầu phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói do phía Mỹ cấp, chứ không hẳn là các chứng chỉ như GlobalGAP hay VietGAP. Nhưng thị trường châu Âu lại yêu cầu phải có GlobalGAP, chứng chỉ môi trường, ISO hay HACCP…
Hay với việc tồn dư chất cấm, có những chất ở Nhật Bản, Mỹ, Úc không cấm nhưng châu Âu lại cấm. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường trên phải hết sức chú ý.
"Chỉ cần một lô hàng bị vướng chất cấm không những sẽ bị mất khách hàng mà còn ảnh hưởng đến uy tín công ty, bị thiệt hại về kinh tế rất nặng nề, cho dù trước đó đã xuất khẩu nhiều lô hàng trót lọt", người cưa được 50% thị phần trái dừa trên đất Mỹ nói.
CẦN CHÍNH PHỦ MỞ ĐƯỜNG, GIỮ LÀN
Qua những lần vấp ngã, đúc kết và bước tiếp, VINA T&T Group từng bước tiến chắc vào các thị trường. Ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Công ty đã phục hồi nhanh.
"Ngày nay trái cây Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới, không lý do gì người Việt quay lưng. Cái cần là cách làm tầm Chính phủ và quản lý được chất lượng"
Ông Nguyễn Đình Tùng
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, chỉ bằng nỗ lực của mỗi doanh nghiệp thì chưa đủ. Để định hướng phát triển lâu dài và bền vững, cần đến vai trò mở đường, giữ làn của Chính phủ.
Thứ nhất, Chính phủ định hướng cho người nông dân hướng sản xuất bền vững là như thế nào; người nông dân phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gì để khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường khó tính không bị vướng chất cấm.
Cục Bảo vệ thực vật phải có một hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt đối với viêc nhập khẩu loại thuốc bảo vệ thực vật, và nên khuyến khích người nông dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Doanh nghiệp làm được điều đó, nhưng phạm vi hạn chế. Họ chỉ có thể làm ở các vùng trồng bao tiêu chứ không thể làm rộng ra bởi chi phí có hạn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần mở rộng thêm các thị trường cho nhiều loại trái cây khác. Trong những năm vừa qua Chính phủ đã làm rất tốt vấn đề này. Đơn Cử năm 2019 Việt Nam đã có trái vú sữa, trái xoài đi Mỹ, trái thanh long đi Úc và vừa rồi có trái vải đi thị trường Nhật Bản.
"Đó là sự nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bởi vì đàm phán cho một loại trái cây xuất khẩu vào thị trường nào đó cần một thời gian rất lâu có thể lên đến 9 năm hoặc 10 năm", ông Tùng nhìn nhận.
Và theo vị doanh nhân này, để nâng tầm trái cây Việt cũng như góp phần làm lan tỏa tình yêu đối với trái cây sản xuất trong nước, ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng cần mở rộng chuỗi cửa hàng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
"Vì ngày nay trái cây Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới, không lý do gì người Việt quay lưng. Cái cần là cách làm tầm Chính phủ và quản lý được chất lượng", Tổng giám đốc VINA T&T Group nói.
Quang Trí
Nhịp sống doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.52290650111010202-ym-tad-nert-nal-iaht-aud-nahp-iht-05-auc-iougn-teiv-nahn-hnaod/nv.zibefac