Vào khoảng năm 1300, Marco Polo, thương nhân đến từ Venice (Italy), đã kể cho người dân Châu Âu về kỳ tích tiền tệ mà ông chứng kiến ở châu Á. Theo đó, hoàng đế Trung Quốc đã "dùng vỏ cây tạo ra một thứ gọi là tiền giấy và lưu hành trên khắp đất nước". Cuối cùng, khoảng 6 thế kỷ sau phát minh của Trung Quốc, phương Tây cũng sử dụng tiền giấy.
Gần đây, các du khách nước ngoài trở về từ Trung Quốc lại thích thú với bước tiến lớn kế tiếp về mặt tiền tệ. Đó là tiền giấy dần biến mất và được thay thế bằng pixel trên màn hình điện thoại, hay dễ hiểu hơn là thanh toán di động.
Tính ưu việt ở tiền điện tử của Trung Quốc có thể sẽ càng hiện rõ khi khi Ant Group, công ty công nghệ tài chính (fintech) lớn nhất Trung Quốc, niêm yết tại Hong Kong và Thượng Hải. Đây có thể sẽ là vụ IPO lớn nhất lịch sử, đánh bại kỷ lục năm ngoái của Saudi Aramco.
Sau khi được niêm yết, Ant - công ty thành lập năm 2004 - có thể có giá trị tương đương JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất thế giới, được thành lập năm 1799. Sự phát triển của Ant làm cho giới chức Nhà Trắng lo ngại, nhưng lại khiến các nhà đầu tư toàn cầu say mê. Điều này cho thấy chuyển biến lớn hơn về cách thức hoạt động của hệ thống tài chính, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới.
CEO JPMorgan Jamie Dimon và những người khác đã để ý đến Ant trong nhiều năm. Được tách ra từ Alibaba, Ant có hơn một tỷ người dùng, chủ yếu ở Trung Quốc. Mạng lưới thanh toán của Ant thực hiện 16.000 tỷ USD giao dịch năm ngoái, kết nối 80 triệu thương nhân. Thanh toán chỉ là bước đầu. Người dùng còn có thể vay tiền, lựa chọn đầu tư từ 6.000 sản phẩm, và mua bảo hiểm sức khỏe.
Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng các ngân hàng thương mại lớn, các công ty môi giới ở Phố Wall, các nhà quản lý tài sản ở Boston và công ty bảo hiểm ở Connecticut đều bị thu nhỏ lại, tích hợp vào một ứng dụng duy nhất được thiết kế ở Thung lũng Silicon mà mọi người đều sử dụng được. Các công ty Trung Quốc khác, như Tencent, cũng vận hành các công nghệ tài chính tiên tiến như vậy.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không đơn độc. Đại dịch cũng làm gia tăng hoạt động này ở những nơi khác. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và làm việc từ xa, thanh toán kỹ thuật số đã bùng nổ. Ví du như mức tăng trưởng 52% so với năm ngoái của Venmo - một dịch vụ thanh toán di động của Mỹ, và mức tăng 142% của Mercado Pago - một công ty công nghệ tài chính ở Mỹ Latin.
Chợ nông sản ở Paris, các cửa hàng bánh pizza và người bán hàng rong ở Singapore đã nâng cấp hệ thống để có thể thanh toán ngay lập tức mà không cần tiếp xúc trực tiếp hay tiền mặt. Các nhà đầu tư đang nhận thấy sự chuyển đổi mang tính kiến tạo. Trong khi đó, các ngân hàng truyền thống hiện chỉ còn chiếm 72% vốn hóa của ngành thanh toán và ngân hàng toàn cầu, giảm so với mức 96% năm 2010.
Các mô hình kinh doanh dựa trên sự bùng nổ của tài chính số cũng ngày càng mọc lên nhiều. Đáng chú ý ở Mỹ Latin là các ngân hàng kỹ thuật số và các công ty thương mại điện tử tiên phong như Nubank và MercadoLibre (sở hữu Mercado Pago). Ở Đông Nam Á, hai dịch vụ gọi xe Grab và Gojek đang trở thành "siêu ứng dụng" với mảng kinh doanh về tài chính.
Các fintech hiện cung cấp phần lớn các khoản vay tiêu dùng ở Thụy Điển. Ở Mỹ, các hãng thẻ tín dụng như Visa hay PayPal và các ngân hàng lớn đều vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Alphabet cũng đang tham gia, do bị hấp dẫn bởi tổng lợi nhuận toàn cầu trị giá 1.500 nghìn tỷ USD của ngành tài chính này.
Còn rất nhiều điều hấp dẫn khác. Công nghệ tài chính mang lại lợi ích lớn về hiệu suất. Nếu các ngân hàng được niêm yết trên thế giới cắt giảm một phần ba chi phí, số tiền tiết kiệm được sẽ trị giá 80 USD một năm cho mỗi người trên Trái Đất. Ant tính mức phí không đáng kể trong các giao dịch thanh toán và chỉ mất vài phút để cấp một khoản vay. Bên cạnh đó, đã qua rồi thời kỳ chúng ta bị những người đổi tiền ở sân bay lừa gạt. Các công ty như TransferWise và Airwallex cung cấp dịch vụ đổi tiền rẻ hơn và nhanh hơn.
Số hóa cũng hứa hẹn mở rộng phạm vi tài chính. Việc tiếp cận khách hàng sẽ dễ dàng hơn và dữ liệu sẽ giúp cho vay chính xác hơn. Các công ty như Square và Stripe giúp các doanh nghiệp nhỏ nối kết với nền kinh tế kỹ thuật số. Ở Ấn Độ và châu Phi, tài chính kỹ thuật số có thể giúp mọi người tránh khỏi những kẻ cho vay gian xảo và những ngân hàng cũ kỹ. Bằng cách tạo ra tiền điện tử của riêng mình, các chính phủ có thể bỏ qua hệ thống ngân hàng truyền thống và thuế, nhận tiền gửi và thanh toán cho công dân chỉ bằng một nút bấm.
Tuy nhiên, cuộc chinh phục công nghệ tài chính cũng mang lại hai rủi ro. Đầu tiên là có thể gây mất ổn định hệ thống tài chính. Các công ty công nghệ tài chính tập trung vào những phần có lợi nhuận cao nhất trong ngành, để lại những phần ít lợi nhuận hơn và phần lớn rủi ro cho các tổ chức cho vay truyền thống.
Ví dụ, Ant chỉ đóng vai trò môi giới. Vì thế, 98% các khoản vay được phát hành thông qua Ant ở Trung Quốc đều lưu trong sổ sách của các ngân hàng. Các ngân hàng phải trả cho Ant một khoản phí. Ant dự kiến thu được một khoản tương đương một phần mười (hoặc nhiều hơn) lợi nhuận chung của ngành ngân hàng Trung Quốc.
Trong khi đó, các hãng cho vay lớn ở nước giàu đang chịu tác động bởi lãi suất thấp và chi phí tuân thủ cao. Nếu các công ty này bị mất ổn định, điều này có thể gây ra rắc rối. Do các ngân hàng vẫn phải thực hiện các chức năng kinh tế quan trọng, bao gồm giữ tiền gửi của người dân và biến các khoản tiền ngắn hạn này thành các khoản vay dài hạn cho người khác.
Nguy hiểm thứ hai là quốc gia và các công ty có nền tảng công nghệ tài chính có thể thu về nhiều quyền lực hơn. Hiệu ứng mạng là tất yếu với mô hình công nghệ tài chính. Nó có nghĩa là, càng nhiều người sử dụng một nền tảng, nó càng trở nên hữu ích và có khả năng thu hút thêm người khác.
Vì vậy, ngành công nghiệp này có xu hướng trở nên độc quyền. Và nếu fintech cung cấp nhiều dữ liệu hơn cho chính phủ và các nền tảng, khả năng giám sát, thao túng và tấn công mạng sẽ tăng lên. Ant bị phương Tây cáo buộc là nằm trong kiểm soát của chính quyền. Đây là một lý do họ không được chào đón ở nước ngoài. Facebook - công ty nhận không ít chỉ trích về các hành vi đạo đức kinh doanh - cũng bị phản ứng dữ dội trên toàn cầu khi tung ra tiền điện tử Libra năm ngoái.
Khi công nghệ tài chính vẫn phát triển, các chính phủ nên có cái nhìn tổng thể về rủi ro, bao gồm các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính. Trên thực tế, các nhà quản lý Trung Quốc có lý do chính đáng để loại bỏ mảng chứng khoán hóa khoản vay của Ant, do nó gợi nhớ lại sự thất bại của hoạt động cho vay dưới chuẩn.
Các chính phủ cũng nên hạ thấp rào cản hội nhập nhằm thúc đẩy cạnh tranh. Singapore và Ấn Độ có hệ thống thanh toán liên ngân hàng dễ dàng, giá rẻ mà Mỹ có thể học hỏi. Châu Âu cũng có hệ thống ngân hàng linh hoạt cho phép khách chuyển đổi tài khoản dễ dàng. Cuối cùng, sự phát triển của fintech phải gắn liền với nỗ lực đổi mới để bảo vệ quyền riêng tư của mọi người khỏi các công ty khổng lồ và nhà nước. Miễn là công nghệ tài chính có thể được thực hiện an toàn hơn, dễ dàng và tôn trọng quyền cá nhân, cuộc đổi mới về tiền tệ do Trung Quốc dẫn đầu sẽ một lần nữa khiến thế giới trở nên tốt hơn.
Phiên An (theo The Economist)